Không dám uống 1 cốc bia ngon
Ngày 24/5/2014, nhạc sĩ Thuận Yến ra đi, để lại bao tiếc nuối, xót xa cho công chúng, đồng nghiệp và gia đình, bạn bè. Đặc biệt hơn cả là nỗi buồn, sự trống vắng ở người vợ - NSƯT Thanh Hương trong ngôi nhà hiu quạnh.
NSƯT Thanh Hương chia sẻ: “Ngày ông ấy mới mất, tôi để bàn thờ ông ở trên tầng, nhưng rồi vì sức khỏe yếu, chân đau nên không thể ngày nào cũng lên thắp hương và nhìn được ông, nên tôi đã xin phép ông ấy cho tôi được hạ bàn thờ xuống tầng một để ngày nào tôi cũng được thấy và trò chuyện với ông ấy”... Nói đến đây, NSƯT Thanh Hương ngậm ngùi nhìn di ảnh cố nhạc sĩ Thuận Yến.
|
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến khi ông còn sống. Ảnh: TLGĐ |
Nhắc đến nhạc sĩ Thuận Yến, về con người và tính cách của ông trong đời sống cũng như trong sáng tác âm nhạc, NSƯT Thanh Hương phấn chấn hẳn lên. Bà bảo, cố nhạc sĩ là người thật thà, hiền lành đức độ. Với tất cả những người đồng nghiệp, ông sống rất đúng mực, không ganh ghét, đố kỵ. Với những người được ông giúp đỡ hay nhờ ông mà được biết đến tên tuổi thì ông cũng không lợi dụng hay tơ hào khi họ ngỏ ý muốn giúp đỡ lại sau này.
NSƯT Thanh Hương nhớ lại, có lần sau khi Thuận Yến sáng tác một bài hát liên quan đến xây dựng, ông giám đốc nhà máy gạch rất thích và ngỏ lời với nhạc sĩ là khi nào nhạc sĩ xây nhà cứ báo một câu, sẽ được hỗ trợ gạch miễn phí. Thế nhưng ông giám đốc nhà máy gạch ấy đâu có biết, cả đời ông Thuận Yến chưa bao giờ tơ hào, lợi dụng một cái tăm chứ đừng nói đến những vật chất to hơn nữa của bất kỳ ai, cho dù họ có lòng tốt muốn giúp đỡ.
Trong phút giây bồi hồi nhớ lại những ngày gian khổ của gia đình, nghệ sĩ Thanh Hương nghẹn ngào cho hay, cả đời ông Thuận Yến rất tiết kiệm, tiết kiệm đến mức khi đã có tiền ông ấy vẫn không dám bỏ tiền ra uống một cốc bia ngon.
“Ngày đó, ông ấy đang làm Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng không bao giờ la cà, tụ tập, hết giờ làm là về nhà. Tôi thấy thế đã khuyến khích chồng, bảo: Chiều đến anh phải hòa nhập với anh em, đi uống cốc bia cho vui vẻ. Ông Yến kêu thế thì tốn kém, mà ông không thích ngồi nói năng bỗ bã ngoài vỉa hè. Nói vậy nhưng để chiều vợ, thi thoảng chiều đến ông cũng đi uống bia, nhưng mỗi lần đi là dắt theo cháu ngoại- con gái của Thanh Lam”- NSƯT Thanh Hương nhớ lại.
Bà kể: “Thấy ông ấy đi uống bia mà lại dắt theo cháu, tôi tò mò nên có hôm hỏi cháu gái: Thế ông uống bia ở đâu, uống có nhiều không, uống rồi có ăn gì không? Cháu gái bảo: Ông dẫn cháu đi vòng vòng xa lắm, mà ông chỉ uống có 1 cốc thôi với đĩa lạc luộc, ông uống bia còn cháu ăn lạc... Một buổi chiều, khi ông cháu dắt nhau đi uống bia, tôi đi theo sau. Đúng như cháu nói, hai ông cháu đi lòng vòng rồi vào quán bia nhỏ trong ngõ, hóa ra đó là quán “bia cỏ” chứ không phải bia hơi Hà Nội như mọi người”.
Bà Thanh Hương lén lau những giọt nước mắt khi nghĩ đến chồng: "Đến khi Thanh Lam đi diễn hết nước nọ nước kia, mang về các loại bia ngoại hảo hạng, ngon lắm mà ông ấy có uống đâu".
Suốt đời vì âm nhạc
Là người suốt cả đời chỉ có sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Thuận Yến đã viết 11 ca khúc về người mẹ Việt Nam, 23 ca khúc về người chiến sĩ, 24 ca khúc về tình yêu, 41 ca khúc về đất nước và 14 ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi hỏi về có sự ảnh hưởng nào của bà trong những đứa con tinh thần của ông, NSƯT Thanh Hương mỉm cười nhẹ nhàng cho biết: “May mắn là tôi và ông ấy rất hòa hợp và chia sẻ được với nhau về âm nhạc. Đặc biệt ông rất lắng nghe ý kiến đóng góp của tôi về những ca khúc mới. Tất cả các ca khúc của ông viết xong, tôi là người đầu tiên được nghe và góp ý kiến”.
NSƯT Thanh Hương nói rằng, may mắn là người am hiểu và thích thơ, vì vậy mỗi khi thu âm bài thơ nào trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà thấy hay là bà lập tức mang về cho ông xem để phổ nhạc. Những bài thơ như: “Chia tay hoàng hôn” của nhà thơ Hoài Vũ; “Vầng trăng Ba Đình” của Phạm Ngọc Bằng; “Gửi em ở cuối sông Hồng” của Dương Soái… đều được Thuận Yến phổ nhạc thành những ca khúc hay, và ông còn chỉnh sửa khiến lời bài hát mềm mại, sâu sắc, tinh tế và lãng mạn hơn rất nhiều.
Nhạc sĩ Thuận Yến là người đã dành cả cuộc đời sống trọn vẹn với đất nước, với âm nhạc và với gia đình. Ông hy sinh và dành tất cả yêu thương cho con cháu. Lối sống như vậy tưởng chừng đơn giản, nhưng không dễ bởi phải yêu và giàu đức hy sinh mới có thể sống trọn vẹn đến như vậy”.
NSƯT Thanh Hương
Ví dụ bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ”, nguyên gốc là: “…Hoa khế rụng tím ngần hầm bí mật/… xa hàng hàng cây, con chiền chiện tha mồi…”, đã được nhạc sĩ Thuận Yến sửa lại từ tựa đề là: “Chia tay hoàng hôn” và lời ca khúc “…Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ…/xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi…”.
Theo NSƯT Thanh Hương, khi đọc bài thơ này trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bà thấy đồng cảm, bởi câu chuyện chia tay trong bài thơ cũng giống như hoàn cảnh chia tay của vợ chồng bà, cũng đẫm nước mắt, cũng đầy bồi hồi, thương nhớ. Hướng ánh mắt nhìn ra ngoài như nhớ về thời kỳ ra chiến trường, về khoảnh khắc chia tay của vợ chồng mình, NSƯT Thanh Hương bảo: Tình yêu của chúng tôi thực sự cũng rất lãng mạn. Hồi đó ở trong rừng không có nhiều việc làm như ở nhà, ban ngày đi diễn cho bộ đội xem, đêm xuống chúng tôi chui vào hầm trú ẩn. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng lẻn ra ngoài rừng, ngồi dưới những tán cây xanh mướt và không khí thì trong lành, mát lạnh, ngồi nắm tay nhau cùng trò chuyện. Vì vậy, nên cố nhạc sĩ Thuận Yến mới có cái tứ trong ca khúc “Chia tay hoàng hôn”: Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi…
Theo Dân Việt