Mất tên Hương Bông vì vai mẹ chồng
- Thưa NSND Lan Hương, vai mẹ chồng trong phim "Sống chung với mẹ chồng" có phải là vai diễn tâm đắc của bà?
- Với tôi, vai diễn nào tôi cũng tâm đắc. Một người sống tâm huyết với nghề thì vai nào cũng phải làm đến nơi đến chốn, phải dành hết tình yêu cho nó thì mới làm tốt được. Với vai mẹ chồng này cũng vậy. Đây còn là vai diễn đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi vì tôi vừa nhận sổ hưu xong.
- Khi xem lại bà có thấy hài lòng với diễn xuất của mình trong phim?
- Trong cả cuộc đời diễn viên chưa có vai diễn nào tôi cảm thấy bằng lòng. Vai nào khi xem lại mình cũng thấy tiếc nuối, nếu được làm lại mình sẽ làm thế này thế kia tốt hơn. Sự học hỏi của con người là vô tận. Cũng chính vì thế mà cái nghề của mình mới tiến bộ được.
- Bộ phim đã phát sóng được một nửa, bà nhận được phản hồi thế nào về vai diễn mẹ chồng ghê gớm của mình trong phim?
- Nhà tôi và cả khu phố ai cũng xem Sống chung với mẹ chồng. Mọi người thấy thú vị về vai diễn của tôi. Người biết tôi ở ngoài đời sẽ nghĩ đó là một vai diễn vui chứ không có gì ghê gớm.
Khi bộ phim này phát sóng nhiều khán giả gọi điện cho tôi. Có cô bé trong Sài Gòn gọi điện nói: “Trời ơi ở ngoài bà hiền lành thế mà lên phim bà dữ dằn vậy”. Trước đây tôi cảm nhận được mọi người yêu mến mình một cách thầm lặng, còn bây giờ mỗi khi đi ra ngoài mọi người thấy lại reo “A mẹ chồng, mẹ chồng đây rồi”.
|
NSND Lan Hương (Ảnh: VTV) |
Đợt nghỉ lễ 30/4 tôi vào Sài Gòn công tác, có cậu lái taxi bảo không thích xem phim Việt nhưng thấy mẹ và vợ xem "Sống chung với mẹ chồng" nhiều quá nên cũng xem và tấm tắc khen hay. Lúc đến nơi cậu ấy dứt khoát không lấy tiền taxi. Mấy bạn xe ôm, taxi ngoài Hà Nội cũng vậy, cứ bảo “Cô ơi, hôm nay cháu không ngờ là được chở mẹ chồng”. Các bạn xin chụp ảnh và xin miễn phí chuyến đi. Những lần như vậy tôi đều từ chối, rằng các bạn đi xe thì phải đổ xăng, phải lấy tiền chứ. Còn yêu mến cứ xem phim là tôi thấy vui lắm rồi.
Sau phim này mọi người không gọi tôi là Hương Bông nữa mà toàn gọi “mẹ chồng”, hoặc bà Phương. Có lẽ mọi người quên mất tên mình. (cười) Nhiều khi đi ra đường bịt mặt, đeo kính kín mít mà mọi người vẫn nhận ra, nên giờ đến chỗ đám đông tôi cũng ngại ngại đấy.
- Còn NSƯT Đỗ Kỷ - chồng bà thì nhận xét ra sao về vai diễn của vợ?
- Hai vợ chồng trong nghề nên cũng thường trao đổi với nhau. Với vai mẹ chồng này, anh ấy cũng góp ý, ví dụ chỗ này diễn hơi quá, chỗ kia nên diễn thế kia. Bới vậy chưa bao giờ tôi hài lòng với các vai diễn của mình. Nếu được làm lại tôi vẫn muốn chỉnh sửa cho tròn trịa, tinh tế hơn.
- Bà có thể lý giải vì sao bộ phim tạo được sức hút như vậy?
Mỗi bộ phim có một đối tượng khán giả nhất định, nhưng với phim Sống chung với mẹ chồng thì khác, khán giả rất đa dạng. Phim thu hút không chỉ bởi chủ đề mẹ chồng – nàng dâu là câu chuyện muôn thuở, mà khi xem phim này hầu như ai cũng tìm thấy một phần hình ảnh của mình trong đó.
Bộ phim phản ánh cuộc sống một cách chân thực, các diễn viên diễn mà như không diễn. Nhiều bạn xem phim nói rằng chuyện ở nhà cháu giống y như vậy. Trong xã hội cũng có nhiều người như bà mẹ chồng, tất nhiên không giống hoàn toàn, nhưng có những nét này nét kia giống. Hoặc trong hoàn cảnh đó thì cách người ta xử xự như vậy.
Ngoài ra, ngay từ khi bộ phim phát sóng, khán giả đã phân thành hai luồng, người bênh vực mẹ chồng, người bênh những cô con dâu. Chính điều này cũng tạo nên hiệu ứng giúp bộ phim gây chú ý trên mạng.
|
Diễn viên Bảo Thanh và NSND Lan Hương ngoài đời. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bà Phương trong phim không phải người xấu…
- Đóng đinh với những vai hiền lành, đôn hậu, bà gặp khó khăn gì khi vào vai mẹ chồng ghê gớm trong phim?
- Vai mẹ chồng này nó khác với bản thân mình nên tôi phải tìm tòi, để tâm nhiều hơn trong lúc làm việc, sức lực bỏ ra nhiều hơn, sự cố gắng nỗ lực cũng cần phải nhiều hơn.
Tôi từng nói vui với đạo diễn Vũ Trường Khoa, vai mẹ chồng này không chỉ dùng trí mà còn phải dùng cả lực khi diễn. Vì bà này nói năng rất to, mình thì đang quen nói nhỏ tự dưng cứ phải nói to tướng lên, nên rất mệt. (cười)
- Trong phim, hình ảnh bà Phương với tóc xoăn, đeo kính, gương mặt cúi, gườm gườm gây ấn tượng mạnh mẽ. Ý tưởng tạo hình nhân vật là do ai đề xuất, thưa NSND Lan Hương?
- Kiểu tóc xoăn đó là do tôi nghĩ ra. Khi đọc kịch bản tôi nói với đạo diễn Vũ Trường Khoa là ngoại hình cho bà mẹ chồng cần đặc biệt một chút. Lúc ngồi trong phòng lồng tiếng cho một phim khác, tôi bảo bạn hóa trang mang máy làm tóc làm thử cho tôi kiểu tóc xoăn rồi chụp vào điện thoại gửi cho đạo diễn xem thử. Cậu ấy đồng ý, thế là lúc quay làm y chang kiểu tóc như vậy. Hôm nào đi diễn tôi cũng đến sớm trước 1, 2 tiếng đồng hồ để hóa trang.
Không chỉ kiểu tóc, đeo kính, nhân vật bà Phương còn có dáng đi tất tưởi, lúc nào cũng vội vàng, chưa bao giờ thấy bà ấy thong dong. Đấy là kiểu người hay lo toan cho chồng con.
|
Hình ảnh bà mẹ chồng gây sốt trong phim "Sống chung với mẹ chồng". (Ảnh: VTV) |
- Có nhiều ý kiến trái chiều về vai bà Phương, cá nhân NSND Lan Hương, bà thấy nhân vật này thế nào?
Trong phim, nhân vật nào cũng có mặt tốt mặt xấu, chỉ là cách yêu thương và quan tâm đến người khác của mỗi người chưa hợp lý. Bà Phương không phải là người xấu nhưng vô tâm. Bà ấy rất thật, nghĩ sao nói vậy chứ không màu mè, nhưng bà ấy không biết những lời nói tưng tưng ấy làm tổn thương người khác.
Điểm xuất phát của bà Phương là tốt, luôn tiết kiệm, vun vén cho gia đình, mặc thì mặc đồ xấu, ăn thì miếng ngon gắp cho chồng con. Cái dở của bà ấy là không biết cách sống, cách ứng xử nên thành người khổ.
Trong phim cô con dâu Minh Vân cũng rất điển hình cho lớp trẻ. Các cô gái bây giờ cũng đi làm, họ độc lập kinh tế, có chính kiến, thế nhưng nhiều khi các bạn giữ cái tôi của mình quá lớn và mang cái tôi ấy về gia đình nên xảy ra xung đột.
Thêm nữa sự khác nhau giữa các thế hệ càng khó có sự hòa hợp. Là người lớn, không nên nghĩ mình lúc nào cũng đúng, mà phải mở lòng ra với lớp trẻ. Khi nhìn nhau bằng con mắt bao dung, nhẹ nhàng thì sẽ không có mâu thuẫn.
- Sống chung với mẹ chồng được thực hiện theo nguyên tác từ tiểu thuyết Trung Quốc, khi diễn bà có đóng góp thêm gì cho vai diễn của mình thuần Việt hơn?
May mắn tôi chưa từng đọc nguyên tác. Khi xem kịch bản tôi thấy phim đậm chất Việt và khi diễn, tôi diễn kiểu Việt, làm theo cách nghĩ của mình.
Tôi và đạo diễn cũng có chỉnh sửa một chút lời thoại để ngôn ngữ phim hiện đại, mang hơi thở của cuộc sống. Ví dụ cảnh về quê lúc chia tay người bà nội cả nhà cứ líu ríu, bà mẹ chồng bảo: “Gớm một năm chả về tới mấy vấn...”. Nếu để ý, khán giả sẽ thấy lời thoại của phim giống hệt cuộc sống thường ngày.
Với vai mẹ chồng này, tôi muốn đưa đến cho khán giả một nhân vật để khán giả ghét, có ghét mới nhớ lâu, để không ứng xử như vậy. Vai diễn cũng như một lời góp ý nhẹ nhàng tới những người mẹ chồng.
- Bà có thể tiết lộ cát-sê phim Sống chung với mẹ chồng?
- Cát-sê của phim truyền hình Việt không cao, người nào làm nghề nếu chỉ trông vào cát-sê thì tiêu vèo mấy ngày là hết rồi. Diễn viên cả năm xuất hiện trên vô tuyến nhưng chắc hỏi cát-sê không ai dám trả lời.
Nghề diễn chưa bao giờ là dễ, nó cực nhọc và khó khăn. Thậm chí còn phải lấy ngắn nuôi dài, làm nhiều công việc khác nhau để nuôi nghề. Làm nghề diễn chỉ để lướt qua phim thì dễ nhưng để đọng lại trong lòng khán giả thì là cả một thử thách.
- Xin cảm ơn NSND Lan Hương về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát