Cách đây không lâu, cô ruột của Phương Mỹ Chi là Phương Quế Như đã sụt sùi trong nước mắt chia sẻ với giới truyền thông về chuyện bị gia đình cháu gái ghẻ lạnh coi thường. Chưa kể, cô cháu gái một thời được cô út yêu thương, dạy dỗ, dẫn dắt vào nghệ thuật nay trở mặt không nhìn nhận chỉ vì xích mích giữa hai bên gia đình. Trước những lời chỉ trích này, mẹ của Phương Mỹ Chi không bình luận gì, chỉ mong cô út cân nhắc trước khi kể chuyện gia đình trước công chúng.
Câu chuyện của người lớn với nhau lại vô tình kéo cô bé 14 tuổi vào thị phi không đáng có. Chỉ ít giờ khi thông tin cô út Phương Quế Như cung cấp, trên các diễn đàn và mạng xã hội đã lên án Phương Mỹ Chi gay gắt: nào là “bạc bẽo vô ơn”, nào là “ăn cháo đá bát”, nào là” nổi tiếng thì quên người ơn”... Những từ ngữ nặng nề nhất đã được tuôn ra để mắng chửi ca sĩ nhí. Liệu những người mắng chửi Phương Mỹ Chi có đủ sáng suốt để hiểu bản thân mình đã bênh vực hay lên án đúng người chưa? Hay cuối cùng họ chỉ là con cờ bị người khác lợi dụng trong cuộc chiến kim tiền của gia đình nhà người ta?
Nghe câu chuyện mà Phương Quế Như kể, điều đầu tiên đánh động vào công chúng chính là sự cảm thương. Họ thương cho một người khuyết tật, chịu thiệt thòi về thể xác lẫn tinh thần. Cái thương thứ hai là ở sự tận tâm của một người cô đã hết lòng yêu mến, nắn nót từng lời ca tiếng hát, chắp cánh cho cháu mình thành công nổi tiếng như hôm nay để rồi đổi lại là sự lạnh lùng, khinh khi và bỏ rơi của cả gia đình cô cháu gái. Tất nhiên, thương cô út, tin lời cô út nói thì người ta ghét Phương Mỹ Chi hơn. Bởi nhà cách có cái ngõ mà không thèm qua thăm cô ruột, đi hát gặp cũng không hỏi thăm. Nhưng người lớn ơi, Phương Mỹ Chi mới có 14 tuổi thôi. Ở cái tuổi đó, Chi phải nghe lời ba mẹ. Ba mẹ Chi xảy ra mâu thuẫn với cô út, phận làm con cháu đâu thể can thiệp vào cuộc chiến ấy. Ba mẹ là người bảo hộ cho Chi cả về pháp lí lẫn tinh thần thì Chi có nghĩa vụ và bắt buộc phải nghe theo lời ba mẹ mình. Ba mẹ nói đi tây chả lẽ em lại cãi chuyển sang đi hướng Tây để mang tiếng ngỗ ngược bất hiếu hay sao? Cha mẹ không thích không muốn cho Chi qua lại với những người có xích mích với cha mẹ thì đố Chi có dám trái ý để bị mắng hay không?
Đến đây, cũng xin một lần chốt hạ, lời kể của cô út có chắc gì đã là 100% sự thật. Trong một cuộc chiến và ra trước quan toà, ai cũng muốn giành phần đúng, giành phần phải về phía mình. Tất nhiên, để làm được điều đó, họ phải cố sức dùng lời lẽ tốt đẹp để biện luận và chứng minh rằng mình đúng, mình đáng thương. Quan thanh liêm còn khó phân xử việc nhà. Ai có thể đảm bảo cô út của Phương Mỹ Chi là người đúng còn gia đình của cô bé là người sai? Chuyện gia đình thì chỉ những người gia đình hiểu rõ. Mâu thuận trong nội bộ gia tộc thì cũng chỉ những người trong đó mới có thể tự giải quyết. Dường như cô út của Phương Mỹ Chi khá không ngoan khi biết lái câu chuyện gia đình ra ngoài xã hội. Có lẽ, trong cuộc chiến gia đình, cô út đã thua thiệt trước anh chị của mình nên muốn dùng áp lực dư luận gây sức nặng tâm lí, chuyển bại thành thắng nhằm đạt được những quyền lợi mà cô muốn. Than ôi, cuộc chiến của người lớn mà con trẻ phải chịu bị mắng, bị chửi, bị rủa xả mà không biết thanh minh thanh nga thế nào cho tường tận.
Câu chuyện của cô út Phương Mỹ Chi kể có tình tiết mỗi tháng chị dâu cho hai triệu, khi xin thêm một triệu vì không đủ sống thì chị dâu không vui nên có lẽ từ đó mâu thuẫn càng gay gắt hơn. Ai nấy cũng vỡ lẽ mấu chốt của câu chuyện tố cháu gái là vì vấn đề tiền bạc. Trong cuộc sống này chỉ có bố mẹ mới có nghĩa vụ yêu thương chăm sóc và nuôi dưỡng con cái. Ngược lại, con cái cũng phải thực hiện điều đó khi bố mẹ về già. Ngoài bố mẹ và con cái, dù anh chị em hay bà con cũng không ai có nghiệm vụ cho tiền cấp dưỡng bất kì người nào dù họ hàng thân thích. Khi lớn lên, ai trong chúng ta cũng có cuộc sống riêng tư, ai trong chúng ta cũng phải cật lực lao động để trang trải cuộc sống. Vậy thì tại sao buộc họ phải còng lưng ra chăm lo cho người không phải cha mẹ hay con cái của mình? Có thể vì tình nghĩa họ hàng ruột thịt, người ta giúp đỡ khi bạn khó khăn ngày một ngày hai chứ không ai bao bọc cả đời. Đó là lí do tại sao mọi người đều khuyên nhau cho cần câu chứ không ai cho con cá khi giúp đỡ người khác. Bởi điều đó sẽ tập cho người được giúp tính ỷ lại, lười biếng, thụ động. Gia đình Phương Mỹ Chi không cho cô út cần câu mà cho hẳn con cá. Nhưng vì con cá bé quá nên cô út không chịu, cô muốn con cá to hơn nhưng ngược lại mẹ Chi khó chịu mà vẫn phải cho. Điều này làm cô út tự ái tủi thân. Khi chúng ta xoè tay xin tiền bố mẹ, anh em ruột đã là một sự tủi hổ ngại ngùng chứ đừng nói đến chuyện xin xỏ từ chị dâu vì suy cho cùng chị dâu cũng không khác người dưng là bao. Bạn đã gạt sĩ diện để xin tiền mà con gái người ta vất vả đi hát để mang về thì có ai mà vui nổi, có ai dễ dàng đưa mà phải cười tươi như hoa.
Không biết từ bao giờ, mọi mâu thuẫn của người lớn lại đổ lên đầu con trẻ. Phương Mỹ Chi tròn 14 tuổi. Đáng lí ở cái tuổi này, em phải được vô tư học tập vui chơi cùng bạn bè. Vậy mà em phải cật lực chạy show, cật lực kiếm tiền để giúp đỡ gia đình. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vô tình đổ dồn lên vai cô gái bé nhỏ. Bố mẹ, người thân được hưởng trái ngọt từ thành quả lao động miệt mài của em với nhà cao cửa rộng, với cửa tiệm xênh xang... Đổi lại những vật chất đó, Mỹ Chi phải chịu đựng đủ mọi điều tiếng: phủi công người dẫn dắt, ăn mặc đua đòi, cố tạo scandal để nổi tiếng... Những điều đó em có muốn chăng? Mặt trái của sự nổi tiếng là điều tiếng.
Có biết bao câu chuyện của các sao nhí đình đám hơn cả Phương Mỹ Chi cũng từ áp lực và mâu thuẫn tiền bạc mà ra. “Thần đồng âm nhạc” Xuân Mai một thời đình đám cũng chịu cảnh bố mẹ ly hôn, mỗi người mỗi ngả vì tranh chấp tiền nong của con gái. Để cuối cùng, Xuân Mai phải theo mẹ và em trai sang Mỹ vất vả mưu sinh và rồi kết thúc sự nghiệp ca hát trong âm thầm. Hay sao nhí của “Ở nhà một mình” Macauly Culkin cũng huỷ hoại cả cuộc đời bởi giàu sang và danh vọng, bố mẹ cũng ly hôn khi giành quyền quản lí tài sản và quản lí show cho cậu bé bất thành. Mâu thuẫn và tranh chấp của người lớn khi không giải quyết được thì con trẻ luôn bị lôi kéo vào cuộc chiến ấy để rồi bị xâu xé, dằn hất hòng đạt được mục đích của riêng mình.
Dư luận trách Mỹ Chi, chửi Mỹ Chi nhưng dư luận có sống cuộc sống của em, có trải qua mỗi ngày cùng em để hiểu chuyện gì đang xảy ra chăng? Người ta vẫn gắn chữ “nhí” cho Chi mỗi khi gọi em là sao thì cũng tự thừa nhận độ tuổi của Chi còn bé qua. Chi không trải đời được bao nhiêu, Chi vẫn còn trong sự bao bọc của gia đình nhưng đã có ý thức kiếm tiền phụ ba mẹ, vậy là ngoan là giỏi hơn những đứa trẻ khác. Đừng áp đặt suy nghĩ người lớn lên một cô bé mới 14 tuổi. Cô út và bố mẹ Chi ơi, chuyện gia đình hãy giải quyết trong khuôn khổ gia đình, đừng trút cơn giận lên một cô bé để nó bị cả xã hội mắng chửi không thương tiếc, ngập ngụa trong thị phi chỉ để thoả mãn tiền bạc của riêng mình. Tội lắm người ơi!
Theo Lam Khánh/GĐVN