Sở hữu khối tài sản trị giá hơn 40 triệu USD, chàng Jung và nàng Kim chỉ chi vỏn vẹn 1.100 USD (25 triệu đồng) cho hôn lễ.
Bi Rain và Kim Tae Hee không phải là đôi nghệ sĩ duy nhất ở Hàn Quốc có chủ trương đám cưới giản dị, tiết kiệm. Trước họ, hồi tháng 6/2015, cặp Won Bin và Lee Na Young cũng chỉ tiêu 1.000 USD cho đám cưới và nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng.
|
Kim Tae Hee và Bi Rain làm hôn lễ tại một nhà thờ nhỏ ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 19/1 - Ảnh: Koreanews |
Ở một phạm vi lớn hơn, những đám cưới của Brad Pitt - Angelina Jolie, Kate Winslet - Rocknroll, Natalie Portman - Benjamin Millepied, Jessica Alba - Cash Warren... đều diễn ra trong vòng bí mật, dưới sự chứng kiến của một vài người thân trong gia đình và bè bạn.
Cá biệt, đám cưới của cô đào Megan Fox và tài tử Brian Austin Green chỉ có một khách mời là cậu con trai riêng của Brian. Với danh tiếng, quan hệ và khả năng tài chính của họ, các nghệ sĩ kể trên thừa sức tổ chức những đám cưới hoành tráng ở bất cứ đâu trên thế giới. Thế nhưng họ lại chọn phương án giản dị và tiết kiệm. Như tiết lộ của Dax Shepard, anh chỉ tốn vẻn vẹn 142 USD để cưới cô đào Kristen Bell.
Đối chiếu với những đám cưới của sao Việt, người ta không khỏi ngậm ngùi cho hàng núi tiền đã đổ ra. Này là đoàn siêu xe rước dâu, kia là lụa là váy áo, nọ là tưng bừng dạ tiệc và hàng trăm thứ chi phí khác mà bất cứ ai cũng có thể tái mặt khi đọc bảng liệt kê.
Tất nhiên, không ai cấm MC Th. làm đám cưới xa hoa, chẳng ai có thể bắt T.B. phải tổ chức hôn lễ giản dị, cũng chẳng ai có thể nói một đám cưới lộng lẫy như của T.T.H, tốn kém như đám cưới L.N.... là đúng hay sai. Họ không làm gì trái pháp luật (dù Luật hôn nhân gia đình khuyến khích các cặp đôi làm đám cưới văn minh, tiết kiệm).
Họ cũng không tiêu tiền của công chúng. Quan trọng hơn - mỗi người mỗi cảnh - rất nhiều đám cưới mà cả cô dâu chú rể lẫn hai bên họ hàng đều phải gồng mình chỉ để cho “mở mày mở mặt”, cho bằng chị bằng em. Chính tâm lý “mở mày mở mặt” ấy của chúng ta đã đẩy không ít đôi tân lang và tân giai nhân lâm vào cảnh nợ nần mà có khi phải nhiều năm sau mới dứt.
Những đám cưới xa hoa cũng khiến nhiều khách mời khó xử khi không đi thì bạn buồn, mà đi thì xót của. Đâu phải tự nhiên mà người ta trào lộng gọi mùa cưới là mùa đòi nợ và trả nợ. Ý nghĩa thiêng liêng của đám cưới, của hôn nhân đã bị kéo giảm phần nào vì những suy nghĩ, bài tính vốn chẳng liên quan gì đến hạnh phúc lứa đôi (nếu không muốn nói là còn khiến ngày cưới trở nên nặng nề cho cả cô dâu lẫn chú rể).
Mà, không chỉ chuyện hỉ. Ngay cả trong chuyện hiếu người ta cũng phải “lễ nghĩa” với nhau, để tránh chuyện “ma chê cưới trách”, để ngoài chuyện đau buồn vì mất người thân thì gia chủ còn phải lo toan chuyện khách khứa, đãi đằng, quan quách... và cả chuyện lẽ ra nên loại bỏ từ lâu khỏi đời sống văn minh: rải giấy tiền vàng mã trên đường phố.
Từ hôn lễ của Bi Rain, dễ dàng thấy rằng chẳng cần phải tốn nhiều tiền của để có thể văn minh. Chẳng cần phải lộng lẫy, xa hoa mới có thể được trầm trồ, ngưỡng mộ.
Hãy lướt qua một vòng mạng xã hội sau hôn lễ của Bi Rain - Kim Tae Hee để lắng nghe các cô gái ước ao: có được một người đàn ông chân thành yêu mình và một đám cưới giản dị mà ấm áp như mình muốn. Họ gọi đó là hạnh phúc. Chẳng phải hôn lễ là lúc hạnh phúc thăng hoa sao? Hay hôn lễ là nơi để phô bày?
Theo Hoàng Nguyên/ Tuổi Trẻ