- Vai Phan Hải trong “Người phán xử” đang gây sốt mạng xã hội. Anh có bất ngờ?
- Không chỉ cá nhân tôi mà toàn bộ ê-kíp đều bất ngờ. Khi quay Người phán xử, chúng tôi chỉ mong muốn làm một sản phẩm tốt nhất. Đây là một đề tài mới lạ nên sẽ có hai khả năng xảy ra, một là khán giả rất thích, hai là không quen và không thích.
Nhưng kết quả là Người phán xử giống như một món ăn vừa lạ miệng vừa hợp khẩu vị đối với khán giả. Là diễn viên, tôi cảm thấy hạnh phúc khi phim có sự lan tỏa. Ở một góc nào đó, đây có thể coi là thành công bước đầu đối với Người phán xử.
Những câu thoại gây cười giúp phim bớt căng thẳng
- Diễn viên Việt Anh nghĩ gì khi những câu thoại của Phan Hải được nhiều người nhận xét là “gây cười”?
- Tôi nghĩ đó là một điểm thú vị về nhân vật Phan Hải. Đúng ra, không khí của Người phán xử sẽ rất căng thẳng, kịch tính. Nhưng nhờ yếu tố hài hước đó mà một bộ phim thuộc thể loại tâm lý tội phạm trở nên thoải mái hơn, bớt yếu tố căng thẳng và áp lực.
Trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều người đang thích thú với những lời thoại hài hước trong phim. Phản hồi này khác hẳn với những nhận xét cho rằng phim quá khủng khiếp và bạo lực.
Người phán xử đã đi được một chặng đường, mọi người có thể nhận thấy ngoài yếu tố hình sự thì phim còn có tính giải trí. Đó cũng là điều mà ê-kíp làm phim hướng đến.
- Trong những tập đầu của bộ phim, không ít ý kiến cho rằng anh gồng mình để xây dựng một nhân vật giang hồ với những biểu cảm như quát tháo, trợn mắt. Anh nói gì về điều này?
- Trong bất cứ sự việc nào cũng luôn có ý kiến trái chiều, có người thích, có người không thích. Tôi không tin trên đời này lại có cái gì đồng nhất một cách tuyệt đối. Tôi không cố gồng mình, trợn mắt để thể hiện một nhân vật giang hồ mà đó là đặc điểm tính cách của nhân vật.
Phan Hải là một nhân vật có mạch riêng, khác với tất cả nhân vật khác. Tôi cố gắng làm sao để xây dựng một hình ảnh đúng với nhân vật nhất. Và tôi nghĩ mình đã làm tất cả những gì có thể để mọi người có thể chấp nhận Phan Hải. Tất nhiên, sẽ có những ý kiến thích hoặc không thích, đó là quyền cảm nhận của khán giả.
- Chia sẻ với Zing.vn cách đây không lâu, đạo diễn Khải Anh cho biết trong quá trình xây dựng nhân vật Phan Hải, anh và các đạo diễn đã tranh cãi rất nhiều?
- Thực ra, việc một diễn viên tranh luận với đạo diễn về nhân vật là hết sức bình thường. Khi nhận được lời mời tham gia Người phán xử, tôi đã ra đã đặt vấn đề với đạo diễn rằng Phan Hải phải là một nhân vật khác Cao Thanh Lâm của Chạy án thì tôi mới nhận lời làm. Khải Anh hoàn toàn đồng ý.
Chúng tôi đã cùng nhau làm việc, tranh luận hàng ngày tại trường quay. Tôi chịu trách nhiệm xây dựng nhân vật, còn Khải Anh cho nhân vật chạy đúng quỹ đạo của bộ phim.
Có thời điểm, Khải Anh muốn tôi diễn xuất theo cách của Khải Anh nhưng cũng có thời điểm tôi muốn làm theo cách của tôi. Tất nhiên, dù có khác biệt vẫn phải đảm bảo yêu cầu của kịch bản và sự thống nhất trong tính cách và số phận của nhân vật.
Tôi hiểu rằng vai diễn hay hay dở, người diễn viên cũng phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi cho đạo diễn. Do vậy, tôi luôn nhận thức được rằng mình phải có trách nhiệm với vai diễn khi đã nhận lời đóng. Đó cũng là cách tôn trọng bản thân và khán giả.
Sự tranh luận giữa diễn viên và đạo diễn là cần thiết để tổng thể bộ phim tốt hơn.
"Nếu được làm lại, tôi sẽ khùng và đáng yêu hơn"
- Hiện tại, khi xem lại vai diễn của mình trên màn ảnh, anh có điều gì hối tiếc?
- Tôi luôn luôn hối tiếc. Thời điểm quay phim, tôi đã rất cố gắng nhưng khi xem lại, có rất nhiều cảnh, tôi nghĩ mình sẽ làm tốt hơn hoặc nếu được làm lại sẽ làm khác đi, thuyết phục hơn. Và chắc chắn, nếu quay lại, tôi sẽ xây dựng hình ảnh Phan Hải không giống bây giờ.
Hình ảnh Phan Hải sẽ được xây dựng khùng hơn, tưng hơn, nhưng có thời điểm lại ngô nghê và đáng yêu hơn. Bây giờ, tôi cảm nhận Phan Hải vẫn chưa đủ độ khùng như mong muốn, còn cái lúc cần hồn nhiên và đáng yêu, tôi cũng chưa thấy hài lòng thực sự.
Nhưng đúng là chỉ khi xem lại, mình mới nhận thấy được những điểm chưa hoàn hảo.
- Phan Hải được xem “thái tử” trong "Người phán xử". Trong quá trình xây dựng lý lịch nhân vật, anh có tìm hiểu về các “thái tử” thực ở xã hội đen?
- Đúng là hóa thân thành nhân vật nào thì phải tìm hiểu đời sống, nguồn gốc và mọi thứ liên quan đến nhân vật. Tuy vậy, khi vào vai Phan Hải, tôi không hướng nhân vật phải bắt chước theo một hình mẫu nào.
Hình bóng của giang hồ ngoài đời thực trong vai diễn là có, nhưng đó là hình bóng của ai thì khán giả khó có thể xác định được.
"Tôi ý thức được việc mình xuất hiện hơi nhiều"
- "Người phán xử" có lẽ là bộ phim đặc biệt khi anh được diễn xuất với người thầy của mình - NSND Hoàng Dũng. Anh có chia sẻ gì?
- Người phán xử là kỷ niệm tuyệt vời của thầy Hoàng Dũng và tôi. Không có nhiều cơ hội để hai thầy trò có thể cùng làm phim với nhau vì còn phụ thuộc vào duyên số. Thầy và tôi biết nhau và thân thiết ngót nghét 14 năm nhưng đây là lần đầu tiên hai thầy trò được đóng chung.
NSND Hoàng Dũng là người có ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật mà cuộc sống bên ngoài cũng vậy. Tôi coi bố Hoàng Dũng như người cha thứ hai của mình, người mà tôi rất tôn trọng, yêu quý và nể phục.
NSND Hoàng Dũng là tấm gương để diễn viên trẻ noi theo. Không phải ai cũng biết rằng khi đóng Người phán xử, sức khỏe của bố không hề tốt nhưng bố vẫn luôn cố gắng hoàn thành vai diễn vì không muốn làm ảnh hưởng đến đoàn làm phim.
- Nhưng cũng chính NSND Hoàng Dũng đưa ra ý kiến cho rằng anh và Hồng Đăng đang bị màn ảnh khai thác quá nhiều?
- Khi Việt Anh và Hồng Đăng được khán giả ghi nhận thì chắc chắn nhiều người sẽ muốn Việt Anh và Hồng Đăng xuất hiện trong phim. Điều này cũng rất logic và dễ hiểu.
Thế nhưng, tôi đồng ý rằng mức độ, tần suất xuất hiện quá nhiều mà không có sự kiểm soát, điều tiết thì sẽ sớm gây nhàm chán về mặt hình ảnh đối với khán giả.
Ý thức được điều ấy, tôi vẫn duy trì việc không nhận quá hai phim trong một năm. Với tôi, nhận đóng phim mục đích chính là để duy trì hình ảnh đối với công chúng, để khán giả không quên, thứ nữa là để bớt nhớ nghề. Do vậy, tôi cũng không ham muốn việc thường xuyên xuất hiện.
Ở thời điểm này, tôi hiểu được vai trò của việc duy tu, bảo dưỡng gương mặt của mình trên màn ảnh. Không phải phim nào tôi cũng nhận lời tham gia, tôi luôn chọn lọc phim để giữ sự uy tín và làm hình ảnh của mình tốt lên. Nếu không tốt hơn thì cũng không xấu đi (cười).
- Sau thành công của vai Phan Hải, tâm thế làm nghề của anh có gì thay đổi?
- Đối với một người nghệ sĩ, sau thành công của vai diễn, mọi thứ công việc khác ngoài xã hội cũng sẽ thuận lợi theo. Do vậy, tôi lại càng ý thức được rằng mình phải giữ gìn hình ảnh của mình, xứng đáng với tình cảm của công chúng.
Sự đón nhận của khán giả đối với vai Phan Hải là cú hích, bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống của Việt Anh. Tôi biết để có được ngày hôm nay, mình cũng phải bầm dập rất nhiều.
Các cụ có câu "Có công trồng cây, ắt có ngày hái quả". Có lẽ sau nhiều năm tháng miệt mài làm nghề, đến thời điểm hiện tại, tôi đã được hái quả ngọt.
Theo Quang Đức - Đức Phạm/ Zing