Mới đây, Việt Hương cho biết, chị sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ những người bán hàng rong trên phố. Nữ nghệ sĩ cũng chia sẻ: “Tôi lớn lên nhờ hàng rong của mẹ, thành danh nhờ những vai diễn buôn gánh bán bưng, thương lắm”.
Trước đó, nữ nghệ sĩ từng chia sẻ về tuổi thơ cơ cực, vất vả. Theo lời kể của Việt Hương, chị được sinh ra ở nhà thương Vĩnh Viễn, quận 10, TP.HCM. Chào đời được vài tháng, ba mẹ chia tay, Việt Hương được mẹ mang về ở nhà ngoại.
Thời điểm đó, cuộc sống của hai mẹ con Việt Hương đầy khó khăn. Chị từng chia sẻ: "Tội nghiệp mẹ Hương lắm. Mẹ bán tất cả những gì có thể bán được để nuôi Hương, trừ bán thân thôi".
Bà ngoại của Việt Hương vốn làm về nha khoa thế nên có thời gian, mẹ chị cũng đem đồ về nha đi bán dọc các tỉnh miền Trung. Khi mẹ không ở Sài Gòn, Việt Hương được gửi vào chùa Hoàng Pháp ở Hóc Môn vì không có người chăm. Sư trụ trì ngôi chùa đó chính là người đỡ đầu mẹ của Việt Hương. Hồi đó, mẹ của cô từng có ý định đi tu vì quá bế tắc.
Việt Hương kể về cuộc sống ở chùa: "Ngày xưa chùa còn nghèo lắm, ăn mít luộc quanh năm. Suốt ngày mít luộc tụng kinh. Trái mít non luộc chấm nước tương với mè. Rồi mít non làm gỏi. Thời đó ăn chay chỉ có thế thôi".
Việt Hương còn nhớ lại những ngày nghỉ hè cùng mẹ bắt xe đò ra miền Trung buôn bán. “Ngày hai mẹ con đi xe đò, bán đồ cho người ta xong thì xin ngủ nhờ lại, hôm sau đi tiếp", nữ nghệ sĩ hài tâm sự.
|
Việt Hương. Ảnh: Người đưa tin |
Thương mẹ vất vả, khi lớn lên, Việt Hương làm nhiều công việc khác nhau từ ca hát, biểu diễn tới dọn dẹp, phụ bàn. Hai mẹ con nương tựa nhau mà sống rồi tháng ngày khó khăn cũng trôi qua. Năm 2013, mẹ của Việt Hương qua đời. Đây là cú sốc lớn với nữ nghệ sĩ.
Cả 1 năm sau khi mẹ qua đời, Việt Hương phải uống thuốc ngủ liên tục. Cô chỉ khóc trong lúc ngủ. Sau này, nhờ câu nói của người bạn về mẹ, Việt Hương mới khóc được, những dồn nén đã hóa được thành nước mắt.
Về cha của Việt Hương, ông là nghệ sĩ xiếc Lâm Bằng. Từ nhỏ, Việt Hương thiếu vắng tình thương của cha. Ngày nhỏ, tuy mạnh mẽ nhưng Việt Hương vẫn thèm sự âu yếm, ân cần từ cha, nhất là mỗi lần đau ốm.
“Ngày trước, tôi thấy buồn vì thiếu tình cảm người cha, thèm có cha đứng bên xoa đầu, xoa lưng mỗi khi mình bệnh”, Việt Hương nói. Tuy nhiên, cô cho rằng tuổi thơ vẫn đẹp vì bù lại cô luôn có tình thương yêu vô bờ bến của mẹ.
Khi lớn lên, Việt Hương theo học Trường Nghệ thuật Sân khấu II, cha của cô rất vui mừng. Với ông, dù không nối nghiệp xiếc của gia đình nhưng việc Việt Hương gắn bó với sân khấu là điều đáng quý.
Năm 2019, cha của Việt Hương qua đời. Trước tin dữ, Việt Hương đau buồn chia sẻ: “Tôi thương cha rất nhiều, luôn muốn bù đắp những mất mát, khó nhọc của cả một đời ông dồn hết tuổi thanh xuân cho niềm đam mê xiếc”.
|
Việt Hương bên cha. Ảnh: Người lao động |
Sau tang lễ, nhạc sĩ Hoài Phương - chồng của Việt Hương từng viết tâm thư xúc động về bố vợ. Hoài Phương viết: “Sau này khi ngưng nghề xiếc, ba trở thành huấn luyện viên thể dục thể thao. Rồi sau này ba lại quay qua theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh. Những câu chuyện của ba tưởng chừng như ngàn lẻ một đêm, không hồi kết.
Những năm gần đây tuy đã ở vào lứa tuổi trên dưới 80, ba vẫn luôn là người năng động, hoạt bát và lanh lẹ... Đối với ba cuộc đời là sự khám phá, là không có điểm dừng. Vì tính cách rất dễ thích nghi, không cầu kỳ, ba đúng là dân phượt chuyên nghiệp bằng... xe đò, một ông "ta" ba lô chính hiệu...
...Ở trong nhà có lẽ ba là một người cha, người ông dễ tính nhất. Chẳng bao giờ la lối, cằn nhằn con cháu, chẳng đòi hỏi, cũng chẳng làm phiền ai. Nhưng khi ai cần gì thì ba nhiệt tình giúp đỡ. Tuy vậy tính ba cũng thuộc diện "đầu đội trời chân đạp đất". Ai làm được cái gì thì ba làm được cái đó.
...Ba như một cỗ máy, hoạt động không ngừng nghỉ. Rồi một ngày kia cỗ máy tám mươi mấy tuổi không hỏng hóc gì bất chợt ngưng hoạt động. Ba bỗng yếu hẳn đi chỉ trong 1 ngày. Ba không muốn ăn nữa. Chỉ nằm một chỗ. Không đau. Không bệnh. Không kêu rên. Cũng chẳng than vãn. Ba nằm như vậy khoảng hơn 2 tuần.
Hôm mình gọi điện về thăm ba thì ba yếu quá không trả lời mình được, tuy rằng vẫn nhận ra con rể và gật đầu nhẹ. Cũng trong đêm đó ba nhẹ nhàng ra đi trong giấc ngủ ngàn thu. Nhẹ nhàng như một giấc mơ đưa ba đến một phương trời xa hơn, rộng hơn để ba tiếp tục khám phá”.
Mời quý độc giả xem video "Con gái Việt Hương đánh đàn tặng mẹ". Nguồn Fanpage Việt Hương
Thu Cúc (Tổng hợp)