>>> Mời quý độc giả xem video "Phạm Anh Khoa xin lỗi sau ồn ào bị tố gạ tình". Nguồn Zing: |
|
Lùm xùm Phạm Anh Khoa bị 3 cô gái tố gạ tình khiến showbiz rúng động. Sau hành động né tránh, bao biện và bị chỉ trích dữ dội, hiện tại, nam ca sĩ đã cúi đầu xin lỗi. Phạm Anh Khoa, đại diện truyền thông của nam ca sĩ và CSAGA đã sai ở đâu trong việc giúp nam rocker xử lý khủng hoảng khi đối mặt scandal? Kiến Thức đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ, nhà báo Hàn Vũ Linh để làm rõ vấn đề này.
|
Nhạc sĩ, nhà báo Hàn Vũ Linh. Ảnh: NVCC |
“Lời xin lỗi lần 2 của Phạm Anh Khoa rất tích cực”
- Sau chuỗi ngày dính scandal bị tố gạ tình, Phạm Anh Khoa đã cúi đầu nhận sai và xin lỗi các cô gái là nạn nhân, cũng như xin lỗi khán giả. Cá nhân anh, anh đánh giá thế nào về lời xin lỗi lần thứ 2 này của Phạm Anh Khoa?
- Nhạc sĩ, nhà báo Hàn Vũ Linh: Cá nhân tôi thấy lời xin lỗi công khai của Phạm Anh Khoa trước báo giới và công chúng là rất tích cực. Thứ nhất là tích cực với cá nhân Khoa, thứ hai là các nạn nhân và lời xin lỗi này đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
Lần thứ nhất Phạm Anh Khoa đã không thừa nhận câu chuyện gạ tình, đặc biệt là mượn công cụ truyền thông là một tổ chức phi chính phủ để tiếp tục bao biện, không thừa nhận cái sai, né tránh vấn đề, thậm chí còn đính kèm theo một số phát ngôn gây sốc…
Còn lần này, Phạm Anh Khoa đã chủ động đưa ra lời xin lỗi. Tôi nghĩ có lẽ trong nhận thức của Khoa đã có sự thay đổi lớn.
Anh ấy cũng đã thể hiện đúng chất của một rocker, dám làm dám chịu, dám đối mặt thừa nhận cái sai của mình. Lời xin lỗi ngắn gọn nhưng khá đầy đủ.
Với hành động nhận sai như vậy tôi hy vọng những người nghệ sĩ, đồng nghiệp, công chúng sẽ chấp nhận lời xin lỗi của Phạm Anh Khoa, có cái nhìn độ lượng hơn, cho anh ấy cơ hội sữa chữa sai lầm của mình.
- Nhưng giá như Phạm Anh Khoa đưa ra lời xin lỗi chân thành sớm hơn thì sự việc đã không đi quá xa!
- Thực ra có nhiều nguyên nhân khiến lúc đầu Phạm Anh Khoa không thừa nhận hành vi quấy rối. Thứ nhất, đó có thể là một thói quen ứng xử, cũng có thể do nhận thức, suy nghĩ chưa đúng trong vấn đề này.
Đôi khi hiện tượng quấy rối tình dục cũng rất khó khi phân tích trên thực tế. Quấy rối là đem lại rắc rối, trong trường hợp xác định đâu là quấy rối thuộc về “tình cảm” hay quấy rối thuộc về “tình dục” lại khá nhạy cảm. Người trong cuộc có thể mượn danh tình cảm, mượn câu chuyện đùa vui, vừa “thả thính”, bắn tín hiệu cho đối phương nhưng có hai tình huống, nếu một bên bắn tín hiệu nhưng bên kia chấp nhận, có thể vì tình cảm hoặc mục đích gì đó, thì không được coi là quấy rối. Còn nếu bên kia không chấp nhận hành vi đó thì nó lại bị coi là quấy rối…
Thực tế nhận thức một số người hiện nay có thói quen trăng hoa, thả thính, gạ tình bắn tín hiệu đến người khác hoặc nhiều người khác một lúc như vậy. Đôi khi một vài trường hợp được chấp nhận, họ coi hành vi đó là chuyện bình thường. Thậm chí còn nhận thức đó là tình cảm, là thỏa thuận tự nguyện nên không nghĩ mình đang tạo ra những sự khó chịu phiền hà, rắc rối cho ngươi khác trong mối quan hệ với mình.
Vì quấy rối thường xảy ra trong môi trường công việc, giao tiếp xã hội nên nạn nhân khi bị quấy rối thường có tâm lý bực mình, khó chịu, cảm thấy sự thiếu tôn trọng của đối phương nhưng họ không dễ dũng cảm tố cáo, nhất là người đó lại là sếp, là đối tác quan trọng trong quan hệ công việc. Người ta cứ phải tìm cách tự vệ hoặc né tránh hoặc phản ứng lại một cách khéo léo. Mặt khác tâm lý lo sợ nếu tố cáo mà không đủ bằng chứng, họ sẽ không được bảo vệ, có thể bị “phản pháo” là ngộ nhận là hoang tưởng, có thể sẽ phải nhận thêm “gạch đá” của những người xung quanh và dư luận nữa.
Do vậy câu chuyện Phạm Lịch tố cáo Phạm Anh Khoa, tôi cho rằng đây là hành động rất dũng cảm, kể cả khi những câu chuyện cô kể tưởng như vô bằng cớ, kể cả khi Phạm Anh Khoa dọa sẽ kiện cô. Còn với Phạm Anh Khoa thì sai lầm tiếp nối sai lầm cho đến khi chính anh phải chọn cách đối mặt và chấm dứt sự việc một cách đàng hoàng nhất.
|
Hình ảnh Phạm Anh Khoa cúi đầu xin lỗi. Ảnh: Zing |
“Câu nói của Phạm Anh Khoa đã khiến tôi rất sốc”
- Anh có nghĩ từ vụ Phạm Anh Khoa nhiều người sẽ phải giật mình, vì họ không biết thế nào là quấy rối tình dục và không biết hành động như vậy là quấy rối?
- Tôi cho rằng pháp luật không chỉ Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng khó có thể quy định được cụ thể, rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục và có đầy đủ căn cứ xử lý những hành vi đó. Thực tế trong các mối quan hệ giao tiếp, tình cảm những hành vi quấy rối luôn được núp dưới nhiều cái bóng khách quan mà chúng ta khó phân định. Ví dụ một cái nhìn “dâm ô” chẳng hạn có được coi là quấy rối không? Giữa các lời nói trêu đùa nhau xảy ra hàng ngày thì lời nào được coi là quấy rối?
Quấy rối chỉ được xác định từ phía người đứng ra tố cáo nên khó có sự ngăn chặn, hoặc tạo ra vùng cấm trong suy nghĩ từ phía người gây ra. Cái này các nhà làm luật cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, để pháp luật chặt chẽ hơn. Hiện nay chúng ta vẫn đang sử dụng công cụ đạo đức để tuyên truyền, phòng tránh những hành vi này là chính.
- Phạm Anh Khoa có nói môi trường hoạt động trong giới giải trí có tính đặc thù dễ gây phát sinh các hành vi quấy rối và có những hành động dễ khiến người ta hiểu nhầm đó là quấy rối, anh nghĩ sao về việc này? Nhất là câu nói của Phạm Anh Khoa trong showbiz “vỗ mông cũng là một cách chào hỏi”?
- Câu nói của
Phạm Anh Khoa mang tính bột phát và rất thiếu suy nghĩ. Cuộc nói chuyện của Phạm Anh Khoa và CSAGA cũng hoàn toàn không hợp bối cảnh, vụ việc nhất là trên truyền thông đại chúng. Cái hình tượng trong câu nói của Phạm Anh Khoa rất phản cảm, vì vậy tất cả giới nghệ sĩ đã phản ứng dữ dội và bản thân Khoa trong lời xin lỗi đã phải xin rút lại câu nói này.
Tôi cho rằng ở đâu cũng có người tốt người xấu, môi trường nào cũng có nguy cơ tiềm ẩn, nhất là nhịp sống nhanh, quá trình giao tiếp luôn có nhiều yếu tố chi phối lẫn nhau. Ở môi trường showbiz, hoạt động nghệ thuật là những công việc đem lại giá trị tinh thần lớn lao cho cả một xã hội chưa nói đến việc gìn giữ, bảo vệ, truyền bá văn hóa dân tộc cho các thế hệ.
Dù có thể có nhiều cám dỗ hơn, yêu cầu về sự tự kiểm soát của các cá nhân cao hơn nhất là khi họ đang giữ vai “thần tượng” của công chúng nhưng thực tế không nên xúc phạm những người làm nghệ thuật, nhất là có không ít nghệ sĩ đã hy sinh cả cuộc đời mình cống hiến cho nghệ thuật.
Nhiều diễn viên, họ phải đóng vai vợ chồng, có những cảnh quay nhạy cảm khi hóa thân nhân vật nhưng họ vẫn có gia đình, vẫn rất hạnh phúc đấy thôi. Nghệ sĩ chân chính vẫn luôn nhận được sự cảm thông về nghề nghiệp khi họ có tâm và thực sự cống hiến. Hành vi phản văn hóa trong giới nghệ sĩ chỉ được xem xét trong từng trường hợp cụ thể, không nên quy chụp bằng những câu nói đáng tiếc như vậy.
|
Nhạc sĩ Hàn Vũ Linh thấy tiếc cho Phạm Anh Khoa sau những lùm xùm. Ảnh: NVCC |
“Tôi thấy tiếc cho Phạm Anh Khoa”
- Theo anh, Phạm Anh Khoa đánh mất điều gì bởi scandal lần này?
- Phạm Anh Khoa đánh mất rất nhiều, trước hết là hình ảnh của một thần tượng. Rocker là hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, dám làm dám chịu, nhưng cách hành xử của Phạm Anh Khoa, của đội ngũ tư vấn truyền thông của Khoa phản ứng rất chậm khi sự việc xảy ra và liên tiếp mắc sai lầm.
Còn cái sai của CSAGA khi tư vấn cho Phạm Anh Khoa ở chỗ không làm anh ta đối mặt sự việc, thẳng thắn nhìn nhận sai lầm và nhận lỗi công khai. Mà một người chưa nhận lỗi, nhận sai về vấn đề mình đã làm thì làm thế nào đi đầu trong phong trào tuyên truyền, vận động người khác được. Ở một thời điểm, bối cảnh khác thì cách làm này mới có thể được coi là hợp lý hơn, một vài năm sau khi người trong cuộc đã có những thay đổi tích cực chẳng hạn. Cách giải quyết khủng hoảng này không chỉ làm mất thời gian mà còn tạo ra thêm khủng hoảng, nhất là sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận.
Tôi cho rằng Phạm Anh Khoa đã mất rất nhiều thời gian để đi đến một hành động hợp lý và thật may cuối cùng anh ấy cũng đã đến với hành động ấy. Hành động xin lỗi giúp Khoa lấy lại được một phần hình ảnh của mình. Còn từ lời nói đến hành động sửa sai đến đâu thì chúng ta cùng chờ vậy. Không chỉ với các nạn nhân mà với những người yêu mến, thần tượng Phạm Anh Khoa, anh ấy nợ họ, thậm chí là đang nợ chính bản thân mình một lời xin lỗi và cần có những hành động tích cực để sửa chữa sai lầm.
Tôi nghĩ Khoa là người có tài trong lĩnh vực âm nhạc, con đường nghệ thuật của anh ấy có thể sẽ còn tiến xa nữa. Những vấp váp, sai lầm lần này là bài học lớn với Phạm Anh Khoa để cho anh ấy trưởng thành hơn.
- Dính scandal lần này Phạm Anh Khoa bị hủy nhiều chương trình, hợp đồng. Chương trình Trời sinh một cặp cũng đã cắt phần hình ảnh của Phạm Anh Khoa… Có khả năng sự nghiệp trong thời gian sắp tới của nam ca sĩ sẽ bị đóng băng. Với tư cách là khán giả anh có tiếc cho Phạm Anh Khoa?
- Tất nhiên là rất tiếc cho Phạm Anh Khoa nhưng tôi tin con đường của Khoa vẫn đang ở phía trước. Nhân vô thập toàn, sai lầm không quan trọng bằng cách sửa chữa sai lầm. Công chúng rất rộng lượng, không đóng cửa với ai bao giờ, nhất là với những thần tượng yêu mến của mình. Chúng ta kỳ vọng sự quay lại của Phạm Anh Khoa một ngày nào đó sẽ tích cực hơn.
- Dưới góc nhìn của một người làm truyền thông, theo anh bài học rút ra từ việc xử lý khủng hoảng khi đối mặt scandal của các ngôi sao là gì?
- Dưới góc độ của một người làm báo chí, truyền thông chúng ta phải tôn trọng sự thật. Vấn đề ở đâu, gốc rễ ở đâu, sự thật là gì? Chúng ta không thể coi truyền thông là thứ vũ khí vạn năng để bóp méo sự thật được. Nếu là người tư vấn cho Phạm Anh Khoa, tôi sẽ tìm mọi cách để cậu ấy có lời xin lỗi nhanh và chuẩn xác nhất.
Còn nếu chúng ta coi truyền thông là vũ khí ảo, để theo mục đích không lành mạnh, không trong sáng, định hướng dư luận vào những sự việc không đúng sự thật truyền thông đó không bao giờ được lâu bền, thậm chí phản tác dụng. Đừng bao giờ suy nghĩ cộng đồng mạng chỉ là một cái chợ, mà trái lại cần phải lắng nghe, tôn trọng quan điểm, chính kiến của mọi người. Trong vấn đề xử lý khủng hoảng truyền thông việc quan trọng nhất là nhìn đúng sự thật, đối mặt sự việc và tôn trọng công chúng đó là cách xử lý khủng hoảng tốt nhất.
- Cảm ơn nhạc sĩ, nhà báo Hàn Vũ Linh về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát