>>> Mời quý độc giả xem video "Phương Thanh cover Độ ta không độ nàng". Nguồn Youtube nhân vật:
Khác với một số ca sĩ cover “Độ ta không độ nàng”, nữ ca sĩ Phương Thanh chấp nhận bị gỡ bản thu trên internet sau khi một đơn vị tại Việt Nam mua bản quyền ca khúc và gửi công văn đến từng kênh phát sóng yêu cầu thu tiền tác quyền.
Điều đáng nói, giữa Phương Thanh và đơn vị này xảy ra ồn ào. Phương Thanh cho rằng đơn vị này làm ăn kiểu "cướp giật", hớt tay trên khi mua bản quyền lúc ca khúc này đang hot thay vì lúc mới ra mắt.
Trước sự phản ứng của Phương Thanh, phía đơn vị này đáp trả họ mua bản quyền “Độ ta không độ nàng” vào tháng 3/2019, sau 3 tháng ca khúc phát hành tại Trung Quốc đồng thời ám chỉ Phương Thanh thiếu hiểu biết về luật bản quyền.
Ồn ào tiếp tục nóng lên khi Phương Thanh cho rằng cô hát trước khi công ty tuyên bố nắm bản quyền nên không vi phạm tác quyền ca khúc. Ngoài ra, cô còn tố ngược đơn vị này đã và đang kinh doanh bài hát của cô mà chưa xin phép.
|
Ca sĩ Phương Thanh. Ảnh: Minh Quân |
Giữa lùm xùm của Phương Thanh, ca sĩ Khánh Phương và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã lên tiếng.
Trên Zing, Khánh Phương chia sẻ: "Nếu đơn vị bỏ ra khoảng 5.000 USD để mua, nhưng khi thông báo bản quyền, tất cả ca sĩ bỏ chạy thì ai sẽ là người thiệt hại”. Trước ý kiến này, Phương Thanh phản bác: "Nói ca sĩ "bỏ chạy" không đóng phí bản quyền là sai.
Bản chất của service (dịch vụ) là tự nguyện, mình thích thì mua, không thì thôi, nếu cưỡng ép mua vì bất cứ lý do gì thì không còn là service nữa. Trong khi Phương Thanh đã bị giật sập bài 10 ngày rồi.
Đã không có nhu cầu sử dụng thêm thì vì sao phải bị ép mua? Không ai có tư cách nói mình văn minh hay không văn minh ở đây hết. Vì mua bản quyền trong trường hợp này là gián tiếp ủng hộ lối kinh doanh không lành mạnh".
Còn về quan điểm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trên Zing: "Cover bất cứ ca khúc nào đều sai nếu không xin phép. Kể cả không kinh doanh thì cũng phải được sự đồng ý của tác giả", Phương Thanh cho rằng ý kiến này không chuẩn luật.
"Theo Điểm e Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao quy định:
"Biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào".
Trường hợp Phương Thanh hát tại chùa bài "Tự thân nàng hãy cứu độ nàng" cho các thầy, các Phật tử nghe thuộc trường hợp này nên không phải xin phép và không phải trả tiền nhuận bút, thù lao", Phương Thanh viết trên trang cá nhân.
Trong khi đó, trên Vietnamnet, Phương Thanh giãy bày cô có quá nhiều thứ phải đắn đo khi mua bản quyền từ phía Trung Quốc. “Thật sự bài hát này bên Trung Quốc cũng không hot lắm, về Việt Nam thì rùm beng.
Tôi cũng tranh thủ hát nhanh rồi thông báo trên Facebook bỏ luôn khỏi bài này chỉ sau 1 tuần. Sau khi bị sập bài là coi như xong, tôi không ý kiến gì nữa. Tôi không có nhu cầu sử dụng thêm cũng như không cần mua bản quyền”, nữ ca sĩ chia sẻ.
Phương Thanh không ngại thừa nhận cô đã thiếu sót khi không liên hệ với phía công ty Trung Quốc nắm bản quyền ngay từ đầu. “Nếu bị kiện từ phía công ty Trung Quốc, tôi sẽ đích thân chịu trách nhiệm”, nữ ca sĩ cho biết.
|
Phương Thanh. |
Giống như Phương Thanh, Khánh Phương và Anh Duy - chàng trai Tiền Giang cover “Độ ta không độ nàng” cũng không có bản quyền từ phía Trung Quốc. Theo Gia đình xã hội, Khánh Phương đã tìm cách liên hệ với phía Trung Quốc để mua bản quyền.
Tuy nhiên, việc liên hệ không đơn giản nên nam ca sĩ đã nhờ Cục tác quyền Việt Nam - đại diện đàm phán tác quyền nhưng cũng không liên hệ được. Đến khi có đơn vị việt Nam nắm bản quyền thì anh đồng ý trả phí.
Còn Anh Duy cho biết trên Dân Việt, anh từng tìm hiểu và tìm cách liên hệ với tác giả Trung Quốc để làm thủ tục mua tác quyền, song chưa kịp làm thì đã xảy ra sự việc trên. Giống như Phương Thanh, Anh Duy không hợp tác đóng tiền tác quyền, chấp nhận để bản cover bị gỡ.
Thu Cúc