Tôi có thay đổi cũng vẫn là Thanh Lam thôi!
- Trở lại với 'Điều còn mãi' sau 10 năm, cảm xúc trong chị thế nào?
- Hòa nhạc Điều còn mãi từ lâu đã có một thương hiệu rất riêng trong lòng văn nghệ sĩ và số đông khán giả. Điều ý nghĩa nhất chương trình mang lại không chỉ một tiết mục, một màn trình diễn mà trên hết còn là khát vọng về quê hương, đất nước được gửi gắm từ cả tập thể.
Từng biểu diễn ở các sự kiện lớn nhỏ nhưng với tôi, đây là một trong những sân khấu có ý nghĩa nhất. Khoảnh khắc người ca sĩ cất giọng cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam vào đúng ngày 2/9 - Lễ Quốc khánh của dân tộc Việt Nam rất thiêng liêng. Tôi kỳ vọng mình và ê-kíp sẽ tạo được dấu ấn đẹp trong lòng người xem.
- Ca khúc ‘Dáng đứng Việt Nam’ từng được chị biểu diễn thành công trên sóng VTV trong chương trình Giai điệu tự hào. Tại Hoà nhạc quốc gia 'Điều còn mãi' lần này, chị làm mới tác phẩm ra sao?
- Dáng đứng Việt Nam là một trong những ca khúc bất hủ của nền âm nhạc cách mạng. Khi thể hiện bản hùng ca này, cảm xúc tự hào được là một người con Việt Nam dâng trào trong tôi.
Tôi nghĩ khái niệm về "Dáng đứng Việt Nam" qua mỗi thời kỳ, thế hệ sẽ có sự khác nhau. Tôi muốn thể hiện ca khúc theo phong cách trẻ trung, hiện đại để tiếp cận giới trẻ hơn. Với bản lĩnh sân khấu của một ca sĩ chuyên nghiệp, tôi tin sẽ mang đến một sự khác biệt, không lặp lại chính mình hay bất cứ ai khác. Ngoài ra, chất lượng âm thanh ở Nhà hát lớn Hà Nội cùng sự điều phối của nhạc trưởng Lê Phi Phi, tiết mục hứa hẹn sẽ rất đặc sắc.
- Thanh Lam luôn giàu năng lượng và nỗ lực làm mới mình. Nhưng người ta cũng bất ngờ khi nghe chị hát ‘Có không giữ mất đừng tìm’ của Trúc Nhân hay đọc rap 'Bigcityboy' (Binz), 'Trốn tìm' (Đen Vâu),… theo cách rất riêng. Chị đọc bình luận của khán giả chứ?
- Tôi vẫn đọc vì tò mò không biết mọi người cảm nhận thế nào (cười). Tôi nghĩ trong bất cứ lĩnh vực nào, sự tương tác giữa 2 thế hệ là điều vô cùng cần thiết. Một nghệ sĩ khi làm nghề quá lâu sẽ vô tình bỏ quên đi sự trong sáng, hồn nhiên của cảm xúc. Mà điều này ở các bạn nghệ sĩ trẻ lại rất dồi dào là điều tôi cần phải học hỏi. Quan trọng chúng ta thích nghi nhưng phải giữ được giá trị của mình.
Trong nghệ thuật, việc đưa ra cái mới và góc nhìn khác không phải lúc nào cũng được ủng hộ. Nhưng tôi tin những đóng góp thực sự, ít nhiều sẽ giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Tôi cũng mong người nghe thay vì định kiến, hãy lắng nghe nghệ sĩ, chấp nhận sự sáng tạo của họ dẫu có thể chưa thật hay, chưa như mình mong muốn.
- Khát vọng làm nghề với chị giờ đây là gì?
- Vẫn là âm nhạc thôi! Khi lựa chọn “người bạn” này hơn 30 năm để đồng hành, tôi xem đó là trải nghiệm và cái đích của hạnh phúc. Mỗi giai đoạn trong nghề đều có những cái hay riêng để mình khám phá. Như một người ca sĩ cũng có lúc thăng hoa lúc bão hòa, lúc hát hay và chưa hay, tất cả như quy luật bù trừ vậy.
Thực ra thời điểm này không phải là giai đoạn dễ cho người nghệ sĩ. Có nhiều thứ thay đổi, biến động dù muốn hay không chúng ta phải thích nghi. Chẳng hạn việc phát hành băng đĩa trên thị trường hiện cũng rất khó khăn. 2 năm trước, tôi có ra mắt Nơi gặp gỡ tình yêu để ca ngợi tình yêu lãng mạn thời chiến. Sắp tới, tôi có kế hoạch làm CD với nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Nhiều đồng nghiệp cũng ngỏ lời nhưng tôi nghĩ cần phải có thời gian và cả yếu tố đồng điệu nữa.
- Nhiều người nhận xét yêu và được yêu chính là "chân dung" của Thanh Lam ở thời điểm hiện tại. Còn Thanh Lam hôm qua - hôm nay khác nhau thế nào, theo chị?
- Thay đổi là chắc chắn, nhưng tôi nghĩ không nhiều đâu. Vì vẫn là tôi – Thanh Lam – vẫn con người và trái tim đấy thôi. Chỉ là khi có những trải nghiệm đủ đầy của cuộc sống, nhân sinh quan của mỗi người cũng có sự biến chuyển. Tôi giờ không chỉ hát về nỗi buồn, tình yêu nam nữ mà còn cho quê hương, tổ quốc, những khát vọng, hoài bão và có chứa đựng cả triết lý sống của mình.
Thỉnh thoảng, tôi có đọc các bình luận của nhiều người trên mạng rằng họ chỉ thích “Lam xưa”. Nhưng tôi tự nghĩ như thế có nên không, khi mà vẫn có một “Lam nay” hiện diện lúc này. Tôi tôn trọng, nâng niu ký ức nhưng cũng khao khát chuyển mình. Tôi luôn đặt ra áp lực cạnh tranh với bản thân, rằng ngày hôm nay phải tốt và mới hơn hôm qua, đó là điều tích cực và đáng quý.
Tôi không phải người giỏi lên kế hoạch trong tình yêu
- 2 năm bên cạnh người đàn ông của mình, chị trân trọng điều gì với tình yêu của cả hai?
- Thanh Lam và bác sĩ Hùng đều là 2 con người hỗ trợ nhau một cách rất tự nhiên. Bản thân tôi cũng không đặt ra những tiêu chí gì nhiều, cứ để mọi thứ trôi đi như các cụ vẫn hay bảo là “thuận duyên”.
Ở tuổi này, tình yêu với chúng tôi không chỉ là xúc cảm mà còn là sự nương tựa vào nhau. Chính sự hỗ trợ, bù đắp là đòn bẫy vì trong cuộc sống chúng ta luôn cần có tình yêu. Tôi và anh song hành với nhau, khích lệ nhau trên con đường sự nghiệp của mình.
Tôi cũng không phải là người giỏi lên kế hoạch, đặt mục tiêu 5 năm, 10 năm hay dài hơi. Tôi và anh Hùng cứ trọn vẹn với từng khoảnh khắc hiện tại, yêu và cảm nhận như những gì con tim mách bảo.
- Sau Quốc Trung, bác sĩ Tiến Hùng là người đàn ông thứ 2 chị tự tin công khai mối quan hệ trên mạng xã hội và truyền thông. Điều khác biệt gì ở người đàn ông này tạo cho chị điều đó?
- Tôi quan niệm một người đàn ông đích thực là người trao được sự tin cậy đến phụ nữ của họ. Điều đó phải diễn ra tự nhiên, không cần tô vẽ màu mè. Tôi tìm được điều đó ở anh Hùng trong cuộc sống và khoảnh khắc 2 người bên nhau. Ngoài ra, ở anh còn có sự gai góc, tự tin của một người đàn ông từng trải và sống chân thành.
Giữa hàng vạn người lượt qua nhau, việc tìm thấy đối phương và lựa chọn gắn kết là một điều tuyệt vời. Một khi đã tin, đã thấu hiểu, việc công khai để gìn giữ một mối quan hệ là chuyện tất yếu.
Nhạc sĩ Quốc Trung bên vợ chồng Thanh Lam.
- Khó tính như nhạc sĩ Quốc Trung cũng hài hước nói rằng “chả nhẽ lại cầu cạnh bạn trai mới của bạn gái cũ” (để khám mắt – PV) và dành những lời ưu ái cho bác sĩ Hùng. Chị cảm nhận thế nào khi chính “bạn trai cũ” cũng dành lời khen ngợi cho “bạn trai mới” của mình như thế?
- Đó là điều đáng quý ở 2 người đàn ông. Tôi và anh Quốc Trung ngoài việc là bố mẹ của các con đều là những người đồng nghiệp thân tình. Khi kết thúc một cuộc hôn nhân, chúng tôi tiếp tục giữ tình bạn và luôn dõi theo nhau.
Anh Quốc Trung rất ủng hộ hôn nhân của tôi và anh Hùng. Ngược lại, chồng tôi cũng dành sự ngưỡng mộ nhất định với anh Trung. Tôi cho đó lối ứng xử văn minh của những người có văn hóa. Khi bỏ qua những điều nhỏ nhặt, mối quan hệ ấy tự khắc cũng trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
- Con trai Đăng Quang đang học cao học, còn 2 con gái của chị đã lập gia đình. Chị có những lời nhắn nhủ gì đến con lúc này?
- Các con tôi giờ đều đã trưởng thành, có hoài bão và ước mơ riêng. Là một người mẹ, tôi chỉ mong chúng có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Trong những lần chuyện trò, tôi hay nói với con là hãy cứ nhìn vào mẹ, từ những vấp váp lẫn hạnh phúc để thấu hiểu và sống cho tốt hơn.
Các cháu được sinh ra trong một gia đình văn hóa nên ắt sẽ hiểu những cái đúng sai, phải trái và tự biết làm theo những gì để tốt cho mình. Dù bất cứ lĩnh vực nào, tôi tin chúng sẽ đóng góp tri thức cho đất nước như trách nhiệm cần có của một công dân.
- Một ca sĩ Thanh Lam đạt đỉnh cao nghề nghiệp và một người đàn bà viên mãn trong đời sống, nhiều người sẽ đặt câu hỏi chị bước tiếp thế nào trong giai đoạn còn lại cuộc đời?
- Tôi luôn cảm ơn cuộc đời vì đã cho Thanh Lam quá nhiều thứ, được sống và thỏa khát vọng của mình. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn nghiêm khắc với bản thân bất kể giai đoạn nào. Tôi tin một con người với sự nỗ lực, hoài bão và không ngừng tiến về phía trước sẽ tự tìm được cho mình câu trả lời phù hợp ở từng thời điểm.
Niềm hạnh phúc với tôi giờ đây là được sống đúng, vừa vặn với mình. Tôi vẫn chờ đợi những điều mới mẻ mỗi ngày để được khám phá. Tôi tin vào những dữ kiện tích lũy theo năm tháng để mình sống an nhiên với những lựa chọn, bình thản trước những biến cố dù lớn hay nhỏ.