“Quỳnh búp bê” càng chiếu càng sạn: Phim Việt bao giờ hết cẩu thả?

Google News

(Kiến Thức) - Giống như nhiều bộ phim truyền hình Việt, “Quỳnh búp bê” càng về cuối lại càng có nhiều chi tiết bất hợp lý. Dù hạt sạn nhỏ nhưng vẫn phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của đoàn làm phim.
 

>>> Mời quý độc giả xem trailer “Quỳnh búp bê” tập 24. Nguồn Youtube/Rubic8:
"Quỳnh búp bê" hiện là bộ phim truyền hình được đông đảo khán giả yêu thích. Tuy nhiên, càng chiếu phim lại càng dính nhiều sạn. Một trong những hạt sạn phim “Quỳnh búp bê” là lỗi sai về thời gian. Trong tập 7 Quỳnh búp bê, hôm 23 tháng Chạp, Quỳnh đi chơi, ngắm chợ hoa cùng Cảnh. 1 hôm sau đó, Quỳnh lên cơn đau đẻ và sinh con. Như vậy, con trai của Quỳnh chào đời vào ngày 24 tháng Chạp.
Tuy nhiên, đêm Quỳnh sinh con lại trở thành 30 Tết bởi đúng lúc bác sĩ thông báo cô mẹ tròn con vuông, pháo hoa bắt đầu được bắn. Còn theo lời ông Cấn, con trai Quỳnh chào đời vào đúng mùng 1 Tết. Từ cuốn lịch ghi mùng 1 Tết rơi vào ngày 16/2/2018 ở nhà ông Cấn, mọt phim còn soi Cảnh chết trước khi con trai của Quỳnh chào đời.
Cụ thể, khi Cảnh ôm con của Quỳnh bỏ trốn, bé đã khá cứng cáp. Theo đó, có thể suy đoán, Cảnh chết vào khoảng thời gian cuối năm 2018, đầu 2019. Tuy nhiên, bia mộ của Cảnh lại ghi vào anh qua đời vào ngày 22/3/2017. Đây là lỗi sai về thời gian khá nghiêm trọng. Ngoài ra, khán giả cũng thắc mắc, 6 tháng sau khi Quỳnh sinh con là khoảng thời gian mùa hè nhưng con của Quỳnh lại đội mũ len, mặc quần áo mùa đông.
“Quynh bup be” cang chieu cang san: Phim Viet bao gio het cau tha?
 Cảnh chết trước khi con trai Quỳnh chào đời. Ảnh: Dân Việt
Ở cuối tập 24, Quỳnh liên tục nhận được những tin nhắn đi khách từ điện thoại. Khán giả thắc mắc trên màn hình điện thoại của cô hiển thị thời gian 17h10 nhưng ở phần tin nhắn lại được gửi từ lúc “9h57, ngày mai”. Nhiều người cho rằng đây là một lỗi sai về thời gian.
Bộ phim “Quỳnh búp bê” còn vướng lỗi sai về đạo cụ. Ở phân cảnh Lan mua sữa bầu cho Quỳnh, các bà mẹ bỉm sữa nhanh chóng phát hiện đó là hộp bột tăng cân và chiều cao dành cho bé từ 1 tháng tuổi còn 2 hộp kẽm và DHA cho trẻ nhỏ lại thành vitamin và sắt.
Các mọt phim còn phát hiện số điện thoại của ông Cấn giống số điện thoại của nhân vật Phan Quân trong “Người phán xử”. Thực tế, đây là số điện thoại của diễn viên Hoàng Anh. Vì ê-kíp sơ suất để lộ số điện thoại thật, Hoàng Anh gặp khá nhiều phiền toái với những cuộc gọi từ khán giả.
Càng về sau, "Quỳnh búp bê" lại càng để lộ nhiều chi tiết bất hợp lý. Cuối tập 14, khi vào đến sân nhà ông Cấn, Cảnh dùng dao đâm vào lốp xe hơi nhằm tránh trường hợp bị ông Cấn dùng xe hơi truy đuổi khi cứu Quỳnh. Nhiều khán giả cho rằng đây là tình tiết khá phi lý bởi lốp xe hơi không thể dễ dàng bị đâm thủng sau một nhát dao.
Ở tập 22, sau khi clip Quỳnh bị dàn cảnh đánh ghen bị tung lên mạng, My sói cho người lập một fanpage để đăng tải hình ảnh, video Quỳnh hồi còn làm gái làng chơi. Khi Quỳnh truy cập vào trang fanpage này, giao diện của trang có biểu tượng "Thêm nút". Được biết, biểu tượng này chỉ hiển thị khi tài khoản thuộc về admin của trang. Sự cẩu thả của ê-kíp khiến Quỳnh trở thành người tự bóc phốt chính mình.
“Quynh bup be” cang chieu cang san: Phim Viet bao gio het cau tha?-Hinh-2
Quỳnh lập fanpage tự bóc phốt mình. Ảnh: Báo giao thông 
Khi Fanpage bóc phốt Quỳnh được lập, có không ít tin nhắn gạ tình Quỳnh. Điều đáng nói, các tin nhắn này đến từ chính các tài khoản thật. Không may, các fan cuồng của bộ phim truy tìm và tấn công các tài khoản gạ tình Quỳnh bằng những lời lẽ không hay. Đáng lẽ, ê-kíp phim nên sử dụng tài khoản ảo.
Ở tập 23, khán giả còn tinh mắt nhận ra danh bạ điện thoại của Đào lưu một số điện thoại với cái tên là “Vợ yêu”. Thông thường, đây là cách người đàn ông lưu số điện thoại vợ của mình. Đào là con gái nên không ít người thắc mắc ai là “vợ yêu” của Đào. “Quỳnh búp bê” không phải là bộ phim truyền hình Việt duy nhất vướng rổ sạn.
Gần đây, “Hậu duệ mặt trời” bản Việt cũng bị soi có những chi tiết bất hợp lý như bác sĩ đọc vánh vách các chỉ số của bệnh nhân dù máy đo nhịp tim, huyết áp của bệnh nhân không hoạt động hay Duy Kiên dùng tay che mất camera nhưng vẫn trò chuyện video được. Đặc biệt, những sai sót về lễ tiết, tác phong người lính khiến phim vấp phải những ý kiến trái chiều.
Hay như với bộ phim “Tình khúc Bạch Dương”, khán giả phiền lòng trước nhiều cảnh quảng cáo quá lố, trang phục, phát âm tiếng Nga, lời thoại hay việc buôn bán của du học sinh. Ở phim "Sống chung với mẹ chồng", cũng có hàng rổ sạn như hàm răng của Tuấn Sơn lúc đẹp lúc xấu, mái tóc dài ngắn bất thường của Diệp hay thang máy không chịu đóng.
Bộ phim truyền hình đình đám “Người phán xử” lại có những hạt sạn lớn ở tập cuối. Cụ thể, trong vụ nổ bom, chiếc sọt trong phân cảnh vẫn không bị cháy sém hay hư hỏng khiếu nhiều người khó hiểu. Ở phân cảnh Phan Sơn quay trộm cảnh nói chuyện của Lê Thành và Thế Chột, cảnh quay được ghi lại với chất lượng rõ nét.
“Quynh bup be” cang chieu cang san: Phim Viet bao gio het cau tha?-Hinh-3
 Chiếc sọt trong phim "Người phán xử". Ảnh: Thế giới trẻ
“Quynh bup be” cang chieu cang san: Phim Viet bao gio het cau tha?-Hinh-4
 Cảnh thang máy không đóng trong "Sống chung với mẹ chồng". Ảnh: Yan
Càng hot, phim truyền hình Việt càng bị soi. Khán giả nhặt sạn bởi họ quan tâm và đặt kỳ vọng vào phim. Những hạt sạn dù nhỏ nhưng phản ánh tính chuyên nghiệp hay không của ê-kíp. Để nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam, thiết nghĩ ê-kíp nên cẩn trọng hơn trong khâu hậu kỳ.
Thu Cúc