Xin lỗi có văn hóa là lời xin lỗi chân thành
- Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, lời xin lỗi, cảm ơn ngay từ tấm bé chúng ta đã được học và phép ứng xử này không còn xa lạ trong cuộc sống thường ngày. Theo ông, thế nào là một lời xin lỗi có văn hóa?
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Một lời xin lỗi có văn hóa trước hết phải là lời xin lỗi chân thành, lời xin lỗi đó không phụ thuộc vào tuổi tác, vị trí xã hội của người xin lỗi. Sau đó nó phải được thực hiện đúng lúc và đúng chỗ.
- Thuở nhỏ nói lời xin lỗi dễ dàng nhưng càng lớn dường như người Việt chúng ta càng khó nói lời xin lỗi, và trong xã hội hiện đại lời xin lỗi cũng dần ít hơn, vì sao vậy thưa ông?
- Điều đó không khó khăn để trả lời rằng: bởi hành xử văn hóa của con người trong xã hội ta đang một ngày một mất đi. Thay vào đó là càng ngày càng nhiều hơn hành động thiếu văn hóa và mang tính bạo lực khi con người có những va chạm hay bất đồng với nhau.
Trong xã hội hiện đại, sự gắn kết mang tính cộng đồng bị phá vỡ một cách nghiêm trọng ngay cả trong mỗi gia đình truyền thống Việt. Từ đó con người rơi vào chủ nghĩa ích kỷ và vô trách nhiệm. Khi người ta ích kỷ và vô trách nhiệm thì người ta không có ý thức chia sẻ hay tôn trọng nhau. Và xin lỗi chứa đựng trong hành vi của nó sự chia sẻ và tôn trọng con người.
|
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. (Ảnh: FBNV) |
- Cách đây không lâu, một học sinh lớp 11 đi đường vô tình va quệt làm vỡ gương ô tô đậu bên đường, không thấy chủ xe, cậu bé này đã để lại mảnh giấy dán lên kính xe ghi lời xin lỗi cùng số điện thoại hứa sẽ đền bù. Hành động này tưởng như rất bình thường lại được coi là hiện tượng. Điều này nên vui hay buồn thưa ông?
- Hành động này có lẽ chỉ trở thành bất bình thường ở xã hội Việt Nam hiện đại. Bởi chúng ta cũng được biết qua các phương tiện truyền thông đại chúng những câu chuyện tương tự như câu chuyện cậu bé nói trên ở nhiều nước trên thế giới. Và ở các nước khác trên thế giới kể cả các nước kém phát triển thì hành động đó là nguyên tắc sống và văn hóa sống của họ. Bởi thế khi chúng ta coi hành động bình thường đó là hiện tượng bất bình thường thì điều đó thật đáng buồn và lo sợ.
Có một tâm lý rất rõ trong đại đa số người Việt Nam hiện nay là họ cảm thấy ngại khi làm một việc gì đó tốt đẹp ở những nơi công cộng. Bởi hành động đầy ý thức trách nhiệm và nhân văn đó lại không được đám đông chia sẻ và ủng hộ mà lại bị coi như là những hành động xa lạ và lạc lõng.
Có không ít người đi nước ngoài về chia sẻ trải nhiệm của họ là khi hút xong một điếu thuốc họ không dám vứt mẩu thuốc bừa bãi xuống nơi công cộng vì hầu hết mọi người ở đó sẽ nhìn họ với con mắt kỳ lạ. Nhưng ở Việt Nam thì hầu hết mọi người đều tùy tiện vứt mẩu thuốc xuống nơi công cộng nên việc ai đó vứt mẩu thuốc xuống nơi công cộng cũng cảm thấy bình thường. Bởi hành động thiếu ý thức của họ được cả một cộng đồng thiếu ý thức gián tiếp “đồng tình và bảo vệ”. Điều này gián tiếp cho chúng ta thấy hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa đang thực sự tự do hoành hành trong xã hội chúng ta.
Lời xin lỗi của một số người còn chứa cả sự ngạo mạn
- Trong giới giải trí vừa qua có vô số lời xin lỗi: Trấn Thành xin lỗi sau vụ hài nhảm; Mỹ Tâm xin lỗi vì xài nhạc chùa không xin phép bài "Anh thì không" của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng; Minh Béo xin lỗi sau vụ ấu dâm bên Mỹ, Hương Giang Idol xin lỗi vì xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân... Nhìn vào những lời xin lỗi này ông có thấy điều gì bất thường?
- Tôi không tìm hiểu kỹ hết những hành động xin lỗi của các nghệ sĩ nói trên. Nhưng những gì tôi biết về việc một số nghệ sĩ xin lỗi đồng nghiệp hay xin lỗi công chúng là một sự không bình thường. Điều không bình thường là trong cách thức và ngôn ngữ xin lỗi của họ không thành thực.
Những nghệ sĩ đó đi tới hành động xin lỗi không phải bởi họ nhận ra lỗi hay hành vi thiếu văn hóa của họ mà bởi sức ép của dư luận. Họ xin lỗi nhằm dẹp đi dư luận bất bình của đồng nghiệp và xã hội. Trong lời xin lỗi của một số người còn chứa cả sự ngạo mạn, sự coi thường với người mà họ mắc lỗi hay với công chúng phản ứng hành động của họ.
Có người lên tiếng xin lỗi công chúng để xóa nhòa hay bình thường hóa lỗi của họ, bao biện cho hành vi thiếu văn hóa hay phạm tội của họ.
|
Hương Giang Idol gây phẫn nộ khi xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân trong chương trình "Siêu sao đoán chữ". (Ảnh: Zing) |
|
Nghệ sĩ Trung Dân đăng clip tha thứ cho sự cố vạ miệng của Hương Giang Idol và xin lỗi đã làm phiền khán giả. (Ảnh: clip) |
- Sau khi nghệ sĩ xin lỗi, có người nhận được sự cảm thông tha thứ, nhưng cũng có lời xin lỗi đã đổ thêm dầu vào lửa, càng khiến công chúng bất bình, theo ông vì sao vậy?
- Người mắc lỗi phải xin lỗi đối với một cá nhân hoặc đối với cả cộng đồng. Khi mắc lỗi như vậy là họ mắc lỗi lần thứ nhất. Nhưng khi lên tiếng xin lỗi với thái độ và mục đích như tôi nói ở trên thì họ mắc lỗi lần thứ hai. Lỗi lần thứ hai là lỗi của sự ngoan cố, của sự không chân thành và một lần nữa họ đã xúc phạm đến công chúng.
Theo tôi có ba lý do cơ bản: thứ nhất họ không nhận ra lỗi của mình, thứ hai họ cố tình bao che lỗi của mình và cuối cùng họ coi thường dư luận.
|
Minh Béo khóc lóc xin lỗi khán giả sau ồn ào phạm tội ấu dâm bên Mỹ đã bị ném đá vì giả tạo. (Ảnh: Clip) |
Nghệ sĩ xin lỗi không phải là một show diễn tiếp theo!
- Nhiều nghệ sĩ mặc hở hang đã phải xin lỗi như Hương Tràm, Thu Minh, Cao Thái Hà..., Hay như Hoa hậu Kỳ Duyên không ít lần phải xin lỗi vì bị lên án về lối sống không phù hợp như hút thuốc, chơi bóng cười. Thế nhưng các sao Việt này xin lỗi xong lại tái phạm, liệu những lời xin lỗi đó có còn giá trị thưa ông?
- Lời xin lỗi sẽ không có giá trị gì khi gia đình, đồng nghiệp và xã hội không nhận thấy họ có ý thức sửa chữa sau khi xin lỗi. Cũng có những lỗi không thể sửa chữa một lần là được. Chúng ta cũng nên hiểu rõ, chia sẻ và động viên họ. Nhưng ý thức sửa lỗi hay việc khó khăn trong sửa chữa lỗi hoàn toàn khác với sự bao biện và đánh lừa công chúng. Cho dù sớm hay muộn thì xã hội cũng nhận ra họ.
- Trong showbiz lời xin lỗi biến hóa khôn lường và đôi khi nó không được xử dụng với mục đích thông thường để xin lỗi? Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?
- Tôi đồng ý với ý kiến đó và chúng ta đang được chứng kiến sự thật về điều ấy trong đời sống. Lời xin lỗi phải thể hiện việc nhận ra sai lầm của mình chứ không phải là một show diễn tiếp theo. Nghệ thuật lớn nhất trên sân khấu là khả năng hóa thân, còn nghệ thuật lớn nhất trong cuộc sống là sự chân thành.
|
Trấn Thành từng phải xin lỗi vì diễn hài nhảm. (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
- Theo ông điều gì cần nhất khi một nghệ sĩ nói lời xin lỗi?
- Đối với tất cả mọi người chứ không riêng gì các nghệ sĩ thì điều cần nhất là sự chân thành khi xin lỗi và ý thức vượt qua những sai lầm của mình sau lời xin lỗi đó.
- Nghệ sĩ Trung Dân có chia sẻ rằng, để xảy ra sự việc Hương Giang Idol với phát ngôn thiếu chuẩn mực vừa qua xuất phát từ nền tảng văn hóa. Văn hóa của chúng ta đang có lỗ hổng rất lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
- Một lỗ hổng rất lớn trong văn hóa của chúng ta là sự thật. Văn hóa là nguyên nhân chính dẫn đến mọi hành động phi văn hóa và phi nhân tính.
- Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát