Vào một ngày mưa muộn của tháng Mười, tôi dừng xe trước quán cá viên chiên của hai cô đào hát lô tô trứ danh một thời của gánh hát Hương Nam trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7. Đường sá mưa gió có chút ảm đạm nhưng vẫn có người ra kẻ vào. Yumi mặc một bộ đồ nền nã khác với dáng vẻ lộng lẫy ngày thường trên sân khấu cùng người chị em của mình là Bội Nhi chuẩn bị hàng mới để bán.
Yumi cùng Bội Nhi trong trang phục đơn giản tại nơi bán cá viên chiên
Hành trình “sống thật” đầy nước mắt
Yumi tên thật là Mai Quang Sang, sinh ra và lớn lên tại An Giang, cô gái 29 tuổi này đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi biết tính cách của mình không giống với dáng vẻ bên ngoài. Từ những năm còn học trung học, Yumi đã dịu dàng, tính tình nhỏ nhẹ, thích trang điểm, thích mặc váy như một đứa con gái. Lúc ấy, cô cũng không biết gì về việc chuyển giới, ngay cả giới tính của mình Yumi cũng rất mơ hồ, chỉ tự hỏi sao mình ra là con trai mà lại thích được làm con gái?
Đến khi thấy nhiều người giống mình sang Thái Lan để thực hiện giấc mơ “con gái”, Yumi bắt đầu nuôi ước mơ “đổi đời”. Suốt 7 năm làm nghề, Yumi chỉ biết dành dụm chứ không dám phung phí, ăn ngon mặc đẹp gì cả. Mỗi ngày trước khi ngủ, Yumi đều nhẩm tính số tiền mình có và mong chờ ngày mình được sống thật với bản thân.
Chạm ngõ đầu tiên cũng mơ thấy “con gái” là lúc Yumi biết đau là gì. “Em sửa ngực đến bảy lần, có mơ em cũng không nghĩ mình phải sửa nhiều lần như vậy, mỗi lần nhắc lại, em nhớ những lần đau mà chỉ muốn khóc”, cô đào lô tô vừa, vừa rưng rưng nước mắt chiếu.
Năm 2017, Yumi bắt đầu đi sửa ngực nhưng không như người khác sửa một lần, ngực Yumi mới sửa bị lỗi và sửa lại đến bảy lần. Yumi nhớ đến nỗi đau mình chịu đựng chỉ biết thầm cảm ơn trời vì mình vẫn còn sống. Đến năm 2019, khi gom góp đủ tiền, Yumi hát Thái để chuyển giới hoàn toàn. Từ đó, Yumi thực sự là một cô gái. Vừa ngồi sắp xếp những chuỗi cá viên, Yumi vừa cười gượng: “Em đau lắm nhưng nghĩ đến việc mình được trở thành một cô gái, không phải độn ngực, không phải “giả” gái là nỗi đau nào em cũng vượt được hết!”.
Ước mơ làm "con gái" của Yumi có thể nói là đã hoàn thành
Từ những ngày hát lô tô ở hội chợ đến niềm tự hào của mẹ
Từ khi biết giới tính thật của Yumi, mẹ cô lúc đầu có vẻ ái ngại nhưng vẫn luôn ủng hộ con mình và gọi cô là “con gái của mẹ”. Những đớn đau của mình, cô không dám nói với mẹ nhưng mẹ vẫn luôn gọi điện để hỏi Yumi rằng “Con gái mẹ ổn không?”.
Mẹ Yumi và ngôi nhà ở quê mà cô nuôi ước mơ được sửa sang lại
Cái duyên làm đào hát lô tô của Yumi cũng gian truân không kém quá trình chuyển giới. Năm 2011, Yumi bắt đầu đam mê sân khấu, khao khát được đứng hát dưới ánh đèn. Đến năm 2012, Yumi đi theo một đoàn lô tô ở tỉnh, làm những công việc lặt vặt cho đoàn rồi từ từ bước chân lên sân khấu, được mọi người gọi là bé Ti.
Đến năm 2017, khi Yumi đi casting và được nhận vào đoàn lô tô Hương Nam, từ đó sự nghiệp của cô bắt đầu có triển vọng. Yumi bắt đầu đi hát, luyện tập mỗi ngày để kĩ thuật nhuần nhuyễn hơn. Cô nhớ những ngày đi hát hội chợ, không có tiền mua tôn phải che bạt ngủ dưới sân khấu.
Yumi kể: “Lúc mới vừa bước chân vô nghề em còn ngủ dưới sân khấu, lúc mưa là phải che bạt, mà đâu có tiền để mua đồ “xịn”, mua tấm bạt có hơn 100 ngàn, em làm gì có tiền mua tôn, tôn tới 400 – 500 ngàn lận. Rồi lúc mưa to tấm bạt ụp xuống, cả người ướt hết như chuột lột. Lúc đó là ngồi co ro một góc, đợi hết mưa mới ngủ tiếp”, cô vừa kể, vừa ngậm ngùi tiếc nhớ.
Đoàn lô tô Hương Nam - nơi đưa tên tuổi Yumi vụt sáng
Ngày vào Sài Gòn, cô luôn mong muốn mình được sống với nghề. Rồi từ từ, bằng nổ lực của bản thân, cái tên Yumi bắt đầu được biết đến trong giới lô tô. Yumi xuất hiện trên sóng truyền hình, trên nhiều sân khấu lớn của miền Nam và cả ở Đà Nẵng. Giờ ngồi kể lại hành trình gian truân đó, cô thầm vui mừng vì cũng có chút tên tuổi và khiến mẹ tự hào chỉ vào màn hình tivi và nói - “con gái tôi đó”.
Mong muốn học một nghề ổn định để nuôi gia đình
Vào những ngày dịch COVID-19 đầu tiên, Yumi đã ấp ủ mong muốn kinh doanh một món ăn nào đó khi mà đoàn không có điểm diễn. Tính đi tính lại chỉ có món cá viên là dễ bán. Cô lên kế hoạch, chuẩn bị tiền bạc nhưng cuối cùng lại không làm vì không có ai san sẻ, gánh vát phụ công việc.
Sang đợt dịch thứ hai, người chị em thân thiết là Bội Nhi đồng ý cùng Yumi mở một xe cá viên chiên lề đường. Thế là hai chị em lấy tiền dành dụm, từ từ kinh doanh. Những ngày đầu khó khăn chật vật nhưng nhờ sự ủng hộ của bạn bè, những người quan tâm hai chị em mà khách kéo đến ngày một đông, chuyện kinh doanh cũng khá suôn sẻ. Duy chỉ có những ngày mưa, đường xá lụt lội, việc kinh doanh có chút ảm đạm.
Những ngày chưa dịch, đi diễn ở đâu cũng đông đúc
Yumi biết nghề lô tô không thể mãi mãi theo mình, việc kinh doanh cá viên chiên đến một ngày nào đó cũng sẽ không còn ổn định nên cô luôn mong muốn có thể học một nghề nào đó. Yumi kể: “Giờ em đang tích góp tiền để xây nhà cho mẹ, rồi đi học một nghề nào đó để sau này có nghề nghiệp ổn định, nuôi bản thân, nuôi gia đình. Ước mơ em nhỏ nhoi vậy thôi đó!”.
Khi nhắc đến chuyện yêu đương, Yumi càng nghẹn ngào: “Tình yêu của người chuyển giới mong manh lắm, em thấy nó như đám lục bình, cứ trôi dạt rồi bất ngờ đậu vào một nơi rồi lại trôi tiếp. Em thấy nam nữ yêu nhau, hạnh phúc đám cưới, sinh con đẻ cái, em ham lắm chứ nhưng mà tủi vì bản thân không trọn vẹn. Nói thật là đến giờ em còn chưa định nghĩa được tình yêu của người chuyển giới là như thế nào!”.
Thỉnh thoảng Yumi vẫn dành dụm tiền để tặng sách vở, quà bánh cho các em học sinh vùng sâu
Những dòng chia sẻ của Yumi làm tôi thấy thương cho những cô gái cả đời cơ cực chỉ để sống đúng với tâm tính và cả ngoại hình của một người con gái. Tôi tự hỏi ở ngoài kia, còn bao nhiêu cô gái như Yumi, không tìm được hạnh phúc để rồi cứ sống cuộc đời như lục bình lênh đênh.
Theo Ngọc Ngân/ Saostar