Theo chia sẻ của ê kíp làm phim, việc lựa chọn những cảnh quay tại nước ngoài không đơn giản chỉ là để thu hút sự chú ý của khán giả, mà các nhà sản xuất hy vọng có thể mang đến sự chỉn chu tối đa cho tác phẩm.
Với dòng phim truyền hình, chắc hẳn khán giả trong nước đã khá ấn tượng với những cảnh quay mãn nhãn ở Hàn Quốc trong “Tuổi thanh xuân” 1 và 2, series phim “Trở về” và “Bí mật tam giác vàng” được quay tại Lào, Thái Lan... Đặc biệt, năm 2017, bộ phim “Mátxcơva – Mùa thay lá” lần đầu tiên được quay hoàn toàn ở nước Nga đã đưa khán giả đến với những góc nhìn mới mẻ, sinh động, khám phá thiên nhiên cũng như cảnh sinh hoạt đời sống thường ngày của người Việt trong không gian đậm chất Nga.
Thực hiện các quay cảnh “ngoại” cho phim Việt luôn là bài toán hóc búa, làm đau đầu các nhà sản xuất bởi ngoài chi phí cao hơn rất nhiều so với việc thực hiện cảnh quay trong nước, việc tìm được những bối cảnh phù hợp, có thể triển khai không phải dễ.
|
Hồng Loan và Bình An diễn xuất trong một cảnh phim “Tình khúc Bạch Dương”. |
Theo chia sẻ của ê kíp làm phim “Tình khúc Bạch Dương”, mặc dù đã có thời gian dài khảo sát trước khi tiến hành quay, song cả đoàn cũng đã mất hơn 3 tháng để tổ chức các cảnh quay kỳ công, với địa điểm ghi hình trải rộng, ở nhiều thành phố khác nhau, cách nhau hàng nghìn cây số tại Liên Bang Nga. Ngoài Moscow, đoàn phim với hơn 3 tấn thiết bị, đạo cụ, phục trang đã di chuyển hàng nghìn cây số đến St. Petersburg, Krasnodar, Tula, Klin... Để kịp hoàn thành tiến độ những cảnh quay mang hình ảnh đặc trưng 4 mùa của xứ sở Bạch Dương, đoàn làm phim di chuyển về Việt Nam rồi lại quay sang nhiều lần. Chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thay đổi giữa các mùa ở nước Nga cũng khiến quá trình di chuyển, tác nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cho biết: “Việc thực hiện những bộ phim truyền hình ở Việt Nam đã khó, làm phim ở nước ngoài còn khó gấp ba, gấp bốn lần. Ròng rã đến 3-4 tháng trời, ngày nào dàn diễn viên cũng quay liên tục từ 5 giờ sáng tới tận 12 giờ đêm. Đội ngũ thiết kế mỹ thuật bao gồm cả người Việt và người Nga đều rất nỗ lực đầu tư công sức để tạo nên “không khí Liên Xô”, toát lên không chỉ từ trang phục, đạo cụ mà còn phải phục dựng hoàn toàn phần nội cảnh các ốp sinh viên, công nhân”.
“Ở nước Nga, việc cấp phép quay những địa điểm nơi công cộng hay địa danh du lịch họ làm cực kỳ nghiêm. Có những bối cảnh khi tôi và đạo diễn Thanh Hải đi chọn trước đó đã đồng ý, nhưng khi quay trở lại, họ lại từ chối và cấp phép sang địa điểm khác”, đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ.
|
Cảnh sắc nên thơ đặc trưng của mùa thu vàng nước Nga trong phim truyền hình dài tập “Tình khúc Bạch Dương”. |
Có thể nói, đối với mỗi bộ phim truyền hình dài tập, để tìm được những bối cảnh đủ rộng, đủ lớn và quan trọng nhất là đoàn phim có thể sử dụng liên tục trong thời gian dài ghi hình là điều không hề đơn giản. Trong khi đó, di chuyển sang nước ngoài quay phim để tìm được một nơi có cộng đồng người Việt sinh sống lại càng khó hơn.
Rất may mắn và thuận lợi cho đoàn làm phim “Tình khúc Bạch Dương” là tại Nga có Khu Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Mátxcơva (Incentra) – Ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Đây là nơi an cư lạc nghiệp của nhiều người Việt xa xứ, nơi giao thương giữa các doanh nghiệp hai nước, và là nơi ở yêu thích của các doanh nhân - du khách khi sang Nga.
Ngay từ khi bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” mới nhen nhóm ý tưởng, Ban lãnh đạo Incentra đã chủ động có những buổi gặp gỡ, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời, nhiệt tình phục vụ công tác làm phim. Nhờ thế, nhiều bối cảnh thời hiện tại thể hiện cuộc sống, kinh doanh thực của người Việt tại Nga, đoàn làm phim không phải mất nhiều thời gian tạo dựng.
Tại khu trung tâm thương mại Incentra, bên cạnh sự hiện diện của nhiều thương hiệu, tập đoàn bán lẻ lớn của Nga, nhiều văn phòng, showroom trưng bày các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, từ hàng nông sản, hàng giày da, may mặc, tranh thêu tay, tranh đá quý, gốm sứ, thảm may, sản phẩm cà phê, đồ gỗ mỹ nghệ… cho đến các nhà hàng ẩm thực. Đây là nơi các doanh nghiệp quảng bá hàng hóa Việt Nam, vừa có thể bán hàng trực tiếp cho người dân Mátxcơva và phân phối hàng hóa với số lượng lớn. Không gian này là địa điểm làm việc của một trong những nhân vật chính đã trở thành doanh nhân sau này trong bộ phim “Tình khúc Bạch Dương”.
Không chỉ thế, Incentra là nơi thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư kết nối các doanh nghiệp giữa hai nước Việt – Nga nên khu khách sạn tại đây cũng khéo léo được sử dụng làm bối cảnh cho các chuyến công tác của nhân vật.
Theo chia sẻ của ê kíp đạo diễn, Incentra đã có những đóng góp tích cực, là tiền đề để làm nên thành công lớn sau này của bộ phim “Tình khúc Bạch Dương”, tiếp nối dư âm “Mátxcơva - Mùa thay lá”.
PV