Ngày Quốc khánh 2/9/1945 - ngày khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là nguồn cảm xúc lớn lao để các nghệ sĩ sáng tác nên những khúc ca, bản nhạc, bài thơ, phim, tranh ảnh...
Đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thành công, thu hút được tình cảm của khán giả từ mảng đề tài này. Trong đó không thể không nhắc tới "Ba Đình nắng" của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ và nhà thơ Vũ Hoàng Địch.
Sinh thời, có lần nhạc sĩ Bùi Công Kỳ kể về sự ra đời của bài hát: “Chứng kiến không khí ngày hôm đó – 2/9/1945 - tôi không kìm nén được xúc động. Ai mà không sống trong ngày ấy thì khó có thể hiểu được tâm trạng của tôi cũng như bao người dân Việt. Tôi tự nhủ mình phải viết một bài hát về sự kiện lớn lao này nhưng rồi bận nhiều công việc và cũng loay hoay mãi vẫn không biết bắt đầu như thế nào, sẽ khai thác những ý tứ gì.
Phải tới gần 2 năm sau, đến 1947, tôi đọc được bài thơ "Ba Đình nắng" của Vũ Hoàng Địch. Thế là tôi nảy ý nghĩ sẽ phổ bài thơ thành bài hát. Tôi thấy Vũ Hoàng Địch đã nói được rất nhiều điều sâu sắc trong bài thơ. Chỉ cần lựa chọn được một ngôn ngữ âm nhạc phù hợp để chuyển tải là sẽ thành công”.
Dù không được sáng tác trong thời khắc lịch sử mà phải 2 năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bài hát mới ra đời nhưng ngay lập tức "Ba Đình nắng" đã được đông đảo khán thính giả đón nhận.
Một trong những lý do cho sự thành công của bài hát này là bởi lời ca chân thật, truyền tải đúng không khí về giờ phút thiêng liên của dân tộc một cách cuốn hút, làm say đắm người nghe.
“Gió vút lên, ngọn cờ trên kỳ đài.
Gió vút lên, đây bao nguồn sống mới dạt dào…
Tôi về đây, lắng nghe bao tiếng gọi của mùa Thu cách mạng.
Mùa vàng sao”.
Xúc động nhất là việc tác giả đã đưa được hình ảnh Bác Hồ với câu nói giản dị đến vĩ đại “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” vào bài hát một cách nhuần nhị, đầy cảm xúc.
"Ba Đình nắng" giúp cho những ai không may mắn có mặt trong thời khắc lịch sử 2/9/1945 đó, những thế hệ người Việt Nam sau này vẫn có thể hình dung, tưởng tượng và hòa mình được vào không khí của Ba Đình năm ấy. Đó là cái tài của nhà thơ Vũ Hoàng Địch và nhạc sĩ Bùi Công Kỳ.
Dù bao năm tháng có trôi qua, bài hát "Ba Đình nắng" vẫn sẽ sống mãi, nhắc nhớ cho mọi người về khoảnh khắc rực nắng của mùa thu năm 1945./.
Theo Thanh Vân/VOV.VN