>>> Mời quý độc giả xem trailer phim "Bão qua làng" có sự góp mặt của nghệ sĩ Trần Hạnh và Công Lý. Nguồn Youtube: |
|
Sở VHTT Hà Nội vừa công bố danh sách xét tặng NSND, NSƯT năm 2018. Đợt này có 12 người đủ điều kiện đề nghị xét tặng Nghệ sĩ nhân dân, trong đó có Công Lý (Trưởng đoàn diễn 2 - Nhà hát kịch Hà Nội). Nghệ sĩ Trần Hạnh (diễn viên đã nghỉ hưu của Nhà hát kịch Hà Nội) được đặc cách xét tặng.
Trước thông tin Công Lý và nghệ sĩ Trần Hạnh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, chia sẻ với Kiến Thức, NSND Hoàng Dũng - ông trùm Phan Quân trong phim “Người phán xử” cho biết:
“Đây mới là danh sách thông qua hội đồng của Sở VHTT Hà Nội, còn phải thông qua rất nhiều hội đồng: Hội đồng của thành phố Hà Nội, Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng nhà nước. Sau đó, mới đưa lên văn phòng của Chủ tịch nước. Vậy nên chưa chắc chắn được điều gì, nhưng cá nhân tôi thấy họ xứng đáng”.
|
NSND Hoàng Dũng. Ảnh: TTVH |
Từng giữ chức Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội (2007 – 2017), NSND Hoàng Dũng chia sẻ: “Với nghệ sĩ Trần Hạnh, sau khi được phong danh hiệu NSƯT anh ấy không còn nhiều thành tích vì anh ấy không tham gia sân khấu nhiều, nhưng anh Hạnh tham gia thường xuyên bền bỉ trên phim. Đấy là nghệ sĩ rất xứng đáng. Còn Công Lý, hiện nay với giải thưởng của Công Lý, thì bạn ấy thừa rất nhiều rồi. Nên tôi thấy, Công Lý xứng đáng. Cả anh Trần Hạnh và Công Lý đều rất xứng đáng”.
Lý giải việc nghệ sĩ Trần Hạnh được đề nghị đặc cách xét tặng danh hiệu NSND, “ông trùm Phan Quân” bày tỏ: “Đặc cách bởi vì thiếu giải thưởng, thế nhưng với cống hiến như thế, nghệ sĩ Trần Hạnh xứng đáng được xét tặng. Giải thưởng cũng chỉ là một tiêu chí.
Một nghệ sĩ nổi tiếng phải gắn với các tác phẩm, vai diễn của anh có thể rất hay nhưng nó không nằm trong một giải thưởng, liên hoan nào cả sẽ không có giải thưởng, nhưng nếu mà anh thường xuyên tham gia có những vai nổi tiếng thì chắc chắn là sẽ được”. NSND Hoàng Dũng cũng nhấn mạnh: “Đừng ngại chữ đặc cách”.
|
Hình ảnh giản dị của nghệ sĩ Trần Hạnh ngoài đời. Ảnh: Nguyệt Cát |
Nhắc đến những trường hợp sau khi mất mới được xét tặng danh hiệu như trước đó, nghệ sĩ Hoàng Dũng chia sẻ: "Khi họ mất đi họ nhận được rất nhiều sự đồng tình của mọi người về việc xét tặng danh hiệu vì ai cũng thấy rằng họ không còn cơ hội để phấn đấu. Đấy cũng là một nét rất văn hoá của người Việt Nam. Đằng thẳng mà xét, một số trường hợp trước khi họ mất thì họ không đủ tiêu chí.
Trước đây tôi cũng nằm trong Hội đồng chuyên ngành, Hội đồng nghệ thuật của thành phố. Không phải bất cứ trường hợp nào cũng đủ điều kiện, thành tích chỉ là một tiêu chí. Ngoài thành tích còn có tiêu chí trung thành với tổ quốc, được công chúng ghi nhận...”.
4 tiêu chuẩn xét tặng NSƯT, NSND:
Theo Nghị định, các đối tượng được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" khi đạt 4 tiêu chuẩn:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.
3- Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên.
4- Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia.
Còn đối với danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", tiêu chuẩn về thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phải lâu hơn, từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú".
Nguyệt Cát