Trong những thập kỷ qua, dù có nhiều bộ phim "Tây du ký" được sản xuất nhưng phiên bản năm 1986 vẫn được đánh giá là kinh điển và không thể thay thế. Phim không chỉ gây sốt tại Trung Quốc mà còn rất được yêu thích tại Việt Nam. Vào mỗi dịp hè, các đài truyền hình lại chiếu lại tác phẩm này. Dù được chiếu lại hàng nghìn lần nhưng bộ phim vẫn được công chúng đón nhận.
Trong "Tây du ký 1986", ngoài Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới và Sa Tăng thì nhân vật xuất hiện nhiều nhất chính là ngựa Bạch Long. Chú ngựa này đã gắn bó vớ bốn thầy trò Đường Tăng trong suốt chặng đường thỉnh kinh đầy gian nan.
|
Có khá nhiều chuyện thú vị về ngựa Bạch Long của Đường Tăng trong"Tây du ký 1986". |
Khi "Tây du ký" mới khởi quay, đoàn phim không hề chuẩn bị một chú ngựa trắng cố định mà đi đến đâu, sẽ tìm một chú ngựa trắng ở nơi đó để quay phim. Quyết định này đã khiến đoàn phim gặp nhiều rắc rối bởi mỗi chú ngựa có một dáng vẻ béo, gầy, màu sắc khác nhau. Ví dụ như trong tập 10 phim với tên gọi "Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh", chú ngựa trắng đoàn phim mượn được rất gầy, dường như chẳng thể chở được Đường Tăng.
Vì thế, đoàn phim chỉ còn cách để cho Tôn Ngộ Không dắt ngựa đi bộ chứ không để Đường Tăng cưỡi. Không chỉ quá gầy, chú ngựa còn sợ máy quay. Do đó, đoàn phim đành phải quay từ xa.
Có lần khác, đoàn phim không thể nào tìm được ngựa màu trắng, đành sử dụng ngựa màu nâu. Khi đó, đoàn phim đã nhuộm trắng chú ngựa này và nghĩ việc quay phim sẽ hoàn thành thuận lợi. Chẳng thể ngờ, chú ngựa lại không hợp tác, chạy xuống tắm nước, khiến lớp sơn trắng trôi hết. Đoàn phim lại phải vất vả nhuộm lại màu trắng cho ngựa.
Sau đó, đoàn phim "Tây du ký" tới Nội Mông thực hiện cảnh quay Tôn Ngộ Không thả đàn ngựa trên thiên đình. Nội Mông nổi tiếng là nơi có nhiều ngựa tốt. Khi đó, đoàn phim đã gặp được một chú ngựa trắng cao lớn, lông mượt, mạnh mẽ. Cả đoàn đều cho rằng chú ngựa này rất thích hợp để trở thành ngựa Bạch Long của "Tây du ký".
Sau đó, đạo diễn Dương Khiết quyết định hỏi mua chú ngựa này để thuận tiện cho việc quay phim. Tuy nhiên, phía trại ngựa Nội Mông cho biết đây là "quân mã" (ngựa thuộc quân đội). Theo nguyên tắc, "quân mã" không thể mang ra bán, trừ trường hợp bị khai trừ quân tịch.
Với sự thuyết phục của đạo diễn họ Dương, phía trại ngựa Nội Mông đồng ý bán ngựa. Họ đã khai trừ chú ngựa ra khỏi quân đội và bán cho đoàn phim "Tây du ký" với giá hữu nghị 800 NDT (hơn 2,6 triệu đồng). Từ đây, chú ngựa trắng trở thành ngựa Bạch Long của Đường Tăng.
Khi gia nhập đoàn phim "Tây du ký", chú ngựa bạch mới 4 tuổi. Đoàn phim đã mời hai chuyên gia đến chăm lo việc ăn uống, tắm rửa cho chú ngựa. Không phụ sự kỳ vọng của đoàn phim, chú ngựa bạch tỏ ra rất thông minh và hiểu người. Nó rất biết nghe lời, khiến quá trình quay phim thuận lợi hơn.
Trong "Tây du ký", thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn trong chặng đường thỉnh kinh. Ngoài đời, đoàn phim đã phải mất nhiều năm ròng rã, di chuyển khắp Trung Quốc để hoàn thành bộ phim. Trong quá trình quay, nếu các diễn viên phải nếm trải không ít vất vả, thì chú ngựa bạch cũng từng gặp nhiều tình huống nguy hiểm.
Một lần, đoàn phim dùng xe tải vận chuyển ngựa bạch đến địa điểm quay phim. Khi xuống xe, ngựa đã bước hụt và sa chân xuống cống nước. Do yên cương bị vướng vào nắp cống nên dù ngựa cố vùng vẫy nhưng không thể nào đứng lên được.
Khi mọi người đang nghĩ cách giải cứu, đạo diễn Dương Khiết đã tới động viên chú ngựa. Bà coi chú ngựa như một người thân của mình. “Con có đau không? Sao lại đi đứng không cẩn thận chút nào vậy? Đừng vội nhé, chúng ta sẽ vực con dậy ngay đây”, Dương Khiết an ủi ngựa bạch.
Khi đó, thành viên đoàn phim đã rất bất ngờ vì thấy chú ngựa ứa nước mắt. Mọi người đều băn khoăn không biết chú ngựa khóc vì đau hay vì cảm động với lời nói của Dương Khiết.
Một lần khác, đoàn phim di chuyển trên đỉnh thác nước ở Cửu Trại Câu. Do đường trơn ướt, ngựa bị trượt chân ngã và bị nước cuốn xuống rãnh nước sâu. Các thành viên đoàn phim đã hợp sức để kéo chú ngựa lên nhưng vô ích vì rãnh nước quá hẹp. Thật may, có một người chuyên chăm sóc ngựa tình cờ đi qua. Người này đã giúp cứu chú ngựa bạch lên.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất vẫn là khi đoàn phim quay ở miếu Nhị Vương, Thành Đô. Trên đường đi, chú ngựa không may va phải một cây cổ thụ nên bị trượt ngã xuống rãnh nước. Vì rãnh nước gần vách núi nguy hiểm nên đoàn phim đã cố gắng giữ chú ngựa lại. Người ôm chân, người kéo tai, người tóm đuôi, người kéo dây cương... Có người nhảy xuống cả rãnh nước nhưng vẫn không giữ được ngựa. Tất cả đều bị kéo theo ngựa trôi tuột xuống dưới. May sao, đoạn sau của rãnh nước bớt dốc nên mọi người và ngựa có thể thoát thân an toàn. Khi nhớ lại chuyện cũ, ai nấy trong đoàn phim "Tây du ký" đều rùng mình.
Khi "Tây du ký" được quay xong, chú ngựa bạch cùng tất cả đạo cụ của đoàn phim đều được chuyển tới phim trường của đài truyền hình CCTV ở Vô Tích. Sau đó, chú ngựa được đưa ra làm cảnh để kiếm tiền. Chú được treo tấm biển "Bạch Long Mã trong Tây du ký" để thu hút khách du lịch. Du khách muốn chụp ảnh lưu niệm hay cưỡi ngựa sẽ phải trả tiền.
Nhung su that kho tin ve chu ngua Bach Long cua Duong Tang trong 'Tay du ky 1986' Nhung su that kho tin ve chu ngua Bach Long cua Duong Tang trong 'Tay du ky 1986'
Nhiều năm sau, khi thực hiện dự án phim mới, Dương Khiết đã đến Vô Tích để thăm ngựa Bạch Long. Khi đến nơi, bà đã rất đau lòng khi chứng kiến cảnh chú ngựa được nhốt trong chiếc chuồng chật hẹp, trông gầy gò và bẩn thỉu. Dương Khiết từng chia sẻ rằng: "Chú ngựa nhìn tôi, sau khi thở dài một cái, nó quay đi và không nhìn tôi nữa". Sau đó, nữ đạo diễn họ Dương đã đến gặp người phụ trách, bày tỏ hy vọng họ sẽ quan tâm, chăm sóc tốt hơn cho chú ngựa.
Năm 1996, Dương Khiết lại ghé Vô Tích thăm ngựa bạch. Khi đó, ngựa Bạch Long đã rất già. Chú gầy gò, ốm yếu và lọt thỏm giữa những con to khỏe cùng chuồng. Vì quá gầy yếu nên chú ngựa bạch bị các con khác trong đàn tranh hết thức ăn.
Quá đau lòng, Dương Khiết đã đi tìm người trông ngựa. Bà giận giữ hỏi người này: "Các anh có biết nó là ngựa Bạch Long của đoàn 'Tây Du Ký' năm xưa hay không? Làm ơn có thể cải thiện tình trạng cho nó được không? Chẳng nhẽ không ai để ý thấy những con ngựa to khỏe khác lúc nào cũng xô đẩy và tranh giành miếng ăn với nó hay sao? Các anh có thể cho nó một chỗ ăn riêng có được không?”.
Sau khi nói mãi, người trông ngựa mới chấp nhận chuyển chú ngựa bạch sang một chuồng riêng. Tuy nhiên, chiếc chuồng này cũng rất nhỏ hẹp, ẩm thấp.
Vài năm sau, ngựa Bạch Long đã qua đời và được chôn tại Vô Tích. Chú ngựa bạch đã cùng đoàn phim "Tây du ký" trải qua bao vất vả trong suốt 5 năm liền. Thế nhưng, khi hoàn thành nhiệm vụ, chú lại bị đối xử như một thứ bỏ đi, khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Theo Hani/ Giadinhvietnam