Nỗi buồn của Trà Giang, Quyền Linh trong ngày vui điện ảnh Việt Nam

Google News

NSND Trà Giang, diễn viên - MC Quyền Linh và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát có chung một nỗi buồn trong ngày hội lớn của các nghệ sĩ điện ảnh.

Nghệ sĩ điện ảnh nhiều thế hệ của hai miền Nam - Bắc hội ngộ sáng nay ở Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 70 Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bày tỏ niềm vui không trọn vẹn vì Hãng phim truyện Việt Nam - nơi khởi nguồn của các bộ phim cách mạng kinh điển bao năm nay vẫn trong tình trạng "sống dở chết dở". Bên lề sự kiện, VietNamNet ghi lại ý kiến trăn trở của những nghệ sĩ cả đời gắn bó với điện ảnh.
NSND Trà Giang: Nỗi buồn vẫn là ở Hãng phim truyện Việt Nam
Noi buon cua Tra Giang, Quyen Linh trong ngay vui dien anh Viet Nam
 
Trong ngày kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam này có cả niềm vui và nỗi buồn. Niềm vui là nhớ lại thời Bác Hồ quan tâm đến điện ảnh, mở đường cho điện ảnh Việt Nam phát triển. Như tôi bước vào ngành điện ảnh đã được 60 năm, đó là 60 năm không ngừng phấn đấu, theo như Bác nói: Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của mình.
Không chỉ Trà Giang mà cả những người trong Hãng phim truyện Việt Nam đã phấn đấu rất nhiều để có được những tác phẩm mà mọi người đã xem và ủng hộ, yêu thương nghệ sĩ. Kế tiếp niềm vui của thế hệ Trà Giang đi qua thì lớp trẻ bây giờ thực sự rất giỏi. Các em được làm việc trong điều kiện đất nước hòa bình, máy móc hiện đại. Ngày xưa về mặt kỹ thuật, chúng tôi làm việc rất vất vả để phục vụ cho nghệ thuật. Còn các em bây giờ có đủ phương tiện và điều kiện để phục vụ cho ý đồ của mình một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, nỗi buồn vẫn là ở Hãng phim truyện Việt Nam bởi sau khi cổ phần hóa, hãng không phát triển. Ai đến thăm cũng rơi nước mắt. Tôi quay lại hãng cách đây 3 ngày và không thể nói nên lời. Nhưng tôi nghĩ rồi một ngày nỗi buồn sẽ lắng xuống và tương lai lớp trẻ sẽ có điều kiện hơn. Tôi mong các em cố gắng trong các phim của mình nói lên được văn hóa, cuộc sống, tâm hồn của người Việt Nam vì thời đại nào cũng cần. Những bộ phim như thế sẽ tồn tại mãi mãi cho dù là 70 năm hay 100 năm.
Diễn viên, MC Quyền Linh - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Thiệt thòi lớn của anh em làm điện ảnh
Noi buon cua Tra Giang, Quyen Linh trong ngay vui dien anh Viet Nam-Hinh-2
 
Kỷ niệm 70 năm điện ảnh Việt Nam, ký ức lại ùa về, cái thời chúng tôi làm phim hoành tráng lắm, một phim có khi làm 1-2 năm mới hoàn thành. Bây giờ một thời đại mới, xu hướng mới, một thế hệ làm phim mới cập nhật các xu hướng hiện đại, tôi cho đó là một bước phát triển lớn. Tuy vậy, Quyền Linh và anh em nghệ sĩ vẫn mong cơ quan chức năng đầu tư, quan tâm nhiều hơn đến điện ảnh nước nhà.
Không khí vào rạp xem phim bây giờ mang tính thương mại nhiều quá, rạp chiếu của nhà nước gần như không còn. Đó là thiệt thòi rất lớn của các anh em làm điện ảnh. Vì làm phim phải lo chỗ chiếu đã mà rạp thì gần như xã hội hóa hết. Ngoài việc làm nghệ thuật, họ phải lo về kinh tế nữa vì cạnh tranh rạp chiếu, suất chiếu, rồi tỷ lệ ăn chia với rạp rất căng thẳng.
Với những người làm điện ảnh, khi không còn hãng phim lớn như Hãng phim truyện Việt Nam hay Hãng phim Giải Phóng, đó là một nỗi buồn lớn. Vì điều đó đồng nghĩa với việc không còn những bộ phim hoành tráng nữa. Các hãng phim tư nhân làm rất tốt việc của họ là cập nhật những cái mới nhất, hiện đại nhất, đưa phim ảnh đến với khán giả, làm phim đúng nhu cầu của khán giả nhưng cái thiếu lại là giá trị truyền thống, thiếu những cây đa cây đề, tên tuổi làm điện ảnh. Giá như có sự kết hợp của những người làm điện ảnh xưa với người trẻ thì điện ảnh của chúng ta sẽ mạnh hơn.
Gần đây, tôi có ra rạp xem phim của Trấn Thành và vì là người yêu điện ảnh nên bất cứ phim Việt nào ra rạp tôi cũng đi xem, kể cả những phim chưa được. Tôi muốn quan sát, từ đó góp sức vào ngành điện ảnh, mong 1 ngày không xa, phim Việt Nam lại có tiếng vang như những phim mà các cô chú, anh chị đi trước từng làm.
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát: Các nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam tản mát hết
Noi buon cua Tra Giang, Quyen Linh trong ngay vui dien anh Viet Nam-Hinh-3
NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát từng là Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 1998-2001. 
Trong niềm vui lớn của lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, cũng có nỗi buồn không hề nhỏ gây nhức nhối với những người làm điện ảnh, đó là địa chỉ số 4 Thụy Khuê.
Hãng phim truyện Việt Nam đáng lẽ phải được tôn vinh, đứng đầu trong lễ kỷ niệm này. 70 năm mà để một địa chỉ quá hiu hắt và điêu tàn, xập xệ như vậy, ai cũng đau lòng. Nếu không khôi phục Hãng mà vẫn kiên quyết cổ phần hóa, tồn tại hay không tồn tại thì cũng cho một quyết định để khỏi nhức nhối. Một là sống, hai là chết chứ cứ để Hãng dở dở ương ương, nửa sống nửa chết như hiện nay thì thật buồn.
Noi buon cua Tra Giang, Quyen Linh trong ngay vui dien anh Viet Nam-Hinh-4
Sau khi cổ phần hóa, từ năm 2016 đến nay, Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào cảnh hoang lạnh. 
Số 4 Thụy Khuê vẫn thế, Hãng phim vẫn ở đó nhưng mỗi ngày một xập xệ, không ai quét dọn trông nom, không ai bảo dưỡng, duy trì, hãng không có sự sống, ai đi qua cũng ái ngại. Các nghệ sĩ ở Hãng gần như không còn mà tản mát hết nên tôi thấy đau lòng. Nếu muốn giữ lại Hãng phim truyện Việt Nam như 1 địa chỉ đỏ của Điện ảnh cách mạng thì phải làm sao cho ra dáng một địa chỉ đỏ chứ, tại sao lại để nó ngắc ngoải như vậy? Chúng ta đang nói nhiều về việc đầu tư cho văn hóa, mà điện ảnh tại sao không được chú ý một cách xứng đáng?
Theo Mỹ Anh/ Vietnamnet