Nhà sản xuất Người ấy là ai xin lỗi sau phát ngôn của Trấn Thành

Google News

Việc Trấn Thành và ê-kíp Người ấy là ai đưa thông tin mở mạch máu để tiêm hormone nam vào cơ thể gây tranh cãi. Tối 23/5, đại diện chương trình thừa nhận sai sót và xin lỗi.

Tối 23/5, ê-kíp Người ấy là ai lên tiếng thừa nhận sai sót khi đưa thông tin về quá trình chuyển giới của NPAK. Phóng viên Zing liên hệ, ê-kíp trả lời ngắn gọn: “Do sơ suất trong khâu biên tập, ở tập 1 của chương trình, chi tiết nhân vật NPAK nói về nguồn gốc vết sẹo trên cánh tay chưa được truyền tải theo đúng nội dung nhân vật chia sẻ. Chúng tôi chân thành cáo lỗi NPAK cùng quý khán giả”.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing, tới tối 23/5, phần phụ đề và đoạn phát biểu gây tranh cãi của Trấn Thành đã được bỏ khỏi bản full của tập 1 đăng trên kênh chính thức của Người ấy là ai.

Nha san xuat Nguoi ay la ai xin loi sau phat ngon cua Tran Thanh

Trấn Thành và Người ấy là ai gây tranh cãi trong phần giới thiệu thí sinh NPAK. Ảnh: Vie Channel.

Từ sáng 23/5, chương trình Người ấy là ai và MC Trấn Thành trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Thông tin Trấn Thành và ê-kíp đưa ra trong tập đầu tiên được cho là không chính xác về quá trình chuyển giới. Cụ thể, khi giới thiệu về NPAK - thí sinh chuyển giới từ nữ sang nam - Trấn Thành chia sẻ: “Anh ấy từng là một phụ nữ. Cái tay này, người ta phải mở mạch máu ra rồi đưa hormone và mọi thứ vào để chuyển giới”.

Chương trình cũng đặt phụ đề trong phần giới thiệu về bản thân của NPAK: “Bác sĩ mở mạch máu dưới cánh tay để đưa hormone vào cơ thể tôi”.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Bình nhận định việc tiêm hormone nam, cụ thể testosterone vào mạch máu là chống chỉ định.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Bình cho biết: “Việc này rất nguy hiểm bởi nó có thể hướng dẫn mọi người tiêm hormone sai cách. Trong y khoa, hormone testosterone được sử dụng rất nhiều, không riêng người chuyển giới. Testosterone như dầu vậy, không tan trong nước. Tiêm vào máu có thể gây thuyên tắc mạch. Nếu thuyên tắc mạch máu lớn hoặc trên phổi có thể gây tai biến cực kỳ nguy hiểm. Testosterone chỉ được tiêm vào bắp tức phần cơ”.

Theo Minh Hạo/ Zing