Mời quý độc giả xem trailer Táo quân 2018. Nguồn: Youtube:
Táo quân là chương trình hài kịch được hàng chục triệu người Việt mong đợi nhất mỗi dịp Tết đến xuân về. Năm nay, Táo quân kỷ niệm 15 phát sóng nên càng được khán giả kỳ vọng. Thế nhưng, Táo quân 2018 lại làm cho không ít khán giả phiền lòng vì kiểu PR gián tiếp cho các nhà tài trợ khá... lộ liễu.
Ngay từ lúc Táo quân được lên sóng ít phút, Nam Tào (Xuân Bắc) đã có hành động quảng cáo cho cổng thanh toán VNPAY khiến cho chương trình mất điểm với người xem. Cụ thể, khi Bắc Đẩu (Công Lý) than thở không mang theo tiền mặt để mua son, Nam Tào bất ngờ khuyên Bắc Đẩu mở túi thanh toán điện tử, quét mã VNPAYQR vừa an toàn vừa tiện lợi.
Trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra không hài lòng với câu thoại PR cài cắm khá lộ liễu trong kịch bản ở phần các Táo cưỡi cá chép lên thiên đình. Theo đó, khi bị phàn nàn vì trốn việc soát vé, Táo Y tế (Vân Dung) bức xúc nói: “Ở dưới hạ giới, người ta đi vé máy bay giá rẻ Jetstar rồi”.
|
Các Táo. Ảnh: Saostar |
Táo quân 2018 còn gây bức xúc bởi màn quảng cáo lộ liễu Sendo (một trang mua sắm trực tuyến của FPT) và Oppo. Khán giả dễ dàng nhận ra, trong phần thi các Táo trình diễn thời trang, Táo Xã hội (Tự Long) tay lăm lăm cầm chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh tự sướng. Phải chăng Táo quân đang PR trá hình cho chiếc điện thoại Oppo F5 dành cho sefie.
Chưa dừng lại ở đó, Táo Xã hội tiếp tục có câu thoại PR cài cắm khá phản cảm khi Bắc Đẩu nhắc đến việc bán hàng trên Facebook. Táo Xã hội cho rằng giờ nhiều người không mua hàng trên Facebook mà mua hàng online trên trang Sendo bán tất cả mọi mặt hàng. Điều này khiến người xem ngao ngán.
|
Táo quân 2018 quảng cáo lộ liễu các đơn vị tài trợ. Ảnh: VTV |
Suốt chương trình Táo quân 2018, các thương hiệu tài trợ đã liên tục xuất hiện ở góc phải màn hình tivi. Thực tế, không quá khó hiểu khi Táo quân 2018 nhận quảng cáo, tuy nhiên, việc quảng cáo quá thô đã khiến cho chương trình táo năm nay lại mất điểm với khán giả nhà đài.
Thực ra, đây là chuyện muôn năm cũ, trước đây Táo quân 2015 từng bị ném đá vì quảng cáo điện thoại Oppo quá lố, Táo quân 2016, các Táo tiếp tục có màn giơ điện thoại tự sướng ngay trên sân khấu, năm 2017, việc câu thoại nhắc đi nhắc lại các thương hiệu như Jetstar, Oppo, Zalo... Điều đó khiến công chúng dần dần đặt câu hỏi nghi vấn có thực là Táo quân làm chương trình vì niềm tin yêu giành cho khán giả hay không? Rõ ràng đã có không ít các bài báo lên tiếng về chuyện Táo quân lạm dụng quảng cáo, thế nhưng dường như nhà đài đã lờ đi tiếng than phiền của khán giả để quảng cáo tiếp tục tràn ngập buổi chầu.
Táo quân thường xuyên được đánh giá có nội dung hấp dẫn, trở thành chương trình được chờ đón nhất mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Nhiều người hy vọng ngoài đổi mới nội dung theo các năm, chương trình cũng cần tránh phát quá nhiều quảng cáo khiến Táo quân bị cắt xén. Và cũng vì giành thời lượng cho quảng cáo mà chương trình có những câu thoại không ăn khớp, cách giải quyết vấn đề bị cụt, khiến người xem mất hứng. Đó cũng là lý do khiến Táo quân bỗng trở nên nhạt hơn mọi năm, có lẽ cũng do đội ngũ biên kịch bị “ép” phải o bế những sản phẩm của các đơn vị tài trợ vào kịch bản chương trình.
Ở thời đại mà "đồng tiền" lắm khi là thước đo của nhiều giá trị, cho dù là giá trị tinh thần, thì việc Táo quân từ một chương trình"sạch' bỗng trở nên dày đặc quảng cáo cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, thiết nghĩ, ngoài việc kiếm tiền, thì niềm tin yêu, tín nhiệm của khán giả cũng là điều cực kì khó kiếm hiện nay, thế nên mong mỏi và hy vọng, Táo quân năm sau sẽ khiến khán giả mãn nhãn hơn bằng cách quảng cáo hợp lý hợp tình, không phản cảm.
Thu Cúc