- Anh “chốt hạ” thật chưa đấy vì tôi nhớ đã hơn 5 năm qua, năm nào anh cũng chia là ra Tết cưới vợ nhưng cuối cùng người hâm mộ vẫn cứ ngóng chờ?
- Lần này là thật, thật 100% (cười). Ra Tết chúng tôi sẽ tổ chức hôn lễ. Nhiều bạn bè biết tôi sắp kết thúc đời độc thân, gọi điện hoặc gặp mặt tôi đều cười phá lên. Anh Phú Đôn (nghệ sĩ Phú Đôn - PV) bảo tôi rằng: Hiếu khôn thêm 1 năm nữa so với anh. Có nghĩa là anh ấy kết hôn ở tuổi 45, còn tôi 46 tuổi sẽ kết thúc đời độc thân.
Còn anh Quốc Khánh (NSƯT Quốc Khánh) thì cười phá lên bảo: Hiếu đã khôn được 45 năm rồi, sao giờ lại dại thế? Anh Khánh còn bảo tôi, thế giờ nghệ sĩ phía Bắc, có khi còn mình anh là “ngôi sao cô đơn”.
-Vợ sắp cưới cùng cùng làm nghệ thuật với anh chứ?
- Không, cô ấy không làm gì liên quan tới lĩnh vực nghệ thuật. Cô ấy là nhân viên ngân hàng, hiện đang học tiếp cao học. Cô ấy còn trẻ mà, kém tôi 19 tuổi (cười). Chúng tôi yêu nhau cũng nhiều năm rồi.
- Anh giấu kỹ thật, yêu nhau nhiều năm như vậy mà chưa hình ảnh nào của anh và cô ấy bị lộ ra ngoài?
- À, thế này, cô ấy kém tôi 19 tuổi, cũng còn trẻ mà nên nhiều lúc cô ấy cũng chụp hình đưa lên trang cá nhân. Xong tôi cũng phải nịnh, phải dỗ dành mãi đấy rồi cô ấy không đưa nữa. Tôi bảo, chuyện của chúng mình thì tốt đẹp, chả có gì cả, nhưng người hiểu thì không sao, người không hiểu lại lời ra tiếng vào.
Tình cảm thì chỉ cần 2 người biết là đủ. Rồi cô ấy nghe, cũng không dùng mạng xã hội nhiều nữa, chỉ bạn bè rất thân thiết mới trao đổi kết bạn với nhau. Ngày lễ ngày Tết, chúng tôi cũng đi chơi với nhau nhiều, nhưng hình như không ai nhận ra nên chúng tôi không bị “lộ”.
Những lần đi chơi chung, bạn gái tôi toàn cười “đểu” tôi bảo: Mang tiếng người nổi tiếng, bảo phải giữ hình ảnh này nọ không muốn công chuyện tình cảm, sợ này sợ kia mà cuối cùng ra đường có ai nhận ra đâu. Lúc như thế, tôi chỉ cười trừ.
- Cơ duyên nào anh cưa đổ cô gái kém nhiều tuổi thế?
- Cái này bí mật, cánh mày râu có nhu cầu thì cứ hỏi trực tiếp tôi nhé (cười). Đùa vậy thôi chứ nói chung chuyện tình cảm là duyên số, khó nói lắm. Tôi cũng khá bận bịu, cặp đôi nào yêu nhau chẳng có lúc này lúc kia. Nhưng cô ấy rất hiền, ngoan và hiểu công việc của tôi. Yêu cô ấy, nói chung tôi không có khó khăn gì cả, chỉ khó mỗi việc sắp xếp thời gian đi chơi với nhau thôi (cười).
- Ra giêng, anh có quá nhiều kế hoạch, từ lấy vợ, thay đổi logo nhận diện nhà hát, chỉnh sửa lại sân khấu,...nhiều việc vậy anh có thấy mình bị quá tải từ khi nhậm chức Giám đốc?
- Cũng căng đấy, nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, tôi tin là như vậy. Tôi sắp làm xong nhận diện thương hiệu Nhà hát kịch Việt Nam, sẽ đơn giản thôi nhưng toát lên được sự sang trọng vốn có về kịch mục của nhà hát. Tôi cũng sẽ cho sửa sân khấu thành sân khấu xoay, có thể đảo theo ý muốn.
Đợt trước tôi có vào Sài Gòn, tôi thấy Nhà hát trường Đại học sân khấu TP.HCM, họ có sân khấu quay nhưng chỉ có một thớt xoay tròn thôi mà các cảnh đã rất sinh động, rất cuốn hút rồi. Tôi thấy quá hay, rồi đi tìm hiểu xem ai thiết kế sân khấu này nhưng đi vào mơ hồ, không thể tìm được vì thiết kế đã quá lâu rồi.
Về Hà Nội tôi vấn ấp ủ mãi. Cơ hội đến khi chúng tôi biết được cấp trên đồng ý cho sửa rạp. Tôi làm đề án sửa và được các cấp lãnh đạo chấp thuận. Tất nhiên còn nhiều hạng mục khác nhưng có hạng mục sửa sân khấu thành sân khấu xoay là tôi vui mừng rồi. Sân khấu giờ thực sự khó khăn, đạo diễn sân khấu giỏi thì ít quá.
Anh Tú vừa qua đời, tôi thực sự xót xa cho một tài năng. Nhìn quanh nhìn quẩn thì lứa đạo diễn sân khấu có nghề đã yếu rồi, có người đang làm vở cho tôi thì đi viện cấp cứu. Trong khi lứa đạo diễn giỏi như cố NSND Anh Tú thì ít quá. Cũng khó khăn đấy!.
- Sân khấu khó khăn, người thì nói đạo diễn đang thiếu, người lại bảo kịch bản hay không có, còn anh thì thấy thiếu gì, áp lực lớn nhất của anh hiện tại?
- Cả 2, thiếu cả đạo diễn lẫn kịch bản. Nhưng tôi tin trong khó khăn sẽ nảy ra những con người mới. Áp lực lớn nhất của tôi là làm sao lo cho đời sống của cán bộ diễn viên Nhà hát, cho diễn viên được diễn nhiều hơn, bảo vệ được thương hiệu của Nhà hát.
Năm qua, tôi cũng nhận được rất nhiều hợp đồng dựng các chương trình ở các tỉnh, anh em nghệ sĩ vì thế mà được đi diễn đều. Quan điểm của tôi là ai cũng phải được làm việc. Tôi rất tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ ra ngoài làm phim nhưng khi nhà hát có việc phải tập hợp hết. Rất may, các nghệ sĩ ở nhà hát ai cũng ứng xử rất thân thương dù ở ngoài họ “sao số” như thế nào, nhưng về nhà hát, họ đều chừng mừng và hết lòng.
- Anh bảo, khó khăn sẽ nảy ra con người mới, ý tưởng mới, vậy anh có ý tưởng gì để Nhà hát trụ được trong tương lai?
- Bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi, chính là thay đổi hình tượng và mẫu nhân vật từng đóng của mình. Trước kia, khoảng thời gian từ năm 1993, tôi toàn đóng những vai hiền hiền thiệt thòi trong cuộc sống. Đến năm 1998, tôi được giao vai TGD – một con người đầy gian xảo trong vở Ảo vọng. Tôi lo lắng lắm bởi sợ mất hình ảnh của mình. Nhưng được sự động viên của các nghệ sĩ trong nhà hát, tôi đỡ căng thẳng.
Sau đó, năm 2003 tôi được mời vào vai phản diện Khang trong Đường đời. Đạo diễn Quốc Trọng đưa tôi kịch bản, tôi đọc liền mấy đêm liền thấy số phận của Khang đấy sóng gió. Tôi nhận lời, anh Trọng cười như được mùa bảo: Phải thế, phải vượt qua chính mình. Nếu chọn nhân vật có gương mặt đểu sẵn, khán giả sẽ không thuyết phục, anh chọn tôi. Bộ phim sau đó rất hot. Tôi còn được báo chí bình chọn là nhân vật đáng ghét nhất năm.
Tôi lấy ví dụ cho bạn như vậy là để thấy rằng, chỉ có thay đổi một hình tượng trên sân khấu hay phim ảnh thôi, tôi cũng phải đắn đo và nhận được sự động viên không nhỏ từ đồng nghiệp. Nên tương lai, tôi có nhiều ý tưởng lắm, chắc cũng phải khó khăn và cần sự giúp đỡ.
Tình Lê/ Vietnamnet