Cha và con Giáo sư âm nhạc Vũ Hướng - MC Anh Tuấn
Giáo sư âm nhạc Vũ Hướng từng giảng dạy và làm Chủ nhiệm Khoa Đàn dây Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1978, ông lại tiếp tục học nghiên cứu sinh tại Nhạc viện Quốc gia Bulgarie. Năm 1982, trở về làm Giảng viên Đại học, Phó giám đốc phụ trách đào tạo của Nhạc viện Hà Nội (1984).
Tuy sau này chủ yếu làm công việc đào tạo, ông vẫn say mê biểu diễn. Tiếng đàn của ông được người thưởng thức đánh giá cao khi độc tấu, hòa tấu cùng dàn nhạc lớn, nhỏ trong nước và ngoài nước.
Năm 2011, ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương Kiril Metodi hạng nhất, ghi nhận những đóng góp trong việc thúc đẩy sự hợp tác văn hóa giữa Việt Nam - Bulgaria.
MC Anh Tuấn chính là con trai của Giáo sư âm nhạc Vũ Hướng. Anh theo học và chơi nhạc cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội từ năm 7 tuổi. Trải qua 17 năm theo học, MC Anh Tuấn luôn đạt được thành tích loại xuất sắc. Thời sinh viên, Anh Tuấn còn được biết đến với vai trò là thành viên chơi bass của nhóm nhạc Desire, chuyên cover những bài "hit" của The Beatles cùng Long Vũ, Tùng John… Tuy nhiên. nhóm chơi đến khoảng năm 1993, 1994 thì tan rã.
Sau đó, cùng các bạn học, Anh Tuấn tham gia chương trình SV 96 của Đài truyền hình Việt Nam rồi cảm thấy thích thú với công việc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Khi đó VTV đài đang rất cần những người làm âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp năm 1997, Anh Tuấn tiếp tục theo học cao học tại Nhạc viện, Đại học Ngoại thương và xin vào VTV làm việc với sự giúp đỡ của đạo diễn Bùi An Ninh.
Ban đầu, Anh Tuấn đảm nhận vị trí biên tập viên, phụ trách các chương trình nhạc giao hưởng thính phòng. Một thời gian sau, anh được MTV Châu Á lựa chọn trở thành VJ đầu tiên tại Việt Nam dẫn chương trình MTV. Trong thời gian làm biên tập viên tại VTV, anh đã tham gia dẫn nhiều chương trình như: Trò chơi âm nhạc, Bảng xếp hạng âm nhạc MTV, cũng như các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và các lễ kỷ niệm lớn...
Năm 2003, MC Anh Tuấn đã thử sức trong vai trò nhà sản xuất và làm đạo diễn cho những chương trình âm nhạc, liveshow quốc tế. Anh là người có công trong việc đưa nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài về Việt Nam biểu diễn như Bi Rain, Westlife, Shayne Ward, Jewelry…
Từng chia sẻ về người con trai nổi tiếng của mình, Nhà giáo nhân dân Vũ Hướng tự hào nói: "Tuấn lớn lên chịu sự giáo dục tương đối nghiêm khắc của gia đình. Tôi hài lòng vì công việc và sự nghiệp của Tuấn hiện nay trong vai trò là BTV, MC về âm nhạc. Quãng thời gian 17 năm học nhạc đã giúp ích cho Tuấn rất nhiều. Tiếc một điều là Tuấn đã hoàn thành hai năm cao học mà vẫn chưa thi tốt nghiệp để nhận bằng".
Ông cho biết, cả gia đình rất tự hào về con trai bởi những gì anh làm được. Ông cũng tiết lộ mình rất lo lắng cho công việc của con nhưng MC Anh Tuấn thường không chia sẻ gì nhiều với bố mẹ vì sợ gia đình phân tâm. Trong lần MC Anh Tuấn tổ chức thành công đêm nhạc Westlife tại Việt Nam, Giáo sư Vũ Hướng xúc động chia sẻ ông đã cùng gia đình đi xem ủng hộ con trai và nói với con: "Bố rất tự hào về con. Thật sự trong tâm bố không nghĩ con có thể làm được như vậy" nhưng MC Anh Tuấn lúc đó chỉ cười.
Cha và con nhà thơ Phạm Hổ - Nhà biên kịch Phạm Sông Đông
Nhà thơ Phạm Hổ từng tham gia sáng lập Hội Nhà văn miền Bắc (1957) và là một trong những người đầu tiên hình thành Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hóa phẩm dành cho trẻ em.
Sau ba năm làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, ông chuyển sang Nhà xuất bản Văn học rồi về báo Văn Nghệ, từng là Phó Tổng biên tập, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn. Năm 1957, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Từ năm 1983, ông là Phó Trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam và là Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội.
Nhà thơ Phạm Hổ vừa viết văn, làm thơ, viết kịch và vẽ tranh. Nổi bật trong các sáng tác của ông là dành cho thiếu nhi; nhiều tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1.
Con gái nhà thơ Phạm Hổ là nhà biên kịch Phạm Sông Đông tên khai sinh là Phạm Thị Sông Thu, sinh năm 1961 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chị công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từ năm 1991, hiện đã nghỉ hưu.
Chị là tác giả một số kịch bản tiêu biểu đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam: Xe đạp, Xe đạp và ô tô, Cái ô đỏ, Đôi bạn, Cậu bé cờ lau, Cậu bé Ma-nơ-canh…
Mặc dù sinh ra trong một gia đình có cha là nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi nhưng khi còn nhỏ Phạm Sông Đông không hề định hướng theo con đường sáng tác. Sau 3 năm liên tục là học sinh giỏi văn nhất lớp tại trường cấp 3 (nay là THPT) Kim Liên, Sông Đông quyết định thi vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học, lẽ ra làm ở Viện Văn học Việt Nam nhưng thấy mình không phù hợp với môi trường làm việc đó chị tiếp tục thi vào Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Sông Đông tiếp tục cuộc đời sinh viên và vẫn chưa có sáng tác gì. Có lần được hỏi "có phải vì cái bóng của ba chị quá lớn", chị chỉ cười nói rằng, có thể chị hơi khác với mọi người, nạp thật nhiều, thật đầy rồi đến lúc nào đó văn chương sẽ tự tuôn trào.
Sau khi tốt nghiệp và công tác tại Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, xuất phát điểm là một người làm công tác biên tập nhưng đã có 3 lần chị đoạt giải thưởng Bông sen Vàng - Biên kịch phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Ở cương vị một người biên tập, Sông Đông được xem là người nhiệt tình và lành nghề. Con mắt tinh tường giúp chị lựa chọn được rất nhiều kịch bản phim hấp dẫn, có chất lượng nghệ thuật cao. Vậy là chị "bị" mọi người trong Hãng Phim thuyết phục viết kịch bản.
Cái ô đỏ là kịch bản của Sông Đông được chuyển thể từ truyện cùng tên của cha chị. Bộ phim đã giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12.
Tiếp đó, Xe đạp do chị viết kịch bản, đạo diễn Phương Hoa dàn dựng đã giành giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và giải A - giải thưởng cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam. Từ kịch bản dài hơn 1 trang, viết không lời thoại nhằm phát huy tối đa sức mạnh của hình ảnh, đã ra đời bộ phim dài 6 phút kể về một chiếc xe đạp đi bằng ba bánh từ lúc còn nhỏ tới khi trưởng thành.
Kể về kịch bản Xe đạp, Sông Đông từng cho biết, nhân vật của phim là vật dụng quen thuộc mà chị muốn lưu lại kỷ niệm của ngày sơ tán. "Ngày đó, cha tôi chở hai chị em ra khỏi Hà Nội. Tôi không bao giờ quên cảm giác ngồi sau cha lúc đó, đi trên cầu, rồi xuống dốc bon bon ra ngoại thành, trên con đường đê lộng gió".
Năm 2017, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Phạm Sông Đông giành giải thưởng Biên kịch phim Hoạt hình xuất sắc nhất với phim Cậu bé Ma-nơ-canh, cũng là một kịch bản không thoại, chỉ có hình ảnh, âm thanh. Một lần nữa, sức mạnh hình ảnh được phát huy tối đa nhằm gợi mở tư duy của người sáng tác và người xem, đồng thời khai thác triệt để các chi tiết, tính khái quát, tượng trưng của ngôn ngữ hoạt hình.
Biên kịch Phạm Sông Đông được nhận xét là giống cha ở điểm giàu tình cảm, tính cách trong trẻo, lương thiện và đặc biệt yêu trẻ thơ. Chị từng lấy cảm hứng hoặc chuyển thể một số truyện của cha mình như: Cái ô đỏ, Sự tích hoa phượng...
Các kịch bản của Phạm Sông Đông đã được in thành sách. Năm 2014, cuốn Xe đạp và những kịch bản hoạt hình đặc sắc chị đã được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc. Tiếp đó, năm 2017 là cuốn Sự tích hoa Phượng. Đọc các cuốn sách của Phạm Sông Đông, độc giả dù đã xem hoặc chưa xem phim đều có cơ hội tiếp xúc với những nhân vật sống động qua trang sách với ngôn ngữ giàu biểu cảm. Phạm Sông Đông cho biết, ý nghĩa hơn và cũng là điều làm cho chị vui nhất, đó là bằng cách này chị đã theo nghiệp cha - sáng tác cho thiếu nhi, viết về thế giới cỏ cây, hoa lá, những món đồ vô tri và giữ trọn niềm tin về cái đẹp, sự thiện lương, lòng nhân ái.
Cha và con NSND Bùi Đình Hạc - NSƯT Bùi Trung Hải
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải là con trai của nhà làm phim gạo cội Bùi Đình Hạc, một trong những "cây đa cây đề" của điện ảnh cách mạng Việt Nam. NSND Bùi Đình Hạc từng là Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 1 trong 15 năm (1969–1983). Năm 1976, ông làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Sau đó, ông lần lượt là Phó Cục trưởng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp điện ảnh, Cục trưởng Cục Điện ảnh.
Bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải của đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc đã giành được Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 1. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam. Năm 1967, ông tham gia thực hiện bộ phim Vĩ Tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của đạo diễn người Pháp Joris Ivens.
Bùi Trung Hải từng thừa nhận anh chịu ảnh hưởng nhiều từ người cha nổi tiếng. Nhưng với niềm đam mê với điện ảnh và sở thích tìm tòi học hỏi những điều mới lạ, Bùi Trung Hải đã tạo dựng được vị trí riêng.
Bộ phim "Hà Nội 12 ngày đêm" do NSND Bùi Đình Hạc đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải làm quay phim. Nguồn: Phim hay điện ảnh
Từ năm 1992 đến nay, anh làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam ở các cương vị đạo diễn, biên kịch, quay phim. Anh thực hiện các bộ phim như: Hà Nội 12 ngày đêm, Cỏ lau, Khi nắng thu về... và tham gia sản xuất với tư cách là trợ lý thứ nhất của nhà sản xuất Larry Levene để thực hiện bộ phim truyện điện ảnh Tây Ban Nha Thi Mai (2016 - 2017). Bùi Trung Hải từng tham gia viết kịch bản cho dự án phim truyện điện ảnh Những đứa trẻ gió mùa cùng 10 nhà biên kịch từ 10 nước ASEAN.
Bùi Trung Hải đã giành giải thưởng: Phim truyện dài Khi nắng thu về (đạo diễn kiêm biên kịch) được tặng giải Remi Vàng cho Phim truyện dài đầu tay xuất sắc tại LHP quốc tế Houston lần thứ 41 tại Mỹ vào năm 2008; được tuyển chọn tham dự Chương trình chính thức tại LHP châu Á Mumbai, Ấn Độ vào năm 2009... Bùi Trung Hải được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012.
Là con trai NSND Bùi Đình Hạc và mẹ là PGS.TS, NSND múa Nguyễn Thị Hiển, Bùi Trung Hải được sống trong bầu không khí nghệ thuật từ nhỏ. Thời điểm 5, 6 tuổi, anh đã theo chân bố nhiều tháng trời đi sơ tán, làm phim, tham gia đóng phim Hoa thiên lý với vai quần chúng. Khi mẹ anh được phân công công tác tại Hải Phòng 2 năm với vị trí biên đạo múa, mẹ cũng mang anh theo.
Tuy vậy, Bùi Trung Hải chỉ đơn thuần là thích nghệ thuật chứ chưa có ý định theo nghề từ nhỏ. Anh đăng ký thi Đại học Bách khoa Hà Nội và trúng tuyển. Thời gian sau, Bùi Trung Hải quyết định theo đuổi điện ảnh và sang Liên Xô (cũ) học chuyên ngành Quay phim tại Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên Xô (VGIK) từ năm 1986 - 1992. Tiếp đến, cảm thấy kiến thức học ở Liên Xô là chưa đủ, Bùi Trung Hải quyết định học tiếp và chọn điện ảnh Pháp.
Tốt nghiệp về nước, Bùi Trung Hải đảm nhận phần hình ảnh trong phim Cỏ lau của đạo diễn Vương Đức. Phim ngắn tốt nghiệp "Mưa mùa hạ" (do anh viết kịch bản kiêm đạo diễn) được chọn vào chương trình tranh giải chính thức của Liên hoan phim (LHP) ngắn Clermont - Ferrand lần thứ 14, năm 2002. Ngoài ra, bộ phim còn được tuyển chọn tham dự chương trình tranh giải chính thức của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ dành cho phim ngắn sinh viên của các trường điện ảnh năm 2002 và được mời tham dự nhiều LHP khác tại Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Philippines...
Bùi Trung Hải còn tham gia thực hiện bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm. Ngoài vai trò quay phim chính, anh còn là thành viên của tổ đạo diễn, tham gia chọn diễn viên. Anh cho biết, không tự bó buộc mình chỉ là quay phim mặc dù bố anh có nhiều kinh nghiệm về nghề nhưng anh tự thấy mình có thế mạnh được đào tạo sau nên lĩnh hội được nhiều cách làm phim hiện đại để áp dùng vào Hà Nội 12 ngày đêm.
Bùi Trung Hải có quan niệm trong gia đình con có thể nghe lời bố nhưng ra ngoài thì khác, cần có sự trao đổi và tranh luận và quan trọng là tìm được cách biểu hiện tốt cho cảnh quay và bộ phim.
Kịch bản Hà Nội 12 ngày đêm được tổng hợp từ 3 kịch bản của các tác giả Đinh Thiên Phúc, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Hữu Mai và Chu Lai. Và người tổng hợp 3 kịch bản để cho ra kịch bản phân cảnh hoàn chỉnh chính là Bùi Trung Hải.
Bộ phim giành giải Bông sen Bạc - LHP Việt Nam lần thứ 14. Phim cũng tham dự nhiều LHP quốc tế như LHP Cairo (Ai Cập), LHP Fukuoka (Nhật Bản), LHP New Delhi (Ấn Độ), LHP Locarno (Thụy Sĩ), LHP Fajr (Tehran, Iran), LHP Vesoul (Pháp)... vào các năm 2003, 2004 và 2005.
Giai đoạn năm 2010 - 2012, Bùi Trung Hải học Thạc sĩ nghệ thuật làm phim (Master of Fine Arts in Filmmaking), chuyên ngành Đạo diễn và Biên kịch, tại New York Film Academy (Mỹ) theo chương trình học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ. Phim truyện ngắn tốt nghiệp của anh David và Luisa được tặng giải Remi Đồng cho Phim ngắn chính kịch tại LHP quốc tế Houston lần thứ 48 (Mỹ, năm 2015).
Trước đó, bộ phim đã được tuyển chọn vào chương trình tranh giải chính thức tại LHP quốc tế trực tuyến Viewster, Thụy Sĩ, năm 2014... Bùi Trung Hải nói, sở dĩ anh học nhiều hơn một chút là bởi không muốn dừng lại hay cố định ở vị trí nào cả. Anh muốn biết những cách làm phim, trường phái phim khác nhau ở các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Nga, Pháp, Mỹ và sau cùng là có thể áp dụng thế mạnh của các trường phái đó tại Việt Nam.
Bùi Trung Hải cho biết, trong cuộc sống đời thường, anh và bố mình "rất hợp nhau". Trong nghệ thuật thì anh chịu ảnh hưởng từ phong cách làm việc của bố - về "cách truyền nghề cho con, cách tổ chức làm phim cũng như sự kiên trì của người đạo diễn để đưa tác phẩm của mình đạt chất lượng cao nhất". Đó cũng là điều khiến anh vô cùng khâm phục.
Theo Thủy Vũ/Dân Việt