|
Dàn diễn viên “Zippo, mù tạt và em”. |
Nhiều phim truyền hình lẫn điện ảnh Việt xuất hiện gần đây mang đậm màu sắc phim Hàn Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại của giới chuyên môn và công chúng yêu điện ảnh nước nhà rằng phim Việt sẽ bị Hàn hóa.
Phủ sóng từ truyền hình đến điện ảnh
Sau thành công của phần đầu, phần 2 phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” vừa ra mắt và nhận được sự chào đón tích cực của khán giả. Vì là sản phẩm hợp tác giữa Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và hãng CJ E&M của Hàn Quốc nên phim được đóng mác Hàn Quốc nhiều hơn.
Trước khi “Tuổi thành xuân” 2 ra mắt, phim “Zippo, mù tạt và em” (đạo diễn: Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy, cũng do VFC sản xuất) gây chú ý dư luận bởi câu chuyện tình tay ba. Điều đáng nói là chuyện tình tay ba trong phim này không khác gì những câu chuyện tình thường thấy ở các phim Hàn trước đây.
Một phim truyền hình Việt nhưng lại khiến người xem nhìn ra “kiểu Hàn” là vấn đề đáng lo ngại. Gần đây, phim điện ảnh cũng có không ít sản phẩm mang màu sắc “kim chi”, thể hiện rõ nhất qua “4 năm 2 chàng 1 tình yêu”, “Sứ mệnh trái tim”... Sau bộ phim làm lại kịch bản của Hàn Quốc rất ăn khách “Em là bà nội của anh”, xu hướng phim điện ảnh Việt bị Hàn hóa đang gia tăng.
|
Phim “Zippo, mù tạt và em” có kịch bản đậm chất Hàn. (Ảnh cắt từ phim) |
“Chuyện lo ngại phim Việt bị Hàn hóa không phải bây giờ mới có. Trước đây, khi dự án phim “Mùi ngò gai” ra mắt, tôi từng cảnh báo coi chừng phở có mùi kim chi. Hiện nay, mùi kim chi còn đậm đặc hơn, nhất là qua phim “Zippo, mù tạt và em”. Phim Việt mang hơi hướng Hàn Quốc trước đây không phải khán giả nào cũng tinh ý nhận ra nhưng nay, họ dễ dàng nhận thấy hơn vì nó quá giống. Dù phim tạo thu hút, nhiều khán giả trẻ quan tâm nhưng việc này kéo dài dễ dẫn đến mất bản sắc Việt, nguy hiểm về lâu dài” - nhà báo, nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long lo ngại.
Cân bằng học hỏi - sao chép
Đạo diễn Minh Trương lý giải rằng đôi lúc nhà làm phim bị bế tắc ý tưởng, phải làm lại kịch bản phim ăn khách nước ngoài. Phim của những nước phương Tây có văn hóa khác biệt lớn nên các nền văn hóa xung quanh như Hàn Quốc, Trung Quốc được chọn lựa nhiều hơn.
“Nhà làm phim chọn phương pháp an toàn, phục vụ thị hiếu khán giả, thấy khán giả thích gì họ chiều theo. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi vì tuy văn hóa gần nhau nhưng cơ bản hai bên vẫn có sự khác biệt lớn về địa lý, môi trường sống và văn hóa không thể rập khuôn” - đạo diễn Minh Trương phân tích.
Nhiều người trong giới cho rằng những ảnh hưởng ban đầu có thể khó thấy và khán giả chỉ có cảm giác phim này, phim kia giống phim Hàn Quốc nhưng dần dần, độ ảnh hưởng sẽ tăng cao. Đến một lúc nào đó, phim Việt biến thành phim Hàn, muốn thay đổi cũng không dễ bởi ê-kíp làm phim, kịch bản và cả diễn viên đã mang màu sắc khác.
“Không chỉ kịch bản, diễn viên Việt cũng học tập và có cách diễn tương tự nước bạn. Nếu tinh ý, khi xem những phim truyền hình Việt gần đây sẽ thấy nhiều cảnh nhân vật nam nắm chặt tay nhân vật nữ lôi đi đầy mạnh bạo. Đây là kiểu diễn của phim Hàn. Kiểu diễn chạy đến ôm bạn gái hoặc bạn trai từ phía sau lưng cũng vậy” - nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long dẫn chứng.
Với tư cách Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, bà Long cho rằng giải pháp cho hiện trạng này là các nhà làm phim phải ngồi lại với nhau, cần có những buổi tọa đàm, hội thảo nhằm cân bằng giữa học hỏi và sao chép. Hiện tại, mạnh ai nấy làm, nhà làm phim chạy theo thị hiếu khán giả chứ không chủ động trong vai trò dẫn dắt. Thậm chí, một số đạo diễn còn tỏ ra tự hào khi làm được phim giống Hàn Quốc!
Theo đạo diễn Minh Trương, quay về với những kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm văn học, những vở kịch danh tiếng đậm chất Việt là giải pháp để phim Việt giảm bớt hiện trạng Hàn hóa. Những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được khán giả đón nhận nhiệt tình, mở đường cho nhiều dự án chuyển thể khác. Nếu tập trung vào kho tàng văn học phong phú của dân tộc và sáng tạo dựa trên nền tảng cốt lõi này thì sẽ không sợ mất màu phim Việt.
|
Cảnh trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. |
Nhiều ý kiến cho rằng cách tốt nhất là điện ảnh Việt nên phát triển nội lực, duy trì bản sắc văn hóa Việt trong phim. Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh nhìn nhận: “Đây chỉ là hiện tượng có tính nhất thời, các nhà làm phim chạy theo thị hiếu khán giả. Hiện tại, chúng ta chưa có tác phẩm nào mang tính định hướng khán giả nên đành phải chìu theo họ. Nếu muốn không bị ảnh hưởng bởi trào lưu phim Hàn, tôi nghĩ người làm nghề nên tự nỗ lực, học hỏi nhiều hơn, phát huy chất riêng của mình”.
Văn hóa Hàn “bao sân” làng giải trí Việt
Ngoài việc hợp tác sản xuất phim truyền hình, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn đang sở hữu khoảng 60% thị phần hệ thống rạp tại thị trường Việt Nam. Trong đó, Công ty CGV chiếm 40% hệ thống rạp trên toàn quốc, Lotte Cinema chiếm khoảng 20%.
Hàn Quốc cũng phối hợp với Việt Nam thực hiện các chương trình truyền hình thực tế, chứ không chỉ bán bản quyền chương trình để ê-kíp Việt chủ động sản xuất như các nước khác. Mới đây nhất, Lime Entertainments kết hợp với Đài Truyền hình SBS và HTV2 cùng Việt hóa chương trình “Con đến từ hành tinh nào?” đưa vào khai thác. SBS và HTV2 cho biết sắp tới, họ sẽ mở rộng sang talk show, game show..., thậm chí cả phim truyền hình.
Theo Minh Khuê /Người Lao Động