Nghệ sĩ trong lực lượng công an được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
Nghệ sĩ Hương Dung là diễn viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân. Chị cũng là gương mặt từ lâu đã trở nên thân thiết với khán gián giả truyền hình cả nước.
Nghệ sĩ Hương Dung sinh ra ở Thái Bình và lớn lên ở vùng mỏ Quảng Ninh. Trước khi trở thành nữ chiến sĩ Công an TP Hải Phòng, chị là văn công của Quân khu 3. Có lẽ cuộc sống của chị không có nhiều thay đổi nếu ngày ấy Bộ Nội vụ không có quyết định thành lập Đoàn Nghệ thuật Bộ Nội vụ (nay là Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân) và bắt đầu tuyển các "hạt nhân" văn nghệ từ Công an các tỉnh.
Nghệ sĩ Hương Dung nghỉ hưu với quân hàm Đại úy theo chế độ 176. Ảnh: Sức khỏe Đời sống
Nghệ sĩ Hương Dung nghỉ hưu với quân hàm Đại úy theo chế độ 176. Nhưng nghỉ hưu không có nghĩa là nhàn rỗi, quẩn quanh với gia đình. Với sự bùng nổ của phim truyền hình, Hương Dung tham gia lồng tiếng cho phim với tần suất dày đặc, chuyên vào các vai nữ chính của hàng trăm bộ phim truyền hình. Với Hương Dung, Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân chính là cái nôi nghệ thuật, là nơi khai sinh lần thứ hai cho cái tên Hương Dung.
Ngày 6/3/2024, nghệ sĩ Hương Dung tới sự kiện trong bộ lễ phục của lực lượng Công an nhân dân. Chị chia sẻ với Dân Việt rằng mình rất vui mừng và hãnh diện khi được đứng ở sân khấu Nhà hát Lớn nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đại diện cho các nghệ sĩ thuộc lực lượng vũ trang: "Đặc thù của nghệ sĩ trong lực lượng công an rất khác với các đoàn ngoài. Ngoài việc phục vụ công chúng nói chung là nhân dân, chúng tôi còn phục vụ riêng cho ngành công an, từ các trại giam đến rừng núi, hải đảo. Đó đều là những nơi cần sự thử thách nhiều và lòng nhiệt huyết của những người làm nghệ thuật. Vì vậy, danh hiệu này là điều mà những nghệ sĩ trong ngành như Hương Dung rất trân trọng".
NSND Hương Dung là nghệ sĩ hội đủ cả thanh và sắc. Những năm 80 - 90 chị được xếp vào top người đẹp màn ảnh. Những vai chính của sân khấu thời đó liên tục gọi tên nghệ sĩ Hương Dung. Nhớ lại thời kỳ ấy, nữ nghệ sĩ gạo cội kể một kỷ niệm: "Năm 1991, NSND Xuân Huyền dựng vở kịch ngắn để dự thi Liên hoan sân khấu nhỏ ở Quảng Ninh. Thầy bảo, tôi rất bất ngờ vì Đoàn kịch Công an lại có diễn viên như Hương Dung, đưa ra yêu cầu 5 thì thực hiện hơn cả 10. Đặc biệt là giọng nói, nhấn nhả câu rất chắc, sắc nét. Các diễn viên nếu không nỗ lực thì chị Dung sẽ "vơ" hết các vai diễn.
NSND Hương Dung trong phim Săn bắt cướp. Ảnh: Sức khỏe đời sống
Ở lĩnh vực điện ảnh, những năm 90, Hương Dung tham gia bộ phim Săn bắt cướp cùng nhiều diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ như: Thương Tín, Lê Khanh, Trọng Trinh... Trong phim, chị đóng vai Hai Loan - người đến giờ khán giả vẫn ấn tượng với vai vợ thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phim truyền hình dài tập "Chạy án".
Nhiều năm sau này, nhắc đến Hương Dung, khán giả vẫn còn ấn tượng với vai diễn đã góp phần làm nên thành công của bộ phim Chạy án. Sau bộ phim này, NSND Hương Dung còn gây ấn tượng ở các phim: Của để dành, Chủ tịch tỉnh, Cầu vồng tình yêu, Người phán xử…
NSND Hương Dung trong phim Săn bắt cướp. Ảnh: Sức khỏe đời sống
Bên cạnh sự nghiệp diễn viên sân khấu, truyền hình, điện ảnh, NSND Hương Dung còn có dấu ấn khác biệt so với đồng nghiệp ở vai trò lồng tiếng. Thời phim truyền hình chưa thu tiếng đồng bộ, hầu như mở ti vi ra là gặp… giọng Hương Dung. Nhưng người ta nhớ đến Hương Dung trong vai trò lồng tiếng không phải vì chị "phủ sóng", mà bởi chất giọng dày, sáng, nội lực và rất đặc trưng. Nghe là nhận ra ngay Hương Dung.
Với chất giọng hiếm nên NSND Hương Dung khá đắt show lồng tiếng. Không chỉ giọng Bắc, Hương Dung còn nói được giọng vùng miền như người bản địa.
NSND Hương Dung là một trong số ít nghệ sĩ hội tụ cả thanh lẫn sắc. Ảnh: Sức khỏe đời sống
Chính vì vậy mà thời đó, lịch lồng tiếng của nghệ sĩ Hương Dung kín đến mức không có thời gian để ăn. Chị vừa là giọng lồng tiếng chủ đạo, vừa kiêm luôn vai trò "bà bầu", đạo diễn âm thanh cho các phim truyền hình, hoạt hình cho đến phim nước ngoài… Ngoài chịu trách nhiệm chính, chị còn đào tạo diễn viên lồng tiếng để đáp ứng nhu cầu của khán giả, nhất là ở thời điểm phim nước ngoài chuộng lồng tiếng chứ không phải thuyết minh như bây giờ. Như phim Osin, con gái đầu của chị 12 tuổi, Hà Duy khi đó mới 5 tuổi cũng được mẹ đào tạo trở thành diễn viên lồng tiếng cho vai con của Osin.
Ở tuổi ngoài 60, NSND Hương Dung vẫn miệt mài cống hiến
Nổi tiếng trên phim nhưng ngoài đời, NSND Hương Dung lại có cuộc sống khá kín tiếng. Được biết, cũng nhờ nghệ thuật chị mới gặp chồng - một diễn viên của Đoàn văn công Quân đội.
Ở độ tuổi ngoài 60, nữ nghệ sĩ vẫn miệt mài với công việc, thậm chí còn làm thêm nhiều việc khác. Bên cạnh đó, diễn viên phim Người phán xử dành thời gian làm vườn, chăm sóc thú cưng. NSND Hương Dung trải lòng: “Đó là thú vui giúp tôi giải tỏa những áp lực. Tôi ước thời gian mỗi ngày dài hơn để tôi làm những gì mình thích”.
Thời gian gần đây, NSND Hương Dung hiếm khi tham gia các dự án phim truyền hình. Gần nhất, chị đã không thể tham gia bộ phim Thương ngày nắng về do lịch trình làm việc bận rộn, khó có thể tham gia các vai diễn dài hơi.
"Hiện tại, tôi ở không cố định tại một nơi, thường di chuyển giữa Việt Nam và Australia, hoặc giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt khi sang Australia, ngoài việc sang thăm người thân, tôi cảm thấy sức khỏe của mình khá hợp với khí hậu bên đó. Người thân và bạn bè ở Australia khá đông nên tinh thần của tôi cũng rất thoải mái. Còn tại Việt Nam, tôi có khá nhiều việc liên quan đến các công tác xã hội. Chẳng hạn như tôi tham gia các chương trình của Hội cựu chiến binh, phát huy khả năng của mình trong việc dàn dựng các tiết mục văn hóa văn nghệ cho các bạn diễn viên, ca sĩ nghiệp dư....", NSND Hương Dung cho biết.
Bên cạnh đó, NSND Hương Dung tham gia công tác đào tạo các bạn diễn viên trẻ về tiếng nói, rèn luyện cách đài từ. "Tôi khá là tiếc vì gần đây đi xem các vở diễn, một số bạn trẻ đang khá yếu về đài từ trên sân khấu, cách nói ra sao, diễn đạt gãy gọn rành mạch như thế nào… Dù sao nghệ thuật cũng vẫn là đam mê của tôi", nữ nghệ sĩ chia sẻ với truyền thông.
Theo Thủy Vũ/ Dân Việt