Ngày 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
Năm 2022, vụ việc diễn viên hài Hữu Tín bị bắt vì ma tuý gây xôn xao dư luận. (Ảnh: CACC)
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cho biết, các biện pháp xử lý như "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ. Do chưa có quy định pháp luật, trước mắt cơ quan chức năng sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.
Trước đó, vào năm 2022, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cung cấp thông tin cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát".
"Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà quét, xử lý các vi phạm trên mạng internet, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để xử lý hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên môi trường mạng", bà Huyền cho hay.
Sau khi công bố, qyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp này không chỉ nhằm "thanh lọc" giới giải trí mà còn giúp định hướng lối sống, suy nghĩ của giới trẻ, đặc biệt trong giai đoạn mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng bùng nổ.
Theo Yến Thanh/ Dân Việt