Muôn kiểu... "dê"
Một vở diễn thường hình thành hai tính cách nhân vật điển hình: chính diện mùi mẫn, bi thương; phản diện thâm độc, hiểm ác. Thế nhưng, yếu tố kết nối, xúc tác, xoa dịu những khi kịch tính lên cao thường là các vai hài. Những diễn viên hài xuất hiện kịp thời trong các tình huống căng thẳng, khiến khán giả bật cười, xua đi sự nặng nề, bức bối do tình huống trong vở diễn mang lại là công việc quan trọng giúp vở diễn thành công.
Bởi thế, dù vai hài thường là tuyến nhân vật phụ, đôi khi chỉ xuất hiện một lúc rồi "biến mất" nhưng lại được nhiều khán giả yêu thích, chờ đợi. Thậm chí, một số người đến xem vở diễn nào đó cũng chỉ vì phần xuất hiện ngắn ngủi mà vui nhộn, ấn tượng của các nghệ sĩ hài. Và trong số muôn vàn các kiểu hài hước, chọc cười khán giả trên sân khấu, không ít nghệ sĩ hài thành công với những nhân vật có tính cách hay "sàm sỡ, dê gái". Hễ nhắc đến họ, khán giả lại nhớ một điệu cười, cái liếc mắt, giọng nói cợt nhã đầy đặc trưng và những nghệ sĩ này "chết danh" hề dễ.
|
NSND Ngọc Giàu và danh hài Hoài Linh trong vở Đời cô Lựu. |
|
Danh hài Tùng Lâm, Thanh Hoài, Mỹ Chi bộ ba tạo nhiều tiếng cười qua các vở hài trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, trong đó có nhiều vai hai ông diễn sở trường..dê |
Họ hình thành một phong cách diễn xuất, một sở trường chọc cười độc đáo mà theo NSND Huỳnh Nga – người đạo diễn nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa, Tấm Cám…: “Muốn sân khấu lúc nào cũng vui như ba ngày Tết, nhất thiết phải có mấy vai hài nhưng quan trọng đưa vai đó vào kịch bản hợp tình hợp lý, nhất là các vai mang tính cách sàm sỡ, dê gái”.
Nếu bàn đến kịch bản mà các "hề dê" có "đất dụng võ" nhất, một số người còn thành danh nhờ vai diễn này phải kể đến vở cải lương "Ngao Sò Ốc Hến". Đây là vở cải lương do soạn giả NSND Năm Châu viết phản ánh sự thối nát của xã hội phong kiến. Trong đó từ quan Huyện, thầy Lý cho đến những tên hương chức địa phương cũng đều “sợ vợ” nhưng lại “hảo ngọt”, đầy "máu dê" trong người. Các nghệ sĩ từng thể hiện thành công vai hài dê trong vở cải lương này phải kể đến: NSƯT Thanh Điền (vai quan Huyện), NSƯT Nam Hùng (vai thầy Đề), cố nghệ sĩ Nguyên Hạnh (vai thầy Lý)... Sau này, các nghệ sĩ khác cũng từng thành công trong việc chọc cười khán giả nhờ các vai trên có: NSƯT Việt Anh, Hữu Châu, Vũ Đức, Linh Trung, Hoàng Minh Vương, Hồng Tơ, Anh Vũ, Khánh Nam, Lê Quốc Nam, Vũ Thanh, Minh Béo, Hữu Nghĩa, Tấn Hoàng, Tam Thanh, Chánh Trực, Xuân Trang, Trường Giang, Vũ Văn Long, Hoàng Phi…
|
Danh hài Thanh Nam cũng có nhiều vai hề...dê trên sân khấu được khán giả yêu thích. |
Bên cạnh đó, trong hàng loạt các vở từ kiếm hiệp kỳ tình cho đến tâm lý xã hội trên sân khấu Đoàn cải lương Thanh Minh, Thanh Nga, Nhà hát Trần Hữu Trang như: Tiếng Hạc trong trăng, Tuyệt tình ca, Cây sầu riêng trổ bông, Tình rừng bạc biển, Nửa đời hương phấn,..., cố NSƯT Hoàng Giang đã khắc họa tinh tế cá tính của những nhân vật “dê”, mà hễ nhắc đến ông là khán giả cười. Cố NSƯT Trường Xuân, cố NSND Ba Vân…cũng là những danh hài để đời với những vai công tử hào hoa, kiếm khách đa tình có "máu dê" khiến khán giả không ít lần cười nghiêng ngã.
Nhưng hài "dê" không bó hẹp trong khuôn khổ những kiểu diễn thấy nhân vật nữ là cười "dê" hay nói lời tán tỉnh, chọc ghẹo mà các soạn giả và nghệ sĩ đều nỗ lực để sáng tạo, tránh nhàm chán cho khán giả, tạo ra nhiều cách thể hiện tính cách "dê" khác nhau. Như NSND Diệp Lang chứng tỏ bản lĩnh của mình qua vai Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu). Trong hai vai này người xem thấy ông "dê" cô Lựu, cô Lài nhưng không hời hợt như thường thấy mà mang chất "hiểm" bên trong. Chỉ với cái cười nhếch mép, ánh mắt nhìn trâng tráo nhân vật nữ, ông thể hiện rõ khát vọng chiếm đoạt, sự thâm hiểm của nhân vật đang hóa thân. Cũng tương tự, NSND Út Trà Ôn từng thể hiện thành công vai cậu Út trong vở Tần Nương Thất, một vai "dê" thâm độc, đáo để mà NSƯT Phương Quang đã nỗ lực thêm nhiều yếu tố mới lạ cho vai diễn này về sau.
Hài chứ không "lố"
Một trong những nghệ sĩ từng thể hiện thành công vai "dê" trên sàn diễn mà nhắc tên ai cũng nhớ là NSƯT Bảo Quốc. Ông từng hóa thân thành Lý trưởng (Vở “Thị Mầu”) - gã hương chức hội tề dốt nát, gặp mẹ Đốp nhìn được mắt nên buông lời "tán tỉnh". Nhưng gặp phải “ớt cay”, ông bị mẹ Đốp “lấy gậy ông, đập lưng ông”. Vai thứ hai là Trương Hầu trong vở “Tiếng trống Mê Linh” – nhân vật tay sai bán nước, rời bỏ vùng đất Mê Linh đầu hàng thái thú Tô Định, "dê" nàng Tía (do nghệ sĩ Kim Hương đóng) và bị cho ăn “đòn gánh”. Trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”, NSƯT Bảo Quốc đóng vai công tử Đinh Lăng theo đuổi Hiệu úy Kỳ Hoa, để rồi đau khổ vì bị nữ võ tướng này khinh bỉ do làm tay sai cho những gian thần.
|
NS hài Anh Vũ và Mỹ Chi. |
NSƯT Bảo Quốc tạo tiếng cười trong các vai "dê" bằng sự kết hợp giữa hình thể và ngôn ngữ nhưng ông thường ngẫu hứng trong giới hạn cho phép hơn là tuân thủ nghiêm ngặt kịch bản. Nhờ vậy, ông có nhiều sáng tạo, để cách "dê" của nhân vật lúc “hạ cấp”, “bỡn cợt” lúc đểu giả... “Tôi có nhiều vai dê được bà con khán giả thương, nhất là diễn với NSND Ngọc Giàu và Hồng Nga, hai bạn diễn nữ ăn ý nhất với tôi. Ngày xưa, khi được giao loại vai này tôi nghiền ngẫm suy tính kỹ rồi mới dám thể hiện. Vì "dê" cũng có đẳng cấp riêng như quan dê phải quý phái, mà quý phái theo từng cấp bậc. Diễn bậy sẽ làm hỏng nhân vật và xóa mờ hình ảnh của mình” - nghệ sĩ này chia sẻ.
Ông nói thêm trên thực tế, đàn ông thích biểu lộ ý thích đối với một bông hoa đẹp qua ngôn ngữ, hành động, ánh mắt và tiếng cười. Dân gian dựa vào đặc tính này mà ví von nhóm mày râu háo sắc là hiện thân của con dê tội nghiệp. Thật ra con dê đâu có lỗi gì, ngày xưa mấy hoạn quan hằng đêm cho dê kéo xe loan đi quanh “Tam cung lục điện”, hễ xe…dê dừng lại phòng nào, vua “ngự” tại phòng đó. Nhiều cung phi mua chuộc hoạn quan và họ dùng cách rải bông so đũa để dê quẹo vào phòng của các cung phi này và tội lỗi cứ thế đổ hết cho loài dê.
|
NS hài Hồng Tơ với chòm râu dê rất ấn tượng. |
Với nghệ sĩ Hồng Tơ, người từng thành công qua vai thầy Lý vở Ngao Sò Ốc Hến và nhiều vai "dê" khác cho biết: “Nhiều khán giả hỏi khi diễn vai "dê" về nhà bà xã có ghen không? Tôi trả lời liền: “Bà xã tôi còn khoái nữa, vì cô ấy hiểu "dê" trên sân khấu chỉ là diễn không phải thật ngoài đời nên không ghen”. Nghệ sĩ này thêm rằng thể hiện bất cứ nhân vật kể cả vai "dê" vẫn phải tuân thủ theo soạn giả và đạo diễn. Dẫu có sáng tạo, ngẫu hứng cũng phải trong giới hạn nhất định, đâu phải cứ diễn "dê" là cười sàm sỡ, ăn nói báng bổ là ra vai. Nghệ sĩ lão thành Văn Chung – cha đẻ của giọng cười "dê" độc đáo mà sau này nhiều danh hài học theo ông nói: “Để lớp diễn hài dễ nhớ khó quên, để mùa xuân luôn về với sàn diễn, sân khấu phải luôn thật và đẹp. Vai "dê" không thể diễn cường điệu, mà phải tuân thủ theo tình huống và kết hợp ăn ý với bạn diễn”.
|
Danh hài Bảo Quốc và NS Hồng Nga |
|
Danh hài Văn Chung - người sáng chế giọng cười dê độc đáo trên sân khấu cải lương - ông là bậc thầy trong việc thể hiện tính cách nhân vật dê - trong ảnh là vở Đời cô Lựu, ông diễn với NS Hồng Loan. |
Đồng tình với những nhận xét trên, NSND Thanh Tòng nhấn mạnh: “Để diễn rõ tính cách "dê" phải phối hợp với bạn diễn, không để tiếng cười lố bịch, vô duyên, do đó tránh tối đa việc diễn cương, diễn ẩu”.
Theo Thanh Hiệp/Người Lao động