Độc thân, quyến rũ, thích tán tỉnh và sẵn sàng tìm kiếm tình yêu đích thực trên hòn đảo hoang vắng là những thứ diễn ra trong chương trình thực tế hẹn hò ăn khách Single's Inferno.
Chương trình nhận phản ứng gay gắt từ cả người xem và giới phê bình khi phát sóng từ cuối năm 2021.
Sau thành công của Single's Inferno, chương trình hẹn hò nở rộ ở Hàn Quốc với đủ kịch bản khác nhau, chẳng hạn 8 người phụ nữ đối đầu nhau để giành được tình yêu của một người đàn ông hay hoán đổi 4 cặp vợ chồng cũ.
Nhiều chương trình bị chỉ trích dữ dội vì phản cảm nhưng vẫn thu hút lượt xem lớn.
Eden, Descendants of Instinct khi mới lên sóng bị tẩy chay vì có cảnh các thành viên xuất hiện với trang phục bikini gợi cảm.
Các thí sinh nữ và nam thoải mái đụng chạm nhau thông qua các trò chơi. Nội dung của Eden, Descendants of Instinct bị chỉ trích không phù hợp với văn hóa Hàn Quốc.
Chương trình hẹn hò bùng nổ
Một số chương trình thực tế hẹn hò hot nhất thời gian qua có thể kể tới EXchange 2, I'm Solo, Change Days 2 hay Love After Divorce 3 của MBN. Mỗi tập của các show này đều khiến phương tiện truyền thông và cộng đồng trực tuyến tranh luận.
Đến nay, hơn 20 chương trình thực tế hẹn hò ra mắt và nhiều chương trình khác sắp ra mắt như phần 2 của Single's Inferno.
Hẹn hò luôn là chủ đề được quan tâm và các đài truyền hình Hàn Quốc đã làm các chương trình dạng này trong nhiều thập kỷ.
Nhưng chưa bao giờ có nhiều chương trình hẹn hò thống trị màn ảnh nhỏ như năm 2022. Đặc biệt là những chương trình có sự góp mặt của thí sinh bình thường, không phải người nổi tiếng.
Lý giải việc chương trình hẹn hò bùng nổ, tờ Korea JoongAng Daily nhận định ngày càng có nhiều người khao khát được tận hưởng cuộc sống tràn ngập tình yêu, đặc biệt sau khi Covid-19 khiến cơ hội gặp gỡ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, họ muốn tận hưởng không khí yêu đương một cách gián tiếp. Họ cho rằng theo dõi chuyện tình cảm của người khác thoải mái hơn việc tự mình trải nghiệm.
Eden, Descendants of Instinct bị chỉ trích nhưng vẫn nổi tiếng và đạt lượt xem lớn. Ảnh: Wavve.
“Đôi khi tôi thích xem các chương trình hẹn hò và tưởng tượng mình là một trong những người tham gia”, Jung Si Eun, 26 tuổi, người hâm mộ cuồng nhiệt EXchange 2 chia sẻ.
EXchange 2 tạo cơ hội cho 4 cặp vợ chồng sống chung tại một ngôi nhà sau khi họ ly hôn. Tại đây, họ được hoán đổi cặp để có thời gian trò chuyện, tìm hiểu với người khác chứ không chỉ chồng cũ.
“Tôi thấy thoải mái khi xem các chương trình bởi tôi không hẹn hò và chỉ theo dõi các cặp thí sinh từ góc độ người ngoài”, Jung Si Eun nói thêm.
Trên thực tế ở Hàn Quốc, ngày càng ít người hẹn hò và kết hôn. Theo cuộc khảo sát có sự tham gia của 2.464 đàn ông và phụ nữ độc thân do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố năm 2019, 74,2% nam giới và 64,3% phụ nữ cho biết họ không hẹn hò.
Dữ liệu từ Thống kê Hàn Quốc cho thấy số lượng cặp vợ chồng mới kết hôn cũng đang giảm. 190.000 cặp kết hôn năm 2021, giảm 9,8% so với năm 2020. Nhìn chung, số lượng cuộc hôn nhân đã giảm đều từ những năm 1980.
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho nói với Korea JoongAng Daily: “Mọi người đang sống một cách gián tiếp thông qua các chương trình. Về cơ bản, mối quan tâm của công chúng với tình dục không hề giảm.
Nhưng giờ đây, mọi người có thể gián tiếp trải nghiệm hẹn hò thông qua việc theo dõi những chương trình".
Nhà phê bình văn hóa Jeong Deok Hyun nhận định: “Đôi khi, bạn cảm thấy mệt mỏi trong mối quan hệ của chính mình, dù đó là chuyện yêu đương hay đã kết hôn. Vì vậy, thay vì tìm người yêu ở ngoài đời, khán giả chuyển sang xem các chương trình thực tế hẹn hò".
Khai thác những chủ đề cấm kỵ
Việc các thí sinh trong những chương trình hẹn hò không phải người nổi tiếng khiến khán giả cảm thấy gần gũi, thân thuộc và tự nhiên.
Do đó, họ càng yêu thích các chương trình này.
Trước đó, nhiều chương trình Hàn Quốc mời các ngôi sao tham gia. We Got Married là một trong những chương trình nổi tiếng nhất. Tuy nhiên, các chương trình dần gây nhàm chán với những mối quan hệ được cho là sáo rỗng, không thực tế và nặng yếu tố kịch bản.
Choi Jung Eun, 27 tuổi, tự nhận là người xem cuồng nhiệt của I'm Solo. Choi nói lý do chính cô yêu thích chương trình là sự thẳng thắn.
“So với các chương trình khác, I'm Solo tự nhiên hơn nhiều. Những người tham gia là người bình thường mà chúng ta sẽ thấy hàng ngày. Họ không quan tâm đến hình tượng trước ống kính và hành động theo cảm tính.
Thật thú vị vì chương trình tuyển chọn nhiều người có lối sống và niềm tin khác nhau. Đôi khi tôi tìm thấy những điểm tương đồng giữa tôi và họ, về hành động hoặc thậm chí cách nói chuyện”, cô lý giải.
Với mục đích khiến người xem tò mò, các chương trình đang nỗ lực thay đổi không chỉ quy tắc mà cả cách khai thác chủ đề. Từ đó, nhiều chương trình về các cặp đã ly hôn hoặc đồng tính lần đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc.
Love After Divorce 3 giúp các chàng trai, cô gái từng ly hôn lấy lại lòng tin về tình yêu. Bất chấp thành kiến chống ly hôn ở Hàn Quốc, mùa đầu tiên của chương trình nhận nhiều lời khen ngợi.
Trong khi đó, Merry Queer xoay quanh 3 cặp đồng tính và những thử thách họ phải đối mặt trong tình yêu, hôn nhân. Chương trình His Man có 8 người đàn ông đang tìm kiếm tình yêu.
Hình ảnh trong show Merry Queer. Ảnh: Wavve.
Các nhà sản xuất luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng và nội dung mới mẻ để thu hút người xem. Do đó, những chủ đề từng được xem là cấm kỵ trên truyền hình Hàn Quốc đang dần sinh sôi nảy nở thông qua các chương trình hẹn hò.
Theo nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik, trên thực tế, đồng tính đã trở thành thể loại riêng ở Hàn Quốc, dưới cái tên “tình yêu của các chàng trai” hay BL.
“Ngành công nghiệp giải trí, bao gồm tiểu thuyết, webtoon và các nền tảng phát trực tuyến đang xem thể loại BL là một lĩnh vực sinh lợi”, Kim nói.
“Mọi người có thể không thường xuyên bắt gặp các nhóm thiểu số giới tính hẹn hò ở ngoài đời, nhưng nó đã là một khái niệm quen thuộc trong mảng nội dung.
Do đó, nó vừa quen thuộc vừa xa lạ với khán giả. Bởi thế, tôi tin các nhà sản xuất tạo ra nhiều chương trình về người đồng tính hơn nữa trong thời gian tới”, chuyên gia nhận định.
Theo Zing