Ngưỡng mộ tình bạn của “Bộ tứ sông Hồng” trong showbiz Việt

Google News

(Kiến Thức) - “Bộ tứ sông Hồng” gồm 4 nhạc sĩ: Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường. Nhóm chơi với nhau từ lúc hàn vi, coi nhau như anh em ruột thịt.
 
 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương là một thành viên của "Bộ tứ sông Hồng". Sự ra đi của vị nhạc sĩ đáng kính khiến “Bộ tứ sông Hồng” mất đi một mảnh ghép vô cùng quan trọng.
Theo VOV, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng 3 nhạc sĩ khác: Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường bắt đầu chơi với nhau từ những năm 1960.
Một lần, nhóm rủ nhau đi chơi ở hồ Tây (Hà Nội) và được một người nhiếp ảnh dạo chụp cho tấm ảnh chung. Bức ảnh này được nhà thơ, nhà báo Thụy Kha chọn để đưa vào một bài viết và đặt tên cho nhóm là “Tứ quái Hà Nội”. Sau này, nhóm được gọi là “Bộ tứ sông Hồng” vì 4 nhạc sĩ đến từ Bắc Bộ và sáng tác dựa trên chất liệu dân gian vùng đồng bằng châu thổ này.
Nguong mo tinh ban cua “Bo tu song Hong” trong showbiz Viet
"Bộ tứ sông Hồng". Ảnh: Thể thao văn hóa 
Theo Tiền Phong, trong bộ tứ, 2 nhạc sĩ Dương Thụ và Phó Đức Phương chơi với nhau đầu tiên. Nhạc sĩ Phó Đức Phương tốt nghiệp Nhạc viện năm 1972. Đó cũng là năm 3 nhạc sĩ còn lại nhập học. Nhạc sĩ Nguyễn Cường là người cuối cùng được kết nạp. Nhạc sĩ Dương Thụ kể rằng 3 người phát hiện ra nhạc sĩ Nguyễn Cường qua chương trình trên đài phát thanh.
Cuối cùng nhạc sĩ Dương Thụ lại thân với nhạc sĩ Nguyễn Cường nhất. Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Thụ ít gặp nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Trần Tiến bởi nhạc sĩ Phó Đức Phương mải mê đi viết, đi dựng bài khắp nơi còn nhạc sĩ Trần Tiến thì đi văn công tiền tuyến.
“Bộ tứ sông Hồng” cho biết, nhóm chơi với nhau như những người bạn đơn thuần, không phải vì nổi tiếng. Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ trên An ninh thủ đô, mỗi lần gặp nhau, ông và các nhạc sĩ trong nhóm “bộ tứ sông Hồng” chẳng bàn gì đến chuyện âm nhạc hay nghệ thuật, mà chỉ toàn nói những chuyện rất đời thường.
Còn cố nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định 4 người không phải “cánh hẩu” (từ thời bao cấp chỉ những người chơi với nhau vì chung quyền lợi). “Mối quan hệ bạn bè thú vị nhất là trong công việc, phải đi thu thanh, làm việc với nhau, gắn bó, lao động cật lực ra, uống bia bọt uống rượu. Đấy là những người gần gũi hồn nhiên nhất”, ông nói trên Tiền Phong.
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ trên VOV: “Bọn tôi có 4 người, thân nhau từ lúc hàn vi. Không phải là nhóm nhạc tuyên ngôn để làm cái gì đâu mà là những người bạn bình thường. Đến gia đình nhau như người ruột thịt, nó không giống kiểu tình bạn của các ông nhạc sĩ với nhau, chơi với nhau vì nổi tiếng.
Chúng tôi chơi với nhau từ lúc vô danh, tôi cũng vô danh, Cường cũng vô danh, chỉ có Phương nổi tiếng, còn Trần Tiến thì lúc đó cũng chưa nổi tiếng lắm. Chúng tôi cùng có một giấc mơ giống nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Một cái gì rất đời thường, một cái gì rất giản dị trong mối quan hệ đó. Cũng có lúc giận nhau, cũng có khi thế này thế kia nhưng đến tầm này, tuổi già rồi nhận ra có một mối quan hệ như thế này thật là tốt”.
Trong sự nghiệp sáng tác, “Bộ tứ sông Hồng” truyền cho nhau cảm hứng. Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ trên Vnexpress, những sự cạnh tranh nho nhỏ, đáng yêu giữa các nhạc sĩ khi thấy đồng nghiệp có sáng tác hay kích thích họ phải làm được những điều tương tự.
"Thời Nguyễn Cường nổi lên như vua nhạc Tây Nguyên, tôi cũng là người yêu Tây Nguyên thì thấy cay cú lắm nên làm luôn một loạt sáng tác như Chiếc vòng cầu hôn, Giấc mơ Chapi, Ngọn lửa cao nguyên... cho mà biết", nhạc sĩ Trần Tiến nói thêm.
Chơi thân với “Bộ tứ sông Hồng”, nhà thơ Thụy Kha từng chia sẻ về tình bạn của nhóm nhạc sĩ này trên Thể thao văn hóa: “Trong 4 người, có Trần Tiến, Nguyễn Cường rất bỗ bã, Phó Đức Phương vui vẻ còn Dương Thụ trầm tĩnh, thâm thúy hơn. Mỗi người một cá tính, một cách lập ngôn riêng, họ chẳng có gì phải cạnh tranh và cũng không ai can thiệp vào con đường của ai. Thành ra chơi với nhau rất bền”.
Nguong mo tinh ban cua “Bo tu song Hong” trong showbiz Viet-Hinh-2
“Bộ tứ sông Hồng” giữ được tình bạn thân thiết trong nhiều năm qua. Ảnh: Tiền Phong
Ngày nhạc sĩ Phó Đức Phương rời xa cõi tạm, 3 thành viên còn lại trong nhóm vô cùng đau buồn. Nói với Vietnamnet, nhạc sĩ Nguyễn Cường nghẹn ngào: “Dẫu biết sẽ có ngày này nhưng tôi thực sự chết lặng khi được báo tin.
Bộ tứ nhạc sĩ chúng tôi mỗi người một phong cách, hình ảnh khác nhau nhưng luôn dành cho nhau sự trân trọng, yêu quý nhau như người anh em ruột thịt trong gia đình. Những ngày tháng lăn lộn từ khi còn trẻ đến khi về già với Phó Đức Phương luôn ở mãi trong trái tim tôi”.
Ngày đến viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết trong sổ tang: “Tớ và Thụ với Trần Tiến đến với Phó Đức Phương đây. Nhớ mãi, thương lắm Phương ơi”. Còn nhạc sĩ Dương Thụ viết: “Phương thua trong trận chiến cuối cùng nhưng thắng trong cả cuộc đời để trở thành Phó Đức Phương, yêu quý vô cùng”.
Do đang ốm nằm viện, nhạc sĩ Trần Tiến không thể đến tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ngày người bạn thân qua đời, nhạc sĩ Trấn Tiến xót xa viết: “Phương đi trước nhé. Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ.
Tôi không biết chắc Phó Đức Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong, vợ anh đẹp, con anh khôn, làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc. Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ.
Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài ca khúc để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những ca khúc như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, anh Đỗ Nhuận…
Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà trời. Ai rồi cũng sẽ chết nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như anh. Chia tay anh vài dòng như lời tự nhủ thôi.
Ở nơi anh đến, nhớ kiếm vài hòn đá trong rừng yên tĩnh, để nhóm bốn anh em cùng ngồi. Bên ly rượu hồ đào, bên một nàng tiên ít nói. Mình nhâm nhi và lặng lẽ ngắm cái đẹp với một chút lâng lâng. Thế người ta gọi là trời đánh cũng chưa chết. Với tôi, sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc không”.

Xem video "Nghệ sĩ Thu Huyền thể hiện ca khúc Về quê". Nguồn: Đêm nhạc Phó Đức Phương - Khúc hát phiêu ly.

Thu Cúc