Cứ mỗi đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lại có những ồn ào. Lần này, việc NSƯT Chí Trung, NSƯT Quang Tèo, NSƯT Đỗ Kỷ trượt danh hiệu NSND gây xôn xao dư luận. Trước ồn ào xét tặng, một số nghệ sĩ đã bày tỏ quan điểm.
Trên Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10 chia sẻ về trường hợp của nghệ sĩ Chí Trung. Theo bà, khi Hội đồng cấp Nhà nước xem xét hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của nghệ sĩ Chí Trung thì hồ sơ vẫn đủ phiếu bầu và vẫn được thông qua.
NSND Trịnh Thúy Mùi còn cho hay: "Tôi cho rằng, nghệ sĩ Chí Trung rất xứng đáng để được phong tặng NSND. Thậm chí, bây giờ anh ấy mới được phong tặng danh hiệu này là còn quá muộn. Hôm đó, tôi phát biểu và bảo vệ đến cùng việc thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho anh Chí Trung. Tôi không hiểu tại sao khi trình lên trên thì anh Chí Trung lại không được xét tặng.
Anh Chí Trung bây giờ đã nghỉ hưu nên không thể phấn đấu để có thêm huy chương theo quy định mà phải xét theo trường hợp đặc biệt vì anh ấy cũng lớn tuổi rồi, lại là nghệ sĩ có tài năng nổi trội, có nhiều cống hiến đặc biệt và có ảnh hưởng đối với xã hội. Tôi nghĩ là với những trường hợp này cần phải đề cao các tiêu chí định tính hơn là định lượng”.
|
NSND Trịnh Thúy Mùi. Ảnh: Dân Việt. |
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ trên Tiền Phong, nguyên nhân tranh cãi vẫn xảy ra mỗi kỳ xét tặng danh hiệu là bộ tiêu chí xét tặng thiếu tính định lượng cụ thể.
“Việc xét tặng không thể chỉ dựa vào tiêu chí có hai huy chương vàng. Có người không đủ hai huy chương vàng vẫn được xét tặng, điều này dễ gây ra sự so sánh, nhất là đối với nghệ thuật biểu diễn nơi mỗi người đều có ý kiến, đánh giá khác nhau. Nếu chúng ta không có tiêu chí về định lượng rõ ràng, những tranh cãi xung quanh mỗi kỳ xét tặng danh hiệu sẽ tái diễn”, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ.
Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, việc các hội đồng xét tặng danh hiệu có nhiều đại diện đến từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau dẫn đến tình trạng không thể biết được hết tất cả nghệ sĩ. Tình trạng chủ quan trong việc cho phiếu, cho điểm cũng có thể xảy ra.
|
NSND Lê Tiến Thọ. Ảnh: Tiền Phong. |
Trên Dân Trí, trước câu hỏi, vì sao trao danh hiệu NSƯT, NSND đến lần thứ 10 rồi mà vẫn xảy ra lùm xùm?, NSND Lê Tiến Thọ giải thích: "Do tiêu chí đặt ra chưa được khoa học, chặt chẽ, cảm tính vẫn nhiều. Ngày trước, việc trao danh hiệu chặt chẽ hơn bây giờ. Như đợt trao NSND cho Đặng Thái Sơn - khi ấy nghệ sĩ này mới gần 30 tuổi nhưng không có điều tiếng gì.
Nhưng gần đây thì ồn ào quá. Vì thế, các tiêu chí đặt ra phải mang tính định lượng, thuyết phục được số đông chứ không phải là những quy định chung chung".
NSƯT Thanh Tú - người nhận danh hiệu NSND đợt thứ 10, chia sẻ trên Dân Trí: "Khó có thể nói tâm trạng của tôi lúc này. Tôi chỉ có một ý kiến nhỏ: Khi xét duyệt danh hiệu NSND, đừng bắt nghệ sĩ phải xin xỏ nữa, vì các nghệ sĩ đã qua vòng xét duyệt NSƯT, đã được "cân đong đo đếm" ở các giải thưởng rồi.
Nếu xét thấy các nghệ sĩ vẫn làm nghệ thuật, có sự lan tỏa và được công chúng mến mộ, đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi thì các cấp có thẩm quyền cứ xét duyệt và phong tặng NSND. Nếu xin xỏ lần nữa, nhiều nghệ sĩ rất tự ái”.
|
NSƯT Thanh Tú. Ảnh: Dân Trí. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ trên Cổng Thông Tin Điện Tử Quốc Hội Việt Nam: “NSND, NSƯT là những danh hiệu danh giá đối với các nghệ sĩ, thể hiện sự tôn vinh của Nhà nước đối với những cống hiến của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật cách mạng, đồng thời cũng là niềm tự hào đối với từng nghệ sĩ.
Tôi nghĩ, danh hiệu NSND, NSƯT có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn đối với nghệ sĩ, nhờ vậy, giúp họ cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên, qua 10 mùa xét tặng, dù có nhiều sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thi đua khen thưởng, chúng ta thấy có nhiều vấn đề bất cập vẫn đang xảy ra, khiến cho việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước cũng như của Nhân dân và đặc biệt là các nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ được biết đến rộng rãi nhưng không được phong tặng. Một số nghệ sĩ được phong tặng lại chưa nhận được sự đồng tình cao.
Cơ chế xin cho trong xét duyệt hồ sơ. Thành tích ảo từ những cuộc thi chủ yếu dành để trao huy chương phục vụ xét tặng danh hiệu. Rồi những đơn thư kiện cáo liên quan… Tất cả ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh đẹp của người nghệ sĩ, cũng như sự phát triển của cả nền nghệ thuật.
Tôi còn nhớ, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quang Nghị đã từng viết trong cuốn hồi ký “Đi tìm một vì sao” của ông rằng: “Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp Hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn”. Rồi: “Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng”. Đó cũng những vấn đề liên quan đến xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT hiện nay”.
|
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Cổng Thông Tin Điện Tử Quốc Hội Việt Nam. |
Xem video "Vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ ở đời thường". Nguồn FBNV
Thu Cúc (tổng hợp)