(*) Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Mailà dự án điện ảnh thứ ba Trấn Thành đạo diễn, sau Bố già (2021) và Nhà bà Nữ(2023). Phim gây chú ý khi quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Phương Anh Đào, Tuấn Trần, NSND Ngọc Giàu, Hồng Đào… hứa hẹn bùng nổ doanh thu tại đường đua phim Tết 2024.
Tác phẩm cũng cho thấy nỗ lực thay đổi của Trấn Thành, nhưng kịch bản hạn chế khiến câu chuyện còn lưng chừng, thiếu sức nặng.
Kịch bản ôm đồm
Phim bắt đầu bằng cảnh nhân vật chính Mai (Phương Anh Đào) chuyển đến sống tại một chung cư. Cô nhanh chóng chạm mặt Dương (Tuấn Trần) - chàng nhạc công đa tình nhưng vẫn còn độc thân.
Bản chất của “kẻ săn mồi” trỗi dậy khiến Dương quyết tâm theo đuổi Mai. Nhưng không biết từ lúc nào, anh thực lòng yêu người phụ nữ lớn hơn mình nhiều tuổi, có quá khứ bí ẩn và hiện làm nghề massage.
|
Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần) nảy sinh tình yêu giữa một chung cư cũ.
|
Câu chuyện của Mai do Trấn Thành sáng tạo, phát triển cùng Bình Bồng Bột – biên kịch của nhiều phim nổi tiếng như Tiệc trăng máu (2020), Trạng Tí phiêu lưu ký (2021), Em và Trịnh (2022)...
Thông qua nhân vật chính, ê-kíp muốn nhấn mạnh vào số phận của những người phụ nữ yếu thế, chịu nhiều định kiến xã hội.
Chuyển đến nơi ở mới, Mai không được chào đón mà nhận sự ghẻ lạnh từ hàng xóm. Hàng ngày, cô cũng bị đồng nghiệp ganh ghét, tìm cách bắt nạt. Đến khi yêu, nhân vật lại gặp nhiều thách thức vì lớn tuổi, nghề nghiệp bất định.
Câu chuyện phần nào gợi nhớ series Call me Chihiro (2023) của Nhật Bản. Cả hai tác phẩm đều khắc họa chân dung những người làm nghề nhạy cảm. Họ luôn khao khát được yêu, khao khát hạnh phúc nhưng không có nhiều cơ hội như người khác.
Ý tưởng của phim khá thú vị nhưng cách khai thác kịch bản chưa tốt, còn mang nặng tính sắp đặt. Càng về cuối, ê-kíp cố gắng thêm thắt nhiều tình tiết để đẩy mạnh kịch tính. Mối quan hệ giữa các nhân vật càng trở nên rối rắm, tạo cảm giác khiên cưỡng.
Phim nhồi nhét quá nhiều thông điệp, từ mối tình “chị em” của Mai và Dương, mâu thuẫn thế hệ, khác biệt giai cấp, bi kịch gia đình đến góc khuất của nghề massage…
Đến cuối, các nút thắt được giải quyết khá đơn giản khiến bộ phim khép lại nhạt nhòa, thiếu chiều sâu.
|
Từ chuyện tình của Mai, phim khai thác góc khuất cuộc đời cô và nhiều bi kịch khác.
|
Trấn Thành tham lam
Là phim mới nhất của Trấn Thành nhưng thực tế, Mai được ấp ủ từ lâu, công bố trước cả Nhà bà Nữ.
Đạo diễn cũng không ngại tiết lộ đây là tác phẩm dồn nhiều tâm huyết với kinh phí lên đến 50 tỷ đồng – cao nhất sự nghiệp của anh.
Ở lần thứ ba ngồi ghế đạo diễn, Trấn Thành dành nhiều dụng công cho đứa con tinh thần. Ngay từ đầu phim, anh đưa vào tác phẩm nhiều góc máy đậm tính điện ảnh, khoe kỹ năng khai thác ống kính, sắp đặt khung hình.
Một số cảnh quay cũng được lấy cảm hứng từ các tác phẩm quốc tế, chẳng hạn như phim của Vương Gia Vệ hay các dự án từng thắng Oscar như La La Land (2016), Parasite (2019).
Trấn Thành muốn tạo ra một chiếc “tàu lượn” về mặt cảm xúc, đưa người xem đi từ vui vẻ đến buồn bã, sợ hãi đến căm phẫn. Nhiều phân đoạn phim nhanh chóng chuyển tông từ thể loại này sang thể loại khác, thậm chí có cảnh được dựng theo phong cách kinh dị, giật gân để hù dọa khán giả.
Tuy nhiên, sự dụng công của Trấn Thành dần trở thành tham lam, khoa trương kỹ thuật. Đôi lúc cách sắp đặt của đạo diễn cũng chưa mượt mà, khiến bộ phim mất tự nhiên.
Ở cảnh trước, hai nhân vật đối thoại trong khu chung cư nghèo. Đến cảnh sau, họ hẹn hò trong quán bar sang trọng, nghe nhạc cổ điển bằng đĩa than.
|
Một vài hình ảnh trong phim.
|
Mai cũng có những phân đoạn quen thuộc, gợi nhớ các dự án gắn mác Trấn Thành trước đó. Đơn cử là những cảnh cãi vã, các câu thoại chửi thề. Dù thời lượng không nhiều, chúng vẫn khiến tác phẩm trở nên ồn ào, hơi hướm web drama (phim chiếu mạng), làm giảm giá trị nghệ thuật của phim điện ảnh.
Sự tham lam của Trấn Thành còn thể hiện trong việc đảm nhận nhiều vai trò. Anh không chỉ đạo diễn, sáng tạo câu chuyện mà còn tham gia sản xuất, dựng phim và đóng cả một vai phụ trong phim.
Kịch bản ôm đồm và đạo diễn chưa tiết chế khiến thời lượng phim dài (131 phút). Nhiều phân đoạn cũng hơi thừa, có thể xóa bỏ, điển hình là các cảnh nóng hay cảnh kinh dị.
Phương Anh Đào cứu phim
Hóa thân Mai, Phương Anh Đào chứng minh Trấn Thành không chọn sai người. Nữ diễn viên sinh năm 1992 thấu hiểu nội tâm nhân vật, lột tả trọn vẹn cảm xúc của Mai lên màn ảnh rộng.
Trong nhiều cảnh quay, diễn xuất đa dạng của Phương Anh Đào giúp bộ phim giữ được sức hút, câu chuyện cũng dễ đi vào lòng người xem hơn. Đặc biệt, cô thực sự tỏa sáng khi phim đến cao trào ở đoạn cuối, để lại ấn tượng đẹp khi xử lý tốt tâm lý phức tạp của nhân vật.
Đóng cùng Phương Anh Đào, nhiều lần Tuấn Trần bị lép vế. Anh không thể hiện sự tiến bộ rõ nét so với lần xuất hiện trong Bố già hay Đất rừng phương Nam. Đôi lúc, Tuấn Trần chưa phối hợp ăn ý với bạn diễn, phần nào khiến chuyện tình của hai nhân vật thiếu sự thuyết phục.
|
Tuấn Trần có phần lép vế khi đóng cùng bạn diễn Phương Anh Đào.
|
Các diễn viên còn lại ở mức tròn vai. Duy chỉ có Hồng Đào là nổi bật nhất trong dàn diễn viên phụ. Chị xuất hiện trong nhiều cảnh quay và tạo được thiện cảm với nhân vật người mẹ thương con. Song, vai diễn vẫn ở mức đơn giản so với bản lĩnh của một diễn viên gạo cội như Hồng Đào.
Hai phim trước của Trấn Thành đều thắng lớn tại phòng vé, trong đó Nhà bà Nữ lập kỷ lục là phim Việt ăn khách nhất mọi thời (hơn 450 tỷ đồng). Thế nên Mai cũng được dự đoán bùng nổ tại mùa phim Tết năm nay.
Ngay ngày đầu ra mắt, phim đã thu về hơn 26 tỷ đồng theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Nếu giữ được phong độ này, nhiều khả năng tác phẩm sớm vượt mốc 100 tỷ đồng trong vài ngày tới.
Dù còn hạn chế, Mai vẫn là dự án có đầu tư và tạo được cảm xúc. Đây cũng là tác phẩm có chất lượng tốt nhất trong loạt phim Việt chiếu Tết năm nay.
Theo Sơn Phước/Tiền Phong