Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đang tiến hành lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử chính thức về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Thời gian lấy ý kiến kéo dài đến 1/7, trước khi hoàn thiện hồ sơ trình hội đồng xét duyệt cấp nhà nước.
Mỗi lĩnh vực đều được chia danh sách riêng để lấy ý kiến như: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh,...Trong lĩnh vực âm nhạc, có 5 hồ sơ được đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 37 giải Nhà nước.
Trong đó, nhạc sĩ Phú Quang được đề nghị vinh danh với năm tác phẩm: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển).
|
Nhạc sĩ Phú Quang. |
Tác phẩm Em ơi Hà Nội phố là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất về Hà Nội, được nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ từ bài Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ. Năm 1987, bài hát này lên sóng đài phát thanh, do ca sĩ Lệ Thu hát. Nhạc sĩ Phú Quang kể thời điểm này Lệ Thu đang bị lãng quên. Ông đưa và động viên nữ ca sĩ hát. Sau đó, ca khúc này trở nên nổi tiếng, Lệ Thu cũng được quan tâm trở lại. Sau đó, ca khúc gắn liền với tên tuổi của loạt nghệ sĩ như: NSND Lê Dung, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân, Đức Tuấn…
Năm 2011, nhạc sĩ từng bị đánh trượt ở giải thưởng này do không đạt 100% số phiếu bầu từ hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhạc sĩ Phú Quang nhập viện hơn một năm nay do biến chứng tiểu đường. Hiện ông bớt nguy kịch, tỉnh táo nhưng sức khỏe vẫn yếu, thở khó, được vợ và các con túc trực chăm sóc. Tháng 10/2020, ông được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 nhưng cũng không thể tới nhận.
Ngoài nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Phan Văn Minh cũng được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước với ca khúc Cả nhà thương nhau, Babooch với Alăng Miêh.
Tác giả Lê Ngọc Mây cùng nằm trong nhóm này với chùm 3 ca khúc: Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai, Hà Nội linh thiêng hào hoa, Hoá vàng.
Hợp xướng Việt Nam trong trái tim tôi, ca khúc Người mẹ làng Sen và Gái sông La của tác giả Lê Hàm (La Kỳ An, Lam Hà) cũng được đề xuất xét tặng giải thưởng Nhà nước.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm. Giải thưởng được các Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trước khi chuyển cấp Nhà nước để xét duyệt.
Trong đợt lấy ý kiến lần này của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật còn có:
Lĩnh vực điện ảnh có 1 hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 21 hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước.
Lĩnh vực văn học có 5 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh và 26 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước (trong đó nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước với truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát).
Lĩnh vực mỹ thuật có 5 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh (trong đó có họa sĩ Bùi Trang Chước với tác phẩm thiết kế nhiều huân chương, mẫu quốc huy Việt Nam) và 12 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước.
Lĩnh vực nhiếp ảnh có 2 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh, 17 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước. Lĩnh vực sân khấu có 2 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước. Lĩnh vực múa có 5 hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh, 15 hồ sơ Giải thưởng Nhà nước.
Riêng lĩnh vực văn nghệ dân gian có 7 hồ sơ được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước, không có hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Lĩnh vực kiến trúc cũng chỉ có 1 hồ sơ được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước.
Theo Tình Lê/ Vietnamnet