Tất tả giữa bệnh viện và nhà
Hẹn gặp NSND Quốc Trị thời gian này khá khó. Anh bận rộn, tất tả đi lại từ nhà ra bệnh viện Bạch Mai rồi đến Nhà hát kịch nói Quân đội. Từ làm “ông nội trợ”, làm xe “ôm” cho vợ đến “trợ lý” cho bác sỹ, việc gì Quốc Trị cũng hoàn thành. Nhiều việc cùng lúc dồn lên vai người nghệ sỹ đã bước qua tuổi ngũ tuần khiến gương mặt anh vốn đã khắc khổ giờ thêm khắc khổ hơn. Quốc Trị bảo: “Nhà có hai cô con gái nhưng lại lấy chồng và ở xa nên tôi vẫn xác định mình tự lo là chính. Khó khăn nhưng tôi vẫn gắng sức, miễn sao vợ tôi cảm thấy được chăm sóc, thương yêu hết mực, các con yên tâm công tác, lo cho cuộc sống gia đình nhỏ của mình”.
|
NSND Quốc Trị không mấy khi được “ăn sung mặc sướng” trên phim ảnh cũng như trên sân khấu. |
Hơn một năm vợ mắc bệnh nan y, anh từ chối mọi lời mời đóng phim. Quốc Trị không đi diễn đồng nghĩa với việc thu nhập không còn dư dả, trong khi, chi phí điều trị bệnh cho vợ anh rất tốn kém. Dù ăn lương Đại tá quân đội và bảo hiểm đã chi trả một phần nhưng khó khăn về kinh tế mà Quốc Trị đang gặp phải là điều khó tránh khỏi. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, sự động viên của người thân, anh vẫn đang cố gắng để vừa làm tròn vai trò trụ cột trong gia đình, vừa đảm nhiệm trọng trách của một diễn viên gạo cội trong nhà hát.
Vai diễn nào của Quốc Trị cũng lôi thôi lếch thếch, từ anh bán cháo lòng tiết canh cho đến ông đạp xích lô, trên phim ảnh cũng như trong các vở kịch nói. Dường như chưa bao giờ Quốc Trị được “ăn sung mặc sướng” trên phim, trên kịch. Đến nỗi, bạn anh, một doanh nhân thành đạt từng vỗ vai Quốc Trị mà rằng “Sao ông cứ đóng mãi vai khổ thế. Không chuyển sang làm cái gì đó tươi mới hơn được à?”. Quốc Trị đáp lại “Nhờ các vai diễn, tôi đã được sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời. Dù là khổ đi nữa, tôi vẫn thấy hạnh phúc”.
Vai diễn nó vận vào thân
Nhưng dường như vì diễn quá nhiều các vai “khổ” nên cái khó đã vận vào cuộc đời anh. Sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em, 16 tuổi Quốc Trị đã bắt đầu cuộc sống tự lập. Hôn nhân đầu tan vỡ, mãi đến 10 năm sau, Quốc Trị mới tái hôn. Khi chỉ còn 2 năm nữa sẽ nghỉ hưu, Quốc Trị lại đón nhận tin dữ về bệnh tình của vợ. Anh buồn buồn kể: “Âu cũng là cái số, tôi có tránh cũng không thoát được cái khổ”.
|
Một cảnh trong bộ phim “Những công dân tập thể”. |
Đi qua lam lũ, biến cố trong cuộc đời, Quốc Trị có được cái nhìn nhân ái và bình thản trước mọi việc. Là nghệ sỹ duy nhất của Nhà hát Kịch nói Quân đội được phong tặng danh hiệu NSND, Quốc Trị nhận được sự tín nhiệm đặc biệt của Ban giám đốc nhà hát. Vở diễn nào, cái tên Quốc Trị cũng được nghĩ đến đầu tiên. Nhưng anh đều tìm cách từ chối, nhường đất cho các diễn viên trẻ. Chỉ những vở không còn đường lui, anh mới “xuất đầu lộ diện”. Có lẽ, nhờ lối sống khiêm nhường đó mà Quốc Trị nhận được nhiều tình cảm yêu mến của lớp diễn viên trẻ.
Vở kịch mới “Tóc mây Lèn Hà” do các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn là tác phẩm đầu tay của anh trong vai trò đạo diễn. Quốc Trị cho biết, đấy chỉ là một vai đóng thế mà anh phải đảm nhận khi đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang không được khỏe. “Tóc mây Lèn Hà” là một khúc tráng ca về sự hy sinh của 13 chiến sỹ thông tin liên lạc thuộc trạm cơ vụ A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Binh chủng thông tin. Do các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn, tác phẩm sẽ tham dự cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 diễn ra vào cuối tháng 6-2015 tại Thanh Hóa.
>>> Xem clip giới thiệu bộ phim "Những công dân tập thể":
Theo An Ninh Thủ Đô