Xuất thân từ quân đội
Mới đây, danh sách 77 nghệ sĩ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND thứ 10 đã được công bố trong đó có gương mặt gạo cội NSƯT Lê Đức Trung. Ông được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 84. NSƯT Lê Đức Trung là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất được phong tặng danh hiệu NSND đợt này.
NSƯT Lê Đức Trung sinh năm 1939, trước khi đến với sân khấu ông từng là một người lính. Ông có 20 năm làm việc trong quân ngũ và 5 năm hoạt động tại Trường Sơn.
|
NSƯT Lê Đức Trung là một trong những nghệ sĩ lớn tuổi nhất được phong tặng NSND đợt này.
|
Năm 1979 sau khi đất nước thống nhất, nghệ sĩ Lê Đức Trung chuyển về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ông là một trong những diễn viên gạo cội hoạt động tại Nhà hát Tuổi trẻ thời kỳ đầu tiên. Trước đó, ông từng gia nhập nghệ thuật Tổng cục Chính trị và hoạt động dưới vai trò nghệ sĩ kịch nói, sau đó lấn sân sang phim ảnh.
Trên sân khấu ông luôn được giao những vai chính diện, có sự chỉn chu, đĩnh đạc, đặc biệt là nhiệm vụ thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. NSƯT Lê Đức Trung có ba lần thể hiện hình tượng Bác Hồ ở ba thể loại khác nhau: kịch nói (vở Lịch sử và nhân chứng), nhạc vũ kịch (vở Giai điệu tháng 5) và phim truyền hình (Bác Hồ sống mãi với vùng than).
Ông từng nhiều lần bày tỏ việc được vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là vinh dự lớn. Điều này giúp ông được trải nghiệm những bài học quý giá, những suy nghĩ, trăn trở của quá trình nghiên cứu, rèn luyện để sáng tạo nên cốt cách một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
NSƯT Lê Đức Trung cho biết phải nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu rất kỹ về Người. Ông chia sẻ phải đi mượn băng, bài nói chuyện của Bác với các đối tượng thành phần và độ tuổi khác nhau để rút ra những đặc điểm khí chất, ngữ điệu của Bác ứng với từng nội dung, từng đối tượng.
"Có nhiều đêm tôi nghe cả cuộn băng cối dài 2-3 tiếng đồng hồ rồi thiếp đi trong giấc ngủ mà vẫn văng vẳng bên tai lời Bác nói. Quả thật, có một sự thẩm thấu tự nhiên như nhập thần, khi diễn tôi không hề nhại tiếng Bác nhưng người nghe vẫn cảm nhận như Bác nói. Đó là sự nhập thần, khi hồn Người sống trong ta”, nghệ sĩ Đức Trung cho biết.
Nghệ sĩ nghiêm nghị, chỉn chu
Bên cạnh đó trong suốt sự nghiệp diễn xuất, nghệ sĩ Lê Đức Trung dành nhiều tình cảm cho các vở kịch của Lưu Quang Vũ. Suốt thời gian gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ, ông liên tục góp mặt trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ như Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng, Sống mãi tuổi 17...
|
NSƯT Lê Đức Trung để lại ấn tượng với khán giả với những vai diễn người ông, người cha hiền từ, ấm áp.
|
Sau khi nghỉ hưu tại Nhà hát Tuổi trẻ, nghệ sĩ Lê Đức Trung vẫn đứng lớp giảng dạy diễn xuất cho nhiều khóa diễn viên tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ông coi công việc này như một niềm vui và khiến cuộc sống tuổi xế chiều thêm phần ý nghĩa.
Ngoài giảng dạy nghệ sĩ Lê Đức Trung còn tham gia đóng phim truyền hình. Ông để lại dấu ấn với hàng loạt vai người ông, người cha hiền từ, ấm áp. Vì vậy, nhiều khán giả gọi ông là "ông nội quốc dân của màn ảnh Việt".
Ở tuổi 80 nghệ sĩ Lê Đức Trung tham gia phim Hướng dương ngược nắng (phát sóng 2020-2021). Bước sang tuổi 84, ông chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình.
|
NSƯT Lê Đức Trung (trái) và con trai - diễn viên Lê Tuấn Anh là người con duy nhất theo nghề bố.
|
NSƯT Đức Trung có ba người con gồm hai gái và một trai. Diễn viên Lê Tuấn Anh (từng làm việc ở Nhà hát Tuổi Trẻ) là người con duy nhất theo nghề của ông. Trái ngược với bố chuyên vai chính diện, con trai Lê Tuấn Anh lại gắn liền với loạt vai phản diện, giang hồ, bặm trợn.
Diễn viên Lê Tuấn Anh cho biết khi về hưu, bố anh có cuộc sống bình yên bên gia đình, ông có 5 cháu nội, cháu ngoại. "Bố tôi là người hiền lành. Ông là nghệ sĩ mà lại... không giống nghệ sĩ, lúc nào cũng nghiêm nghị. Các vai diễn ở sân khấu và truyền hình như bê chính con người của ông từ ngoài đời lên phim", diễn viên Tuấn Anh từng chia sẻ.
Theo Gia Linh/Tiền phong