Virus corona thiêu trụi tỷ USD, phá hủy showbiz Trung Quốc

Google News

Virus corona đã đè nặng ngành công nghiệp giải trí Hoa ngữ khiến nhiều hoạt động bị ngưng trệ, đóng băng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
 

Sự bùng phát của dịch virus corona tại Trung Quốc phủ bóng đen lên cả nền giải trí Hoa ngữ và làm dấy lên nỗi lo ngại về tình trạng ngưng trệ dài hạn mọi hoạt động, sự kiện văn hóa nếu virus tiếp tục lan rộng trong thời gian sắp tới.
Làng giải trí bị ảnh hưởng nặng nề chỉ trong chưa đầy một tuần dịch bệnh bùng phát với 7 bộ phim lớn phải dời lịch chiếu và hàng loạt sự kiện chào đón năm mới, live show ca nhạc bị hủy bỏ.
"Đây là điều chưa từng xảy ra tại Trung Quốc", Tân Hoa Xã bình luận.
Không chiếu rạp, thiệt hại tỷ USD
Một câu hỏi lớn các nhà đầu tư đang đặt ra vào lúc này là liệu bao giờ virus corona được ngăn chặn và đến bao giờ ngành công nghiệp phim ảnh mới có thể trở lại hoạt động bình thường. Đây là vấn đề chưa ai có thể trả lời.
Nhưng trước mắt, dịch bệnh viêm phổi quái ác này kéo sập cả mùa phim Tết của Trung Quốc. Tết Nguyên đán vẫn luôn là khoảng thời gian vàng để các nhà làm phim, nhà phát hành hốt bạc khi tung ra các tác phẩm mới, hấp dẫn và chất lượng đánh vào tâm lý của công chúng khiến họ dễ dàng móc hầu bao.
Virus corona thieu trui ty USD, pha huy showbiz Trung Quoc
 7 bộ phim phim Tết không thể ra rạp vì virus corona.

Với việc ăn nên làm ra vào mỗi dịp Tết, giới làm phim và nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng về một mùa phim sôi động, doanh thu khởi sắc bù lại khoảng thời gian ảm đạm trong năm suốt năm 2019 của cả ngành công nghiệp phim ảnh. Tuy nhiên, dịch bệnh viêm phổi corona đã giáng một đòn chí mạng vào mọi dự định của các nhà sản xuất.
Chỉ trong ngày 23/1, 7 ê-kíp phim Hoa ngữ là Thám tử phố Tàu 3, Lạc lối ở Nga, Đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, Khương Tử Nha, Gấu Boonie, Cấp tiên phong và Giải cứu đã đồng loạt thông báo hoãn ra mắt vào Tết Nguyên đán năm nay và cũng chưa đưa ra lịch phát hành mới. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành công nghiệp phim ảnh Trung Quốc.
Theo Sina, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đến thời điểm này chỉ dừng lại ở con số 260.000 USD và hoàn toàn là doanh thu từ 3 tác phẩm ra mắt cuối năm 2019 là Ngộ sát, Diệp Vấn 4, Sủng ái. Năm ngoái, doanh thu phòng vé phim của đất nước tỷ dân đạt kỷ lục 860 triệu USD. Trong đó, bom tấn điện ảnh như Lưu lạc địa cầu, Crazy Alien, Pegasus đều nhanh chóng cán mốc 1 tỷ NDT.
Thậm chí, để cứu vãn tình thế ngặt nghèo, đạo diễn Từ Tranh đã chấp nhận đắc tội với các nhà đầu tư khi quyết định phát hành Lạc lối ở Nga online để thu về kinh phí sản xuất.
Tác động của dịch virus corona còn lan sang cả lĩnh vực phim truyền hình, ê-kíp Hữu phỉ, Đại giang đại hà 2, Cảm ơn bác sĩ đã phải dừng quay vì lo ngại diễn viên và các nhân viên sẽ nhiễm bệnh. Điều này về lâu dài sẽ khiến chi phí sản xuất dự án đội vốn so với con số dự trù ban đầu.
Theo thống kê của TMT Post, tính đến hết ngày 26/1, giá cổ phiếu của 2 ông lớn như Hengdian và Wanda đã giảm sâu hơn mức 7%, Tangde Film giảm hơn 5%, còn Light Media, Mingcheng Fiml và Jinyi Film cũng giảm nhẹ từ 2-3% trên sàn giao dịch chứng khoán.
"Sự lây lan ngày một nhanh của dịch bệnh viêm phổi corona so với mức cảnh báo ban đầu, giáng xuống đầu ngành công nghiệp phim ảnh khiến hàng loạt dự án rơi tình trạng 'đắp chiếu' trong những tuần đầu năm 2020, khiến lĩnh vực này càng gánh chịu thêm nhiều thương tổn sau một năm 2019 hoạt động bết bát", Sina bình luận.
Virus corona thieu trui ty USD, pha huy showbiz Trung Quoc-Hinh-2
 Nhiều công ty điện ảnh rơi vào thế khó vì các dự án phim ảnh bị ngưng trệ.
"Nhìn cổ phiếu của các công ty lớn ngụp lặn trên sàn chứng khoán chỉ sau vài ngày dịch bùng phát dữ dội, cũng đủ để thấy tình trạng hiện tại là đáng báo động. Đây có lẽ là sự cố 'thiên nga đen' (chỉ sự kiện có xác suất vô cùng nhỏ tưởng chừng không thể xảy ra, nhưng để lại hậu quả vô cùng nặng nề) lớn nhất trong ngành điện ảnh và truyền hình trong hơn một thập kỷ qua sau đại dịch SARS năm 2003. Tương lai cả toàn ngành sắp tới sẽ đi về đâu, là câu hỏi chưa ai có thể trả lời được", TMT Post nhận định.
"Thiệt hại ư? Nếu nhìn vào con số, mùa phim Tết mất trắng, đó chắc chắn là con số tỷ USD nếu căn cứ vào doanh thu các năm trước đó", QQ nhận xét.
Showbiz "chết" trong những ngày đầu năm
Từ ngày 22/1, chính quyền Trung Quốc đã phát đi tin tức virus corona lây từ người sang người và thông báo tình trạng nhiễm bệnh "leo thang" ở Vũ Hán và nhiều tỉnh lân cận. Lời kêu gọi phòng chống dịch bệnh lây lan bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, giảm thiểu nơi tụ tập đông người xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông và được nhiều người hưởng ứng.
Kể từ đó đến nay, mọi hoạt động nghệ thuật của showbiz dần rơi vào trạng thái đóng băng. Các sự kiện âm nhạc lớn nhỏ trên cả Trung Quốc đều bị hủy bỏ hoàn toàn. Địa điểm tổ chức đại nhạc hội như Trùng Khánh NUST, Lan Châu Live house, Côn Minh MAO, Trung tâm Văn hóa Mercedes-Benz Thượng Hải... đều tuyên bố đóng cửa.
Virus corona thieu trui ty USD, pha huy showbiz Trung Quoc-Hinh-3
 

Virus corona thieu trui ty USD, pha huy showbiz Trung Quoc-Hinh-4
Lưu Đức Hoa, Lê Minh là 2 trong số nhiều ngôi sao quyết định hủy show vì dịch corona. 

Sau Thái Y Lâm, Đới Bội Ni mới đây đến lượt Dương Thừa Lâm, Trần Dịch Tấn, Lê Minh, Lưu Đức Hoa cũng đã tuyên bố hủy live show. Trong đó, Thiên vương Lưu Đức Hoa hủy đến 12 buổi diễn ở cả Hong Kong và Đại lục. Phía đơn vị tổ chức bán vé là Xiudong.com, Weibo Yinyue... đang lên kế hoạch hoàn tiền cho tất cả người hâm mộ.
"Không có nghệ sĩ nào muốn biểu diễn cũng chẳng có một khán giả nào dám đi đến concert vào lúc này. Tình cảnh hiện tại không mấy khả quan, nhất là đối với các công ty có trục xương sống kiếm cơm bằng việc tổ chức sự kiện âm nhạc. Tổn thất là điều công ty nào cũng phải gánh chịu với hàng tá các chi phí phát sinh như lương nhân viên, cho phí khử trùng, quảng cáo, thuê địa điểm... khi mà ước tính phải đến tháng 5 các hoạt động nghệ thuật mới có thể được nối lại", Sohu bình luận.
Mới đây, 46 trường nghệ thuật trên khắp cả nước như Trung Hý, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Học viện Truyền thông Chiết Giang, Nhạc viện Vũ Hán, Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, Học viện Âm nhạc Thượng Hải... đã đưa thông báo hoãn kỳ thi tuyển sinh đại học 2020 đến để tránh sự lây lan của dịch bệnh.
Phía Cục điện ảnh và truyền hình Chiết Giang cũng thực hiện chỉ thị của Chính phủ đình chỉ việc ghi hình của đoàn phim cũng như tổ chức tour tham quan phim trường Hoành Điếm từ ngày 27/1. Hoành Điếm là phim trường lớn nhất Trung Quốc, nơi bấm máy hàng trăm bộ phim mỗi năm.
Virus corona thieu trui ty USD, pha huy showbiz Trung Quoc-Hinh-5
 Mọi hoạt động tụ tập đông người, kể cả thi đại học đều bị cấm ở Trung Quốc. Phim trường Trung Quốc tuyên bố ngừng quay phim.

Nhiều trang báo giải trí lớn ở Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan như Sina, Sohu, QQ, On, HK01, Sinchew... cũng tập trung đăng tải các tin bài xoay quanh chủ đề virus corona, ngoại trừ các sự kiện hot, gây chấn động làng giải trí, thay vì hoạt động của các nghệ sĩ như bình thường.
Những ngày qua, lượng tin bài liên quan đến dịch bệnh chiếm đến hơn 50% trang chủ các báo. Tờ On của Hong Kong thậm chí còn cập nhật liên tục từng chút một động thái cũng như chia sẻ của các ngôi sao trong và ngoài nước giữa tâm bão corona.
Lĩnh vực truyền hình rơi vào trạng thái hỗn loạn do thiếu chương trình phát sóng. Các nghệ sĩ và nhân viên công tác khi đến quay hình đều khuyến cáo mang khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Nhiều ngôi sao đã có xu hướng tạm dừng hoạt động, hạn chế ra ngoài hoặc đi du lịch nước ngoài để tránh dịch bệnh lây lan đến mình.
Đài Hồ Nam hôm 26/1 cũng đã thông báo ngừng quay show giải trí ăn khách Happy Camp, thay vào đó sẽ phát lại bộ phim Trạm kế tiếp là hạnh phúc của Tống Thiến và Tống Uy Long. Do đó, việc khán giả bị "đói" chương trình giải trí là điều được dự báo có thể xảy ra trong vài tháng tới đây.
Sina nhận định thị trường giải trí sôi động Trung Quốc đang bị càn quét với mức độ công phá lớn chưa từng có trong lịch sử vì thảm họa virus corona.
Theo Di Hy/Zing