Người ta vẫn biết đến Tùng Dương như một nghệ sĩ nam - điên quái, độc lạ và đanh đá. Còn nam ca sĩ thì bảo: "Đanh đá không phải phẩm cách của một người nghệ sĩ nam. Người ta có thể bảo vệ chính kiến, người ta ghê gớm nhưng không có nghĩa đanh đá".
Nhưng có lẽ, nếu không có những tính cách như thế, ca sĩ Tùng Dương không phải là Tùng Dương. Và cuộc trò chuyện với Zing.vn lần này, giọng ca Con cò vẫn tiếp tục thẳng thắn, không ngại động chạm, không ngại bày tỏ quan điểm. Và tất nhiên, rất "Tùng Dương".
|
Quan điểm của Tùng Dương là game show chỉ là bề nổi, do vậy, không phản ánh đầy đủ diện mạo của nền âm nhạc. |
Kết quả game show không phải lúc nào cũng hồn nhiên và công bằng
- Sau nhiều năm “phủ sóng” ở giải Âm nhạc Cống hiến, năm nay anh không hề có tên trong danh sách đề cử. Anh lý giải sao về điều này?
- Năm 2016, tôi bận chăm con nên không có nhiều hoạt động cá nhân do mình đứng ra tổ chức. Do vậy, việc tôi không có tên trong danh sách đề cử giải Cống hiến là hoàn toàn dễ hiểu. Năm nay vắng mặt như một cách thôi thúc để tôi làm việc tốt hơn trong năm 2017, và có thể sẽ trở lại với Cống hiến vào năm sau.
Nhưng nói thật, không có tên cũng hay vì tôi đã quá cũ với giải thưởng này. Thiết nghĩ, nên nhường cơ hội cho các đồng nghiệp trẻ hơn mình. Tôi ủng hộ sự trẻ hóa trong danh sách đề cử Cống hiến năm nay. Không cần nói cũng biết, các giải thưởng bây giờ thường phản ánh sự cập nhật của giới trẻ nhiều hơn.
- Ngoài việc chăm con, anh có nghĩ rằng việc ngồi ghế nóng X-Factor 2016 cũng khiến anh không có thời gian cho những sản phẩm âm nhạc mới?
- Công việc làm game show cũng ảnh hưởng ít nhiều vì nó mất khá nhiều thời gian của tôi. Nhưng truyền hình thực tế chỉ mang tính thời điểm, nó không phản ánh toàn bộ diện mạo của nền âm nhạc. Đúng ra, game show chỉ là bề nổi. Tất nhiên, với tôi, đã nhận làm cái gì thì mình cũng phải trăn trở và cống hiến.
- Gần đây, trên trang cá nhân, anh cho rằng game show ngày càng nhạt nhẽo. Điều này liệu có thể hiểu rằng Tùng Dương không còn mặn mà với truyền hình thực tế?
- Tôi có chút buồn vì kết quả giải thưởng của game show không phải lúc nào cũng hồn nhiên và công bằng, nếu không muốn nói là có sự sắp đặt nào đó. Quán quân thường mang đến cho nhiều người sự bất ngờ. Và lẽ dĩ nhiên, không phải ai đoạt ngôi vị cao nhất cũng có thể thành ngôi sao.
Việc trao "nhầm" quán quân khiến tôi mất dần niềm tin vào truyền hình thực tế. Tôi thích sự công tâm và không phải lúc nào cũng có thể phó mặc kết quả cho khán giả. Khán giả rất mông lung, người thích cái này, người thích cái kia. Trong khi, tôi là giám khảo nhưng sự quyết định lại bị hạn chế.
Vì thế, game show đang mất dần niềm tin của khán giả. Nhiều khi người tổ chức không quan tâm đến chất lượng. Họ chỉ quan tâm đến chiêu trò, vô tình hoặc cố ý tạo những scandal trên mặt báo. Bây giờ, tôi đang không có hứng với các cuộc thi nhưng khi nào có cảm hứng, tôi vẫn sẽ trở lại ghế nóng.
- Anh có nghĩ rằng không chỉ diva, divo không còn mặn mà với truyền hình thực tế mà chính các đơn vị tổ chức cũng không còn tha thiết mời các anh chị “cầm cân nảy mực”?
- Tùy từng đối tượng chương trình. Khi nhà sản xuất muốn hướng đến số đông thì họ sẽ mời những giám khảo, huấn luyện viên trẻ. Chương trình nào cần những những nghệ sĩ có đóng góp thực sự giá trị cho âm nhạc nước nhà thì họ sẽ mời diva, divo.
Nhưng không phải họ không mặn mà với chúng tôi mà là chúng tôi không mặn mà với họ trước. Khi mình không được là nhân tố quyết định kết quả cuối cùng, việc gì mình phải tha thiết và mặn mà với ghế nóng của họ.
|
Giọng ca Con cò chưa hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chuyên môn của các huấn luyện viên trẻ hiện nay. |
"Chưa tin tưởng tuyệt đối vào chuyên môn của huấn luyện viên trẻ"
- Dư luận gần đây quan tâm khá nhiều đến chương trình The Voice, nhiều người bảo các huấn luyện viên “tranh cãi như cái chợ”, ý là nhận xét chuyên môn thì ít mà bông đùa thì nhiều. Quan điểm của anh thế nào?
- Thực sự, tôi cũng ít xem game show hiện nay. Tôi còn nhiều thứ để quan tâm nên game show không nằm trong danh sách ưu tiên. Nhưng mọi tranh cãi, trước hết bắt nguồn từ nhà tổ chức. Họ muốn hướng đến người trẻ nên họ mới mời những huấn luyện trẻ.
Người trẻ bao giờ cũng quyết liệt và thích đôi co, nó đúng với lứa tuổi chứ không có gì đáng trách. Nếu mời người lớn, nói câu nào chuẩn câu đấy thì chuyện đó có thể sẽ không xảy ra. Nhưng chắc chắn sẽ không gây được tò mò và hiếu kỳ với người xem như huấn luyện trẻ.
Và tất nhiên, anh muốn trẻ hóa thì anh chấp nhận khả năng của họ.
- Nhiều người hoài nghi khả năng của Noo Phước Thịnh, Đông Nhi và Tóc Tiên trên ghế nóng, còn anh?
- Các nghệ sĩ trẻ có thể đảm bảo được tính giải trí nhưng tính nghệ thuật thì khó có thể chắc chắn. Nhưng chúng ta chưa nên xét nét điều gì. Tôi muốn nhìn vào kết quả làm việc của họ. Mình phải xem các thí sinh trưởng thành ra sao thì mới kết luận được, lúc đó mới biết các huấn luyện viên có khả năng hay không.
Tất nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi chưa có sự tin tưởng tuyệt đối vào chuyên môn của các huấn luyện viên trẻ. Sự khua môi múa mép không thể thuyết phục được tôi. Tôi muốn các huấn luyện viên trẻ hãy thể hiện đi, đó là câu trả lời tốt nhất cho tôi và khán giả.
|
"Tôi tin tưởng chất lượng chứ không phải sự khua môi múa mép" - nam ca sĩ nói. |
- Nhiều người cho rằng dàn huấn luyện viên The Voice có nhiều ca khúc được yêu thích, cát-xê cao, lượng fan hùng hậu. Theo anh, như vậy đã đủ để huấn luyện và hướng dẫn thí sinh?
- Chúng ta đều đồng ý rằng họ là những người có sự ảnh hưởng đến dòng nhạc trẻ và đó cũng là một cách để xây dựng hình tượng. Họ đều thành công trong lĩnh vực và lứa tuổi của mình. Nhưng để trở thành huấn luyện viên tốt lại là một chuyện khác.
Đừng nghĩ có một vài ca khúc hit là có thể huấn luyện được người khác. Khi kinh nghiệm chưa hẳn dày dặn, không thể dễ dàng bước vào công việc đào tạo học trò. Huấn luyện viên phải đảm bảo yếu tố vững chắc về chuyên môn.
Bạn đừng nghĩ mình đang được gọi là ngôi sao nhạc pop, biểu diễn hay, như vậy là đã đủ để trở thành huấn luyện viên giỏi.
Nghề huấn luyện cần phải lắng nghe, yêu mến và hiểu học trò. Nghệ sĩ phải bỏ qua cái tôi cá nhân, bỏ qua tinh thần của một ngôi sao mới có thể trở thành người thầy. Nếu không dành thời gian cho thí sinh của mình thì khó có thể trở thành một huấn luyện viên thực sự.
Theo Quang Đức/ Zing