Thanh Hương, Hồng Đăng được hỗ trợ 3,7 triệu là chưa đúng đối tượng

Google News

Theo chia sẻ của đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn vì Covid-19 cần mở rộng đối tượng, không nên máy móc.

Vừa qua, 99 viên chức hạng IV của sáu nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nhận được khoản trợ cấp khó khăn vì dịch Covid-19 của chính phủ. Mỗi cá nhân được hỗ trợ 3,71 triệu đồng.

Xung quanh chính sách hỗ trợ nghệ sĩ, dư luận đưa ra những ý kiến trái chiều. Một số trường hợp được cho là không thuộc diện khó khăn thực sự nhưng lại có tên trong danh sách (theo đúng quy định) như diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương...

Chính sách có sự bất cập và cần điều chỉnh

Trao đổi với Zing, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng chính sách hỗ trợ nghệ sĩ trong giai đoạn này là cần thiết và kịp thời. Song, ông Sơn cũng bày tỏ một số trường hợp được trợ cấp vừa qua chưa đúng đối tượng.

"Khi dịch Covid-19 bùng phát, văn hóa nghệ thuật là một trong những lĩnh vực phải dừng đầu tiên và sẽ phục hồi cuối cùng. Trong thời gian dài, họ không có việc làm. Quan tâm các văn nghệ sĩ gặp khó khăn cũng là một cách thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong việc không bỏ ai lại phía sau vào giai đoạn này. Việc hỗ trợ giúp họ có thêm tinh thần, cuộc sống ổn định hơn để tiếp tục làm nghề", ông Sơn phát biểu.

Thanh Huong, Hong Dang duoc ho tro 3,7 trieu la chua dung doi tuong

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng chính sách hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn vì Covid-19 cần thay đổi. Ảnh: Hải Nam.

Ông nhấn mạnh: "Mục tiêu của chính sách là hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Vì vậy, mong muốn của chúng ta là gói hỗ trợ đến đúng người để phát huy hiệu quả cao nhất. Thực tế, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự xúc động khi nhận trợ giúp.

Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta cũng thấy có những trường hợp chưa đúng đối tượng như trường hợp của diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương và một số nghệ sĩ khác. Tức là họ không ở mức khó khăn nhưng vẫn nằm trong đối tượng được hưởng chính sách".

Từ trường hợp Hồng Đăng, Thanh Hương được nhận trợ cấp, PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho rằng chính sách còn tồn tại bất cập, quy định cứng nhắc và cần được điều chỉnh. Theo ông, gói hỗ trợ này nên mở rộng đối tượng, thay vì chỉ dành cho viên chức hạng IV như hiện tại.

"Thực tiễn rất đa dạng. Khi chính sách không bao phủ được thực tiễn thì phải điều chỉnh để phù hợp hơn. Theo tôi, chính sách không nên chỉ áp dụng đối với viên chức mức lương hạng IV. Nhiều hoàn cảnh khác đang gặp khó khăn như những nhân viên hậu đài chẳng hạn.

Ngoài ra, nghệ sĩ hoạt động tự do cũng cần được nhận khoản trợ giúp theo cách nào đó. Theo tôi, ngành văn hóa có thể hình thành một kênh liên lạc, kênh thông tin để nghệ sĩ có tiếng nói của mình".

Về giải pháp thay đổi để chính sách trợ cấp đảm bảo đúng đối tượng, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề xuất các nhà hát, hội nghệ sĩ trực tiếp rà soát và lên danh sách. "Không nên máy móc, chỉ xác định một nhóm đối tượng để trợ giúp" - ông Sơn nhấn mạnh.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn chưa được giúp

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, đồng tình rằng có những điểm trong quy định cần được điều chỉnh để phù hợp thực tế. Trung Hiếu cho biết khi gửi danh sách diễn viên hạng tư lên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội theo đúng quy định, anh cũng gửi kèm kiến nghị từ phía nhà hát, mong muốn nhân viên hậu đài được hỗ trợ.

"Nhà hát còn nhiều trường hợp khó khăn hơn như anh em hậu đài, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, phục trang, hóa trang... Lương của họ chỉ trên dưới 3 triệu đồng hoặc 1,5 triệu đồng. Họ cũng rất cần được hỗ trợ lúc này. Khi tôi gửi đề xuất, Sở phản hồi rằng sẽ có cuộc họp và kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ.

Thanh Huong, Hong Dang duoc ho tro 3,7 trieu la chua dung doi tuong-Hinh-2

Nhiều nghệ sĩ gặp khó khăn khi các nhà hát phải đóng cửa, không có hoạt động. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Theo NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, gói hỗ trợ nghệ sĩ cần được mở rộng đối tượng. Bởi cuộc sống của những nhân viên hậu đài, kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, phục trang... còn khó khăn hơn diễn viên.

"Để một tập thể được thăng hoa, những người đứng sau cánh gà rất quan trọng. Cuộc sống của họ khổ hơn diễn viên vì không có cơ hội kiếm thêm thu nhập bên ngoài. Họ trông đợi vào tiền lương cơ bản và khoản bồi dưỡng hàng đêm. Nhưng bây giờ, nhà hát hoàn toàn không có lịch diễn", Tấn Minh bày tỏ.

Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nêu ý kiến: "Tôi nghĩ không nên phân biệt viên chức hạng ba hay hạng tư, vì lương khởi điểm không chênh lệch quá nhiều. Nhiều trường hợp viên chức hạng ba cũng khó khăn, lương trên dưới 3 triệu đồng".

Trao đổi với Zing, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã tiếp nhận những ý kiến trái chiều liên quan đến chính sách hỗ trợ nghệ sĩ gặp khó khăn vì dịch Covid-19.

Ông cho rằng nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ là đúng, hợp lý. Trường hợp của diễn viên Hồng Đăng, Thanh Hương chỉ là cá biệt.

"Trường hợp Hồng Đăng, Thanh Hương được trợ cấp nghệ sĩ gặp khó khăn là cá biệt. Khi thấy hồ sơ đủ là Sở cấp mà không kiểm tra kỹ càng", ông Tạ Quang Đông nói.

Theo Hoàng Yến/Zingnews.vn