Đầy rẫy nghệ sĩ bị phạt, nhận chỉ trích vì ăn mặc phản cảm
Như Dân trí đã đưa tin, UBND TPHCM vừa công bố Quyết định số 2559/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn.
Nguyên nhân do Công ty này đã có hành vi tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu sử dụng trang phục trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đơn vị này bị phạt 70 triệu đồng và phải đình chỉ hoạt động tổ chức thi người đẹp, người mẫu đến 9 tháng.
Quyết định nói trên căn cứ vào khoản 6, khoản 8 Điều 12 Nghị định số 38/2021 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đồng thời căn cứ vào các biên bản xác minh tình tiết vụ việc và đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.
|
Bộ trang phục bị chỉ trích phản cảm của Hà Anh (Ảnh: Ban Tổ chức). |
Trước đó, vào ngày 25/6, Công ty này tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 có sự tham gia của người mẫu Hà Anh ở vai trò giám khảo. Tại thảm đỏ, người đẹp mặc áo dài xuyên thấu, để lộ miếng dán ngực.
Sự việc khiến Hà Anh nhận chỉ trích nặng nề trên khắp các diễn đàn. Người đẹp giải thích rằng, do ánh đèn flash đã gây ra sự cố trên. Cô mong muốn gửi lời xin lỗi đến khán giả và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Trước những luồng ý kiến trái chiều, tác giả của trang phục - NTK Lý Quí Khánh lên tiếng nhận lỗi vì để xảy ra sự cố.
Đây không phải lần đầu tiên, vấn đề trang phục của Hà Anh gây nhức nhối. Bản thân Hà Anh từng bị Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phạt 10 triệu đồng và cấm diễn 3 tháng tại khu vực TPHCM vì mặc trang phục biểu diễn phản cảm trong chương trình "Thời trang và nhân vật" diễn ra vào ngày 26/6/2014. Hà Anh đã thay đổi trang phục so với chương trình duyệt phúc khảo.
Trước đó, vào tháng 10/2010, chương trình "Diamond Night" có sự tham gia của Hà Anh bị chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phạt vì vi phạm các lỗi: Sử dụng trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục (3,5 triệu đồng), tự tiện thay đổi nội dung chương trình sau khi đã được cấp giấy phép (7,5 triệu đồng). Trong chương trình, Hà Anh lộ nội y do váy quá ngắn và người mẫu Bebe Phạm bị tụt váy áo.
Không riêng Hà Anh, nhiều nghệ sĩ khác cũng gây ra "ồn ào" xung quanh câu chuyện váy áo. Vào năm 2011, dư luận từng phản ứng dữ dội về bộ đồ ren màu đen "thủng" lỗ chỗ Minh Hằng mặc trong chương trình ca nhạc từ thiện "Đêm mỹ nhân" tại Quảng Bình.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn khi đó đã "tuýt còi", yêu cầu làm rõ việc nghệ sĩ ăn mặc phản cảm và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình đã vào cuộc.
Trước ý kiến khá gay gắt từ phía dư luận, người trong cuộc là ca sĩ Minh Hằng lại ấm ức, thanh minh rằng: "Tôi không mặc phản cảm. Mới trông thì có vẻ những bộ đồ đó lộ da thịt thiệt nhưng thật ra bên trong tôi có mặc quần da. Bản thân quần da nhìn xa hoặc lên hình thì trông như không mặc gì thật, điều đó khiến nhiều người nhìn vào hình đã hiểu lầm tôi chỉ mặc quần ren thủng mà thôi".
Sau đó, đơn vị tổ chức chương trình từ thiện "Đêm mỹ nhân" đã bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng.
|
Bộ trang phục của Minh Hằng trong "Đêm mỹ nhân" bị dư luận phản ứng (Ảnh: Ban Tổ chức). |
Tiếp đó, vào năm 2013, Ngọc Trinh và 10 người mẫu tham gia trình diễn nội y trong "Đêm hội chân dài" đã bị Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng mỗi người.
Ranh giới mong manh giữa gợi cảm và phản cảm
Thời trang phản cảm của các nhân vật trong làng giải trí khiến dư luận vô cùng ngán ngẩm. "Trình diễn hay cuộc đua khoe da thịt", "trang phục nhức mắt thiếu văn hóa"... là những bình luận của khán giả.
NTK Thanh Thúy (gương mặt quen thuộc của Tuần lễ thời trang Việt Nam và các sự kiện văn hóa) chia sẻ với PV Dân trí: "Ở bất cứ quốc gia nào, nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng rõ rệt từ lối sống, thời trang hay thẩm mỹ nói chung cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Những trang phục "thoáng mát", các chi tiết nhạy cảm sẽ khiến cho một nghệ sĩ xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù bị chỉ trích, bị bình luận, họ sẽ vẫn là tâm điểm của truyền thông và cả dư luận trong một thời gian dài. Một số người cho rằng, như vậy, họ đã đạt được sự "nổi tiếng", chơi trội. Đó là lối tư duy vô cùng nguy hiểm".
Bày tỏ quan điểm về lý do một số thiết kế áo dài trở nên phản cảm trên thảm đỏ, NTK Thanh Thúy cho biết: "Áo dài Việt Nam là một trang phục đẹp, kín đáo dành cho phụ nữ mọi lứa tuổi. Chính bản thân phom dáng một chiếc áo dài ôm truyền thống đã đủ quyến rũ rồi. Nếu người mặc có sự biến tấu đi quá giới hạn, không cẩn thận sẽ trở nên phản cảm, đặc biệt nghệ sĩ đi sự kiện dưới ánh đèn sân khấu hoặc flash máy ảnh".
|
Hà Anh từng say sưa trình diễn mà không biết mình mắc sự cố nhạy cảm về mặt trang phục (Ảnh: Phan Lê). |
Để tránh "tai nạn" đáng tiếc, Thanh Thúy cho rằng: "Là một người thiết kế, ưu tiên đầu tiên và quan trọng nhất của tôi là lựa chọn chất liệu phù hợp. Chất liệu không mỏng quá, không xuyên thấu hoặc đối với các chất liệu mỏng thì trong quá trình may phải được xử lý cẩn thận.
Đối với những thiết kế họa tiết thì việc bố cục phải tránh những vị trí nhạy cảm trên cơ thể, tôi thường tránh những họa tiết gây tranh cãi, đi ngược lại văn hóa.
Điều đáng lưu ý nữa là người mặc phải chọn nội y phù hợp, đặc biệt đối với những thiết kế áo dài - một chi tiết nhỏ nhưng quyết định phần lớn sự thành công của bộ sưu tập cũng như bộ mặt của nhà thiết kế lẫn người mẫu".
Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng (nguyên giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia) đánh giá: "Ranh giới giữa nhạy cảm và phản cảm rất mong manh. Vấn đề của các nghệ sĩ là xử lý thế nào về mặt trang phục vì nếu không có ánh đèn flash thì cũng có ánh sáng khác. Chúng ta cần nhấn mạnh vấn đề ở đây là trang phục quá mỏng, quá hở.
Cơ thể người phụ nữ vốn là tác phẩm hoàn hảo nhất của thượng đế. Cái đẹp cần khoe ra nhưng khoe thế nào đẹp cũng là một câu chuyện. Trang phục mỏng quá, khoe hết thì lại là phản cảm.
Trong mỹ học, cái đẹp của trang phục nằm ở sự hài hòa, giữa độ mỏng - ngắn - hở. Không hài hòa tức là không đẹp.
Hở đến đâu là quyến rũ? Trang phục xẻ đến bắp đùi, khoe đôi chân dài là gợi cảm, nhưng quá thêm chút nữa sẽ không đẹp".
Nghệ sĩ cần có tự trọng thẩm mỹ
Tiến sỹ Thế Hùng cho rằng, không chỉ trang phục khi đi biểu diễn, hình ảnh đăng lên mạng xã hội của nghệ sĩ cũng cần lưu ý. Bởi, trên thực tế, không ít nghệ sĩ nghĩ rằng, trang cá nhân là "nhà riêng" của mình nên vô tư chia sẻ hình ảnh ăn mặc nhố nhăng, phản cảm.
"Lời khuyên của tôi, người đẹp phải có tự trọng về thẩm mỹ, tức là phải để cho người ta tôn trọng mình. Các cụ ta có câu: "Y phục xứng kỳ đức", nhìn vào trang phục biết đạo đức con người thế nào, "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần", y phục rất quan trọng, làm thế nào để đúng đó là cơ tầng văn hóa. Nghệ sĩ có tự trọng không ai ăn mặc phản cảm.
Văn hóa thời trang cũng quan trọng như văn hóa ứng xử. Tự trọng thẩm mỹ của nghệ sĩ trước công chúng phải tồn tại cả trên sàn diễn, trong cuộc sống và trên mạng xã hội", Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng nhấn mạnh.
Theo Phương Nhung/Dân Trí