Mấy ngày nay cư dân mạng đang xôn xao việc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam bị biến thành nơi bán bún, bán phở. Đồng thời với đó là những bức xúc của các cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ khi công ty đi vào hoạt động cổ phần hóa sau hơn 2 tháng.
|
Hãng Phim truyện Việt Nam sau khi được đi vào hoạt động cổ phẩn hóa. Ảnh: Huy Hoàng |
Cụ thể, Ban giám đốc Công ty đã tự động dọn những đạo cụ tại phòng đạo cụ, dọn kịch bản phim tại phòng biên kịch gửi tới Viện Phim mà không có bất cứ thông báo tới các trưởng, phó phòng liên quan. Ngoài ra, Ban giám đốc còn sáp nhập 4 phòng là biên kịch; đạo diễn; quay phim; thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là Phòng Nghệ thuật, còn 4 dãy nhà trước đây của 4 phòng đã bị tiến hành cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim.
Việc trả lương cho cán bộ, công nhân viên, giới nghệ sĩ có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, căn cứ nào, thậm chí có bộ phận không có lương…
Tất cả những điều này đã gây cho cán bộ, công nhân viên và nghệ sĩ của Hãng phim truyện VN sự thất vọng lớn, trong đó chuyện lương là một phần, còn chủ yếu mọi ngoiwf bất bình vì cho rằng cổ đông chiến lược đã không thực hiện đúng cam kết với hãng phim.
Ông Lê Hồng Sơn- Phó Phòng Hợp tác sản xuất phim nói: “Chúng tôi cũng hy vọng có điều gì tốt nên muốn cổ phần hóa, nhưng phải minh bạch, tìm được nhà đầu tư tốt, nếu không thì dừng lại nếu chưa tìm được nhà đầu tư.
|
Chị Trần Thị Thanh Hồng từng công tác 10 năm ở Hãng, từ năm 2004-2013, nói trong nước mắt khi chia sẻ tâm tư với báo chí về chuyện bị dọn hết kịch bản tại phòng kịch bản. |
Sau cổ phần hoá, bảng lương tạm ứng cho cán bộ công nhân viên không theo nguyên tắc nào, không có hợp đồng nào, cách làm việc vô nguyên tắc và không thể được với ngành nghề đặc thù như thế này. Tháng 7 vừa rồi, nể anh Vương Đức- Giám đốc Hãng phim cũ, chúng tôi không kêu ca vì không có lương. Tháng 8 cũng không, anh em có ý kiến nên mới được tạm ứng. Cổ phần hóa để làm tốt hơn, nhưng các anh vào đây bắt chúng tôi tự làm, rồi chiếm bao nhiêu đất à?“.
Nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn- Phó Phòng quay phim nói trong bức xúc: “Bức xúc chung của anh em, trong đó kho đạo cụ phục trang là đáng ra phải họp, có sự đồng ý của anh em, họ tự nhiên dọn hết đi. Họ nói không có giá trị, nhưng tất cả những thứ đó quan trọng với chúng tôi. Dồn đạo cụ đã đành, họ còn dồn ba phòng quay phim, biên kịch, đạo diễn… nhưng sửa để cho thuê”.
|
Các nghệ sĩ bức xúc tụ họp gặp gỡ báo chí ngày 15.9 tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh Huy Hoàng |
>>> Video: "Em chưa 18" và những bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất:
Chị Tống Thị Phương Dung làm tại phòng biên kịch cho biết: “Họ mời chúng tôi lên làm việc, hỏi Phòng biên kịch làm gì. Sau đó bảo biên kịch khỏi đến cơ quan khỏi tốn điện, họ sẽ trả bảo hiểm. Chúng tôi đang họp thì họ gọi người Viện Phim Việt Nam sang lấy kịch bản, không có biên bản bàn giao”.
Chị Trần Thị Thanh Hồng từng công tác 10 năm ở Hãng phim, từ năm 2004-2013, nay chuyển về Đại học Sân khấu và Điện ảnh nói trong nước mắt: “Ngày 1.9, một số chị em trong phòng biên kịch xót xa điện thoại cho tôi: Chị ơi mất hết kịch bản rồi, tôi bàng hoàng hỏi lại, tại sao mất được kịch bản, mọi người bảo không còn cuốn kịch bản nào. Tủ trống trơn không còn cái gì. Họ lén lút đem ra Viện Phim. Tôi là người từng làm ở đây vô cùng xót xa. Quy trình làm phim không có biên kịch tại sao làm phim được. Tài sản lớn nhất là kịch bản không còn, liệu còn niềm tin để làm phim hay không?".
Đạo diễn, biên kịch Nguyễn Xuân Thành của Phòng Biên kịch nói: “Chúng tôi phản ứng phải có nguyên nhân. Từ khi chưa cổ phần Ban lãnh đạo hãng cũ tự làm, tự sống. Cho nên khi có chủ trương cổ phần muốn cống hiến vực hãng phim lên. Tôi đọc cam kết khi mua cổ phần hãng phim, tôi rất mừng vì nó đầy tâm huyết, nghĩ rằng có thể đưa hãng phim lên tốt hơn. Nhưng sau khi cổ phần, tháng đầu tiên không có lương, sau đó tạm ứng 70% lương hãng cũ. Chúng tôi họp đề nghị, lương là sự động viên tinh thần, công ty mới giải thích là do chưa ổn định. Tất cả việc làm của công ty gây thất vọng, không đúng cam kết, đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo lương tối thiểu. Cổ phần hoá chẳng để làm gì, còn tồi tệ hơn cũ”.
Kết thúc buổi gặp gỡ, đạo diễn Nguyễn Đức Việt đã đưa lá đơn kêu cứu có chữ ký của tập thể cán bộ công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam gửi lên Hội Điện ảnh, đề nghị Hội vào cuộc để giải quyết những bức xúc của nghệ sĩ đang công tác tại đây.
Theo Huy Hoàng/ Dân Việt