>>> Mời quý độc giả xem video "Màn khoe áo đấu body painting". Nguồn VTC: |
|
Mới đây, người mẫu nude Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1994, quê Tiền Giang) đã lên tiếng tố cáo bị họa sĩ body painting kiêm kiến trúc sư N.L hiếp dâm trong quá trình hai người hợp tác chung.
Theo tố cáo của Kim Phượng, cô nhận lời làm mẫu cho bộ ảnh body painting của họa sĩ N.L. Do họa sĩ yêu cầu “cần test trước góc chụp và phác thảo vài nét trên cơ thể người mẫu định vị hình vẽ, trang phục”, Kim Phượng đã không mảy may đề phòng mà để N.L đưa đến khách sạn. Tại đây, Kim Phượng đã bị họa sĩ N.L dùng vũ lực khống chế thực hiện hành vi hiếp dâm. Hiện vụ việc đang được Công an Q.10, TP.HCM thụ lý điều tra.
Liên quan đến vụ việc người mẫu nude Nguyễn Thị Kim Phượng bị họa sĩ nổi tiếng cưỡng hiếp, chia sẻ với Kiến Thức, Nhà báo Hàn Vũ Linh cho rằng, nạn xâm hại tình dục đang là vấn đề nóng hiện nay, nhất là thời điểm gần đây liên tục có những vụ tố gạ tình, quấy rối, cưỡng hiếp... Vụ việc lần này đã phơi bày góc khuất trong nghề hội họa nói riêng và trong giới làm nghệ thuật nói chung.
|
Nhà báo Hàn Vũ Linh. |
Thực tế việc người mẫu bị cưỡng hiếp này chỉ như một phần nổi của tảng băng chìm, có thể còn nhiều trường hợp bị xâm hại khác nhưng nạn nhân vì nhiều lý do tế nhị cũng như chưa đủ bằng chứng và sự dũng cảm để đứng ra tố cáo những “yêu râu xanh” đội lốt làm nghệ thuật.
Theo các quy định của pháp luật, hiếp dâm là một trong những tội danh bị xử lý khá nghiêm khắc trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Căn cứ vào các tình tiết và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc mà tội danh này có khung hình phạt từ 2 năm tù giam cho tới chung thân (Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015). Kể cả các hành vi lạm dụng tình dục chưa giao cấu vẫn bị xử lý theo luật Hình sự.
Tuy nhiên, thông thường các nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục hay hiếp dâm thường ở trạng thái bị động, do sự sắp đặt, tính toán của những kẻ tội phạm nên họ khó có được bằng chứng đầy đủ để đưa những kẻ phạm tội ra ánh sáng.
Về trường hợp người mẫu Kim Phượng, Nhà báo Hàn Vũ Linh chia sẻ: “Theo lời kể của cô người mẫu, nếu đó là sự thật thì rõ ràng sự sắp đặt, tính toán của họa sĩ kia là rất tinh vi, mượn danh nghĩa thực hiện dự án nghệ thuật nên cô người mẫu đã không đề phòng và dễ dàng sập bẫy. Có thể thấy mẫu nude cũng là nghề nhạy cảm, có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn. Việc người mẫu nude bị lạm dụng, xâm hại tình dục hoàn toàn có thể xảy ra, nếu môi trường hoạt động mang tính nghề nghiệp, nghệ thuật này không được giám sát chặt chẽ”.
|
Người mẫu nude Nguyễn Thị Kim Phượng. Ảnh Báo Giao Thông |
|
Kim Phượng công khai sự việc trên mạng xã hội. |
Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, theo Nhà báo Hàn Vũ Linh, với những nghề nghiệp có nguy cơ cao như nghề làm mẫu nude cần có sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng, như thông qua việc cấp giấy phép hành nghề cho những người trong cuộc.
“Tôi thấy cần thiết việc cấp phép hành nghề cho những người mẫu và ngay cả họa sĩ, nhiếp nhiếp ảnh gia nếu muốn thực hiện các dự án nghệ thuật có sử dụng người mẫu nude. Gần như hiện nay chúng ta đang rất lỏng lẻo trong việc quản lý này và chưa có những chế tài hay quy định cụ thể. Ví dụ để hành nghề chụp ảnh nude, vẽ nude hay vẽ body painting cần quy định rõ cái gì được phép, cái gì không được phép. Nếu là dự án nghệ thuật khi cơ quan chức năng cấp phép thì cần nghiên cứu đề ra những điều kiện ràng buộc như phải có kế hoạch làm việc được phê duyệt, hợp đồng làm việc hợp lệ, thời gian, công việc cụ thể, có ê-kíp tham gia... Đặc biệt không cấp phép các trường hợp thực hiện tác phẩm nghệ thuật nude khi chỉ có hai người nếu họ không phải là vợ chồng.
Nếu chúng ta có được những chế tài rõ ràng quy định quan hệ nghề nghiệp giữa người mẫu nude với họa sĩ, nhiếp ảnh gia thì chúng ta sẽ quản lý, giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động này, hạn chế được những nguy cơ rủi ro, các trường hợp đáng tiếc xảy ra tương tự.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục, đặc biệt là đối với phụ nữ trong cộng đồng. Có thể thông qua các tổ chức xã hội bảo vệ quyền của phụ nữ, các tổ chức trợ giúp pháp lý, các chuyên gia biên soạn các loại tài liệu truyền thông, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử và tự vệ cho phụ nữ chống lại các hành vi xâm hại tình dục, quấy rối tình dục, cưỡng hiếp… Tự vệ ở đây không phải là phản ứng bằng bạo lực mà kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, giúp phụ nữ có thể ứng phó và bảo vệ mình tốt hơn”.
Cũng theo Nhà báo Hàn Vũ Linh, nghề nào cũng cần có những chuẩn mực nghề nghiệp nhất định, xa hơn là phải có ý thức xây dựng đạo đức nghề nghiệp. Những người làm nghệ thuật trong môi trường tương đối nhạy cảm lại cần phải ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật: “Không thể để bất kỳ ai cũng có thể xưng danh họa sĩ, nhiếp ảnh gia, người làm nghệ thuật rồi có thể đưa các cô gái vào khách sạn để thực hiện các tác phẩm liên quan nghệ thuật nude được. Trong một xã hội ngày càng văn minh hơn, mọi thứ đều phải được cấp phép và chịu sự giám sát chặt chẽ thì mới tránh được các nguy cơ vi phạm pháp luật và những những vụ việc đáng tiếc xảy ra ”.
Nguyệt Cát