Tại sao những người trẻ của chúng ta mê Kpop? Đắm đuối với Kpop? Và Kpop mang lại lợi ích gì cho những người trẻ Việt Nam? Chúng ta cần suy nghĩ như thế nào sau những câu chuyện Kpop cũng như nghệ thuật, văn hóa Hàn Quốc trên đất nước chúng ta? Cùng với những khách mời của Văn hóa, Sự kiện & Nhân vật - Nhạc sĩ Quốc Trung, Nhà báo Đặng Hoàng Giang và Chu Minh Vũ - chúng ta có thể có được những câu trả lời
Nói về Kpop, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết góc nhìn của anh: “Tôi nghĩ về nghệ thuật, giải trí chúng ta cũng nên nói nhiều về định hướng. Tức là chúng ta định hướng để tạo ra một lớp khán giả cho nghệ thuật mà chúng ta sẽ phát triển”.
“Tôi biết đa số những nghệ sĩ nổi tiếng của Kpop của Hàn Quốc họ có thể khổ luyện nhưng về mặt tài năng âm nhạc, đứng về mặt chuyên môn, tôi có thể khẳng định họ gần như không có tài năng. Họ có thể nhảy rất giỏi nhưng tôi biết chắc chắn họ hát lip-sync. Toàn bộ show biểu diễn của những ngôi sao Hàn Quốc tại Việt Nam đều lip-sync - lip-sync một cách khéo léo”.
“Họ vẫn bật multitrack giống như là đã thu trực tiếp từ sân khấu” – nhạc sĩ Quốc Trung nói tiếp – “Họ bật ngược lại và họ cũng mix, họ hát đè lên trên đó rồi họ làm rất nhiều thủ thuật khác nhưng thật ra là họ không hát”.
Tuy nhiên, vị nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam ngừng lại, sau đó anh cười: “Giới trẻ của chúng ta cũng không cần thiết biết những chuyện đấy. Các bạn trẻ đến đấy hoàn toàn để xem họ trình diễn và đến xem để muốn sống trong cái cộng đồng ấy”.
Nói về suy nghĩ của anh khi nhiều khán giả trẻ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền thực hiện những chuyến bay để được gặp thần tượng, xem những show trình diễn, nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ: “Đối với tôi, trẻ em hay người lớn phải bay hàng nghìn cây số, bỏ ra rất nhiều tiền để xem một show diễn ấy, sẽ là rất đáng mừng nếu là cho âm nhạc nhưng lại không đáng mừng chút nào khi nó rơi vào Kpop. Bởi vì nếu các bạn ấy bay hàng nghìn km để xem những cái âm nhạc, kể cả giải trí như Madonna thì tôi vẫn nghĩ nó có lợi hơn. Có thể tôi là người làm về chuyên môn nên tôi nhìn thế”.
Nhận xét về môi trường âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: “Chúng ta không có môi trường và thị trường cho âm nhạc”.
“Nghệ sĩ của chúng ta nghèo về sự sáng tạo, nghèo về môi trường hoạt động. Chúng ta có quá ít sự chọn lựa cho khán giả, cho giới trẻ… Chúng ta quen thói tư duy về văn hóa nghệ thuật từ thời bao cấp là âm nhạc, nghệ thuật luôn luôn phải cống hiến, nhạc sĩ sáng tác ra thì bỏ lên mạng cho mọi người cùng nghe và như thế là hạnh phúc rồi. Tất cả những sự duy lý trí ấy nó tạo ra những bất cập như sự háo danh, thói chộp giật…”.
Theo VTV