Xuân Hinh được khán giả yêu mến gọi là "Vua hề chèo", "Vua băng đĩa", "Vua hài đất Bắc"… Tuy nhiên ít ai biết ngoài tài năng diễn xuất, ông còn là bầu show sừng sỏ, khét tiếng ở miền Bắc với chiến tích "chưa bao giờ gặp mưa gió, đánh đâu thắng đấy". Đến NSND Hồng Vân khi nhắc đến thời hoàng kim làm bầu show của Xuân Hinh cũng phải… kinh hãi.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Xuân Hinh, nghe ông bầu tiết lộ ngón nghề cao thủ cũng như chia sẻ về cuộc sống gia đình.
Nguyễn Hằng: Về diễn hài hiện đại ở miền Bắc thì Xuân Hinh là người đầu tiên?
Xuân Hinh: Tôi là người thu âm băng cát-sét về chầu văn đầu tiên, cũng là người đầu tiên thu quay hình. Tôi cũng là nghệ sĩ miền Bắc đầu tiên đi diễn hài thu được tiền, là người đầu tiên đi làm bầu show.
Nguyễn Hằng: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn khi từ lĩnh vực diễn xuất rẽ ngoặt sang làm… bầu show?
Xuân Hinh: Trong hề chèo, thầy Mạnh Tuấn là người dạy tôi cẩn thận nhất. Cụ chuyên diễn các vai hề chèo. Từ năm 1986, tôi đã đi diễn cùng thầy. Hai thầy trò thường diễn các trích đoạn hài cổ.
Năm 1988, tôi diễn tiết mục hề chèo "Cu Sứt" trong Festival Cười gần 2 tháng tại Cung Văn hóa Việt Xô và nhận được khen ngợi rầm rộ từ khán giả. Tiếp đó là một loạt tiết mục "Thầy bói đi chợ", "Hề gậy theo thầy", "Hề mồi đấu đá"…
Tôi đi diễn, khán giả mê, thích lắm. Để gần gũi khán giả trẻ, từ chất liệu cổ điển tôi phát huy sở trường, chuyển sang hài hiện đại và có vai diễn "Tùng lò gạch" (tác giả là PGS Trần Trí Trắc). Lúc đó chưa có chương trình Gặp nhau cuối tuần, chưa có Gala Cười. Khán giả thích xem hài, thèm được xem và cười.
Sau đó tôi ra mắt một loạt tiểu phẩm: "Xuân Hinh đi hỏi vợ", "Xuân Hinh đi khám bệnh", "Xuân Hinh đi hát karaoke", "Xuân Hinh luyện thi hoa hậu"…
Khi nổi tiếng rồi, thì tôi chuyển sang tổ chức biểu diễn, làm bầu show. Tôi làm ông bầu từ năm 1989 đến năm 2006.
Nguyễn Hằng: Thường nghệ sĩ biểu diễn giỏi thì không giỏi khâu tổ chức, kinh doanh, nhưng với Xuân Hinh thì lại khác?
Xuân Hinh: Tôi là người rất giỏi tính toán. Có thể vì sinh ra trong gia đình nghèo, buôn bán mưu sinh từ nhỏ nên tôi có sự nhạy bén. Xách một con gà, tôi biết là 1kg hay 1,2kg mà không cần phải cân lại. Con gà béo hay gầy, đẻ mấy lứa rồi, tôi chỉ sờ vào sườn nó là biết. Nhìn con lợn trong chuồng, tôi mua vo, không cần cân vẫn chuẩn. Tôi cao thủ rồi.
Với công việc tổ chức biểu diễn cũng vậy. Mỗi khi đưa đoàn biểu diễn đến vùng nào, ngồi trên xe nhìn nhà dân hai bên đường, nhìn người dân ở đó là tôi biết sẽ bán vé bao nhiêu. Khi tôi căng băng rôn ở đâu, các đoàn khác biết đều… dẹp sang chỗ khác.
Nguyễn Hằng: Nhớ lại thời hoàng kim làm bầu show, anh có thể chia sẻ điều gì?
Xuân Hinh: Tôi là ông bầu nổi tiếng chưa bao giờ thất bại, chưa từng gặp mưa gió, đi đến đâu là khán giả đông như kiến. Khán giả ngồi kín sân vận động, vỡ sân vận động. Có đợt tôi đưa đoàn biểu diễn từ ngoài Bắc vào miền Trung, đi một vệt, hết các tỉnh.
Băng rôn căng từ Hà Nội vào miền Trung, mỗi tỉnh căng không biết bao nhiêu cái băng rôn. Tôi nhớ lần đưa đoàn về Vinh (Nghệ An), mới 4h chiều đã bán hết 10 nghìn vé.
Đêm đó, chương trình bán được 15 nghìn vé. Cách đây gần 20 năm mà có những đêm diễn khủng khiếp như thế. Tôi vào Hà Tĩnh, dân tình xếp hàng dài mua vé, mua đĩa. Có bà cụ bắt xe ôm, đi gần 70 km đến chỉ để… xin chụp với tôi kiểu ảnh. Nhiều kỷ niệm lắm!
Nguyễn Hằng: Nói về sự mát tay nổi tiếng của ông bầu Xuân Hinh, bản thân NSND Hồng Vân cũng phải nể phục...
Xuân Hinh: Có lẽ tôi được tổ đãi nên các đêm diễn ngoài trời chưa bao giờ gặp mưa gió. Với các chương trình biểu diễn thường là diễn ngoài trời, ở sân vận động. Nếu trước đêm diễn mà mưa một cái là bầu show vỡ nợ, bán nhà nhanh hơn… bán vé.
Có lần, tôi đưa đoàn đi diễn ở Hải Dương. Trước đó, Hà Nội đã bị bão suốt 4 hôm liền. Tới ngày thứ 5 đi diễn ở Hải Dương, mưa tầm tã từ sáng.
Hồng Vân lo quá, trên đường đến Hải Dương gọi cho tôi: "Anh Hinh ơi, mưa thế này diễn thế nào được? Mà còn diễn ngoài sân bãi nữa". Tôi nói: "Việc của cô là chỉ cần đi diễn rồi ôm tiền về nhá, không nói nhiều".
Đến khi đoàn xuống đến địa điểm diễn thì trời tạnh luôn, không mưa tí nào. 8h tối, Nhà hát nhân dân Hải Dương chật kín khán giả. Sau khi chương trình biểu diễn xong xuôi, đoàn lên xe về Hà Nội thì trời lại lốp đốp mưa.
Nguyễn Hằng: Nghe nói, không chỉ mát tay có tiếng, ông bầu Xuân Hinh còn "chơi đẹp" với nghệ sĩ?
Xuân Hinh: Thời gian làm bầu, tôi rất sòng phẳng tiền bạc. Chị cứ hỏi trong giới showbiz thời tôi làm bầu mà xem. Tôi chưa thiếu ai một đồng, chưa bớt xén của ai, toàn cho thêm tiền.
Như Xuân Bắc cũng chia sẻ rồi đấy, cát-sê cho diễn viên khoảng 150 nghìn đồng/show thì tôi đưa Bắc hẳn 300 nghìn đồng.
Tôi cũng chưa bao giờ tổ chức biểu diễn kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", có nghệ sĩ nào, giới thiệu đúng nghệ sĩ ấy.
Nguyễn Hằng: Khi đang ở thời hoàng kim của nghề làm bầu show, vì sao anh lại quyết định giải nghệ?
Xuân Hinh: Bởi về sau, thấy nhiều người nhao vào làm bầu show nên tôi không làm nữa. Các chương trình hài như Gặp nhau cuối tuần cũng nở rộ. Dù đang thời kỳ hoàng kim, kiếm được doanh thu khủng nhưng tôi dừng. Tôi lại đi diễn trở lại.
Thực ra, làm ông bầu cũng mệt lắm. Để tập hợp cả một đoàn, gồm nhiều nghệ sĩ không hề đơn giản. Văn nghệ sĩ đầu đều "có đạn" hết. Thà tôi đi diễn ngày 2-3 show, diễn xong về ngồi rung đùi, đỡ nhức đầu. (Cười)
Nguyễn Hằng: Được khán giả yêu mến gọi là "Vua hề chèo", "Vua hài đất Bắc"…, nhưng anh chỉ thích được gọi là "kẻ chọc cười dân dã"?
Xuân Hinh: "Kẻ chọc cười dân dã" là đạo diễn Doãn Hoàng Giang đặt cho tôi. Tôi rất thích cái tên đấy. Vì tôi đại diện cho những người nghèo khổ, những người dân dã dễ gần, dễ gặp. Tôi lăn lộn với cuộc sống của những người lao động, lam lũ. Tôi thương hoàn cảnh của người dân lao động.
Vai diễn trong vở "Người ngựa ngựa người" gần như ngấm vào tôi. Tôi đã trải qua tất cả những việc từ cấy lúa, nhổ mạ, gánh phân…, việc gì tôi cũng làm được. Tôi nhớ đến hình ảnh tảo tần của mẹ, nhớ đến việc mẹ vớt từng gánh bèo bán lấy tiền nuôi chúng tôi ăn học. Tôi thương mẹ. Tôi phải đi buôn từ thượng vàng hạ cám, nhặt nhạnh từng tý để lấy tiền nuôi bản thân, giúp đỡ mẹ…
Nguyễn Hằng: NSND Hồng Vân từng nhận xét: "Anh Xuân Hinh đi đến đâu là mọi người điên rồ đến đấy. Mỗi lần gặp anh Xuân Hinh chúng tôi đều cười vì anh ấy nói chuyện rất mắc cười, pha trò rất vui. Nhưng không bao giờ anh ấy khóc hay chia sẻ về cuộc đời mình, dù nó có buồn bã thế nào…". Vì sao thế?
Xuân Hinh: Người nghệ sĩ là phải có những tác phẩm để lại cho cuộc đời. Những tác phẩm đó phải có tác động đến xã hội. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải trải qua những nỗi cay đắng, thậm chí cả những nỗi uất ức.
Có những chuyện buồn tôi không thể kể, không thể chia sẻ được. Nếu kể ra, tôi sẽ khiến người khác buồn, nhất là người thân của mình. Tôi chỉ muốn những người thân không phải lo nghĩ, không phải buồn thêm...
Nguyễn Hằng: Người ta vẫn nói, nghệ sĩ hài đem tiếng cười đến cho khán giả, còn nỗi đau thì cất cho riêng mình. Như nghệ sĩ hài Minh Nhí, ngay trong đêm diễn cách đây nhiều năm anh đã nhận tin bố mất. Vì đến giờ ra sân khấu, anh vẫn ra diễn một cách… vui vẻ. Còn Hiếu Hiền cũng từng chia sẻ, ngày mẹ mất, anh vẫn phải ra sân khấu diễn hài vì vé bán hết rồi… Còn Xuân Hinh, đã bao giờ anh rơi vào cảnh "bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm"?
Xuân Hinh: Tôi chưa rơi vào hoàn cảnh như thế. Nhưng thời điểm mẹ tôi đang ốm, tôi có lịch quay bài hát "Mừng tuổi mẹ". Vì lịch quay từ trước, nên tôi vẫn đi. Chỉ có điều qua những ngày lo việc, chạy qua chạy lại chăm sóc mẹ nên giọng tôi khàn, hát chưa được như mong muốn.
Sau hôm đó gần một tuần thì mẹ tôi mất…
Nguyễn Hằng: Từng diễn cặp với nghệ sĩ Thanh Ngoan, Hồng Vân, Minh Vượng… nhưng khán giả lại ấn tượng nhất về sự kết hợp ăn ý giữa Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền. Thậm chí, có người còn nhầm Xuân Hinh là chồng… Thanh Thanh Hiền?
Xuân Hinh: Các nghệ sĩ nữ chị vừa nhắc đến đều là những người tài hoa, có nét duyên riêng. Thanh Thanh Hiền cũng thế. Cô vừa có sắc vừa hát rất hay, có thể diễn hài kịch kết hợp nhiều làn điệu từ quan họ, dân ca, chèo.
Tôi chọn Thanh Thanh Hiền kết hợp trong tiểu phẩm "Người ngựa ngựa người". Cô hỏi tôi: "Thế vai này, em diễn như nào nhỉ?" Tôi bảo: "Vai gái bán hoa thì cô cần gì phải diễn. Cô cứ phì phèo điếu thuốc lá, đi đánh hông là… ra ngay".
|
"Có người gọi điện thẳng đến nhà tôi, nằng nặc đòi gặp chị Thanh Thanh Hiền" (Ảnh: Phan Hưng). |
Chúng tôi nhiều lần kết hợp ăn ý trên sân khấu nên nhiều người lầm tưởng Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền là… vợ chồng. Có người gọi điện thẳng đến nhà tôi, nằng nặc đòi gặp chị Thanh Thanh Hiền.
Tôi bảo: "Anh Xuân Hinh đây. Anh đính chính lại nhé. Anh Hinh chỉ có một vợ và 2 con: một gái và một trai, không phải hạng 5 - 7 vợ. Vợ anh là Nguyễn Phương Lan. Anh đóng "Chuyện tình Lan và Điệp" thì anh là Điệp, còn Lan ở nhà rồi. Đừng gọi lằng nhằng, vợ anh điên lên lại… đuổi anh ra khỏi nhà. Anh lại phải lấy vợ nữa thì khổ thân anh" (Cười).
Nguyễn Hằng: Những lần nhầm nhọt như thế này có khiến vợ anh… ghen?
Xuân Hinh: Vợ tôi là gái Hà Nội, ít nói và… cao tay lắm. 3 mẹ con bà ấy về một phe, hợp nhau lắm. Tôi mà lơ mơ là chết với mẹ con nhà bà ấy luôn. Bà ấy mà đuổi: "Anh ra khỏi nhà" thì tôi cũng chỉ biết xách túi mà ra khỏi nhà ngay và luôn. Đành phải lấy cô vợ khác trẻ hơn.
Nói vui thôi, còn vợ tôi thấu hiểu công việc của chồng. Nhà tôi, nhà Thanh Thanh Hiền hay nhà Hồng Vân, Thanh Ngoan cũng thân nhau mà. Mấy bà vẫn đến nhà tôi tập tành, thậm chí ngủ lại.
Nguyễn Hằng: Để giữ gìn hạnh phúc, hòa khí trong gia đình, vợ chồng anh có "nguyên tắc" gì?
Xuân Hinh: Khi lấy nhau tôi nói thẳng với bà ấy: "Lấy văn nghệ sĩ là đầu có đạn. Có người một viên, người 2 viên, còn tôi có cả… băng. Cho nên, đã xác định lấy là phải chấp nhận"…
Vợ chồng sống với nhau phải lựa nhau, đón ý nhau. Có những cái người này không được, có cái người kia không được nhưng phải sống vì con cái, làm tấm gương sáng cho con nhìn vào.
"Chồng thẳng thì vợ phải trùng, hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây"; "Chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười chúm chím: thưa anh giận gì?"…
Nguyễn Hằng: Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ "thất nghiệp", ở nhà vì đại dịch Covid-19. Vậy một ngày bình thường của anh diễn ra như nào?
Xuân Hinh: Sáng nào, vợ vui vẻ nấu cho ăn thì tôi được ăn ngon, còn không thì tôi "lẩn" ra ăn ngoài. Sáng nay mà ăn bún riêu thì sáng mai tôi ăn phở gà. Mấy bà hàng bún riêu, bà hàng phở nhẵn mặt tôi rồi. Vì ngại xuất hiện nơi đông người nên tôi chỉ ăn ở những quán vắng người. Ăn xong thì tôi uống cốc cà phê ở quán quen, lướt mạng rồi về.
Theo Nguyễn Hằng/ Dân Trí