Với người hâm mộ, việc chứng kiến nhiều nghệ sĩ mình yêu thích xuất hiện trong cùng một sản phẩm luôn là điều thú vị, nhất là trong một clip hài hước, thân thiết như Một mình có sao đâu.
Trong MV này, Đàm Vĩnh Hưng mời một dàn sao gồm: Trường Giang, Thành Lộc, BB Trần, Hải Triều, Quang Linh, Anh Đức, Dương Cẩm Lynh và Ngọc Thanh Tâm.
Trẻ hóa để không bị coi là hết thời?
Mr. Đàm còn ưu ái đến mức đưa tên của Trường Giang, Thành Lộc, BB Trần và Hải Triều lên tiêu đề của MV, cùng với rapper Karik, người đảm nhận đoạn rap được Trường Giang nhép khá ngọt trong MV. Điều này tương tự với MV Hello của Đàm Vĩnh Hưng hồi tháng 8, khi anh đưa tên các nghệ sĩ hợp tác như Binz, Hương Giang, Trấn Thành, Thánh Catwalk Sinon và Hữu Vi lên tiêu đề.
|
Tạo hình ông chú thập niên 1980 của Đàm Vĩnh Hưng trong MV. |
Điều này vừa chứng tỏ mối quan hệ khủng của Đàm Vĩnh Hưng, vừa cho thấy nỗ lực của anh trong việc bắt kịp giới nghệ sĩ trẻ như Binz và Karik. Ngược lại, ở khía cạnh nào đó, anh cũng cho họ cơ hội đến gần hơn với người hâm mộ của mình, vốn có số lượng khá đông đảo.
Mới đây, Đàm Vĩnh Hưng phản bác quan điểm cho rằng anh hết thời, nhưng rõ ràng nam ca sĩ cũng muốn kéo bản thân đến gần lứa 9X, 10X hơn khi mời Binz và Karik rap trong bài hát của mình. Bên cạnh đó, các MV đều mang tinh thần hài hước, giễu nhại (parody) đang thịnh hành, với tên bài hát giống như hashtag trên mạng xã hội (câu "Một mình có sao đâu"), cập nhật những thuật ngữ thời nay như FA hay "rich kid"... Đây là những yếu tố giúp một sản phẩm được viral.
Có thể thấy, Đàm Vĩnh Hưng đang nỗ lực trẻ hóa qua nhiều cách để đến gần hơn với công chúng trẻ, khi có ý kiến cho rằng lớp khán giả của anh chỉ dừng lại ở 8X, 7X.
|
Đàm Vĩnh Hưng nỗ lực trẻ hóa, bắt kịp xu hướng để đến gần hơn với giới trẻ. |
Mặc dù vậy, Mr. Đàm vẫn sống khá đúng với lứa tuổi khi trong MV Một mình có sao đâu, anh hóa thân thành ông chú với mốt vest thùng thình lỗi thời đúng nghĩa của từ "retro", phong cách giống của George Michael hay Modern Talking của dòng nhạc disco thịnh hành hồi thập niên 1980.
Đây cũng là một liên tưởng khá thú vị vì Đàm Vĩnh Hưng cũng giống một ông chú của nhạc Việt, đang tham gia vào cuộc đua MV vốn thuộc về các ngôi sao trẻ hơn của V-Pop. Điều này cho thấy Mr. Đàm vẫn đang rất nhiệt huyết và không muốn chững lại trên ngôi vị kỳ cựu, nhưng cũng góp phần tô đậm khoảng cách tuổi tác giữa anh và thế hệ trẻ kia.
"Lẩu thập cẩm" và xu hướng MV quy tụ nhiều sao
Cần phải xác định, MV quy tụ nhiều ngôi sao không phải điều tệ, thậm chí còn thú vị, nhưng biến MV thành nồi lẩu thập cẩm thì nên tránh. Điều đáng nói không phải là số lượng mà là cách các khách mời này xuất hiện: với diện mạo, kỹ xảo và thông điệp gì, mang lại hiệu quả nghệ thuật gì.
Một MV gây sốt trong năm nay là Girls Like You của Maroon 5 hợp tác với Cardi B tập hợp đến 26 ngôi sao nữ thuộc nhiều lĩnh vực, nổi bật nhất là Jennifer Lopez, Gal Gadot, Camila Cabello, Ellen DeGeneres, Mary J. Blige, Elizabeth Banks, Behati Prinsloo... Bên cạnh kỹ xảo biến chuyển bất ngờ giữa các cô gái khiến khán giả thích thú, MV còn có thông điệp tôn vinh phái nữ: dù với vẻ ngoài nào, khả năng gì, họ luôn là những cô gái thú vị, đáng yêu.
Có đến 26 khách mời phải xuất hiện trong 4 phút 30 giây, ê-kíp chọn cách xử lý rất tinh tế khi để tiết chế về thời lượng mỗi người xuất hiện nhưng đủ gây cảm xúc và truyền cảm hứng. Như vậy, MV Girls Like You không bị biến thành nồi lẩu thập cẩm.
Còn Một mình có sao đâu của Đàm Vĩnh Hưng, với thông điệp quá rõ ràng ngay từ tiêu đề bài hát, cũng hướng đến sự trẻ trung, lạc quan dù FA, ế và quá lứa. Chính vì vậy, lựa chọn lối diễn hài cường điệu như trong MV có thể phù hợp.
Nhưng với một số khán giả, MV này vẫn gây cảm giác như một nồi lẩu thập cẩm vì âm nhạc không cuốn hút, nội dung cũng không cao trào, các khách mời tất cả diễn tương tự nhau. Những chi tiết hài được lặp lại quá nhiều trở nên dễ đoán và không còn gây cười, chỉ dừng lại ở hài hình thể.
Ví dụ, trong cảnh đầu tiên, khi MC đám cưới (Anh Đức) đang nói, tất cả mọi người đều đồng loạt biểu cảm ngán ngẩm. Sau đó, trong cảnh ném hoa cưới, tất cả đều đùn đẩy bó hoa cho người khác. Phân đoạn Trường Giang xuất hiện với tư cách trưởng hội người yêu cũ và rap theo giọng Karik được sắp xếp để làm điểm nhấn, nhưng cũng không thoát khỏi sự nhàm và nhạt.
Nhàm và nhạt
Vấn đề của MV Một mình có sao đâu là nhàm và nhạt. Được đăng tải từ 13/11, đến hôm nay (16/11), MV có gần 558.000 lượt xem. Ngay dưới phần bình luận, một khán giả đặt câu hỏi: "Tại sao MV đầu tư mà lượt xem ít?". Những khán giả khác đã trả lời: "Không hay thì ít view", "Nhạc xàm chẳng có gì đặc sắc".
Nhưng đó chỉ là những bình luận cá biệt, còn lại, hầu hết bình luận đều khen ngợi MV hấp dẫn, bài hát hay, cuốn hút. Dễ thấy, đây là bình luận đến từ những người hâm mộ. Nhưng để một MV thành công thì không thể chỉ trông chờ vào người hâm mộ, nó còn phải chinh phục khán giả đại chúng.
Một đoạn giới thiệu về MV Một mình có sao đâu mô tả như sau: "Kịch bản MV thực tế nhưng đắt giá nhờ những tình tiết được sắp xếp hợp lý, bất ngờ, làm người xem nghẹt thở và thỏa mãn suốt từ đầu đến cuối". Lời giới thiệu là chiếc áo quá rộng với MV này.
Một khán giả khác bỏ công lý giải thêm: "Khán giả của Mr. Đàm hầu như thuộc thế hệ 7X, 8X, ít người trẻ. 9X thì ít khi nghe nhạc Mr. Đàm". Mặc dù vậy, chỉ khi đổi sang phong cách "ông chú" này, Đàm Vĩnh Hưng mới kén khán giả trẻ đến vậy. Còn MV Hello, với phong cách hiện đại trẻ trung cùng 3 cái tên Binz, Trấn Thành và Hương Giang, vẫn là sự làm mới mình khá hiệu quả.
Vấn đề của Mr. Đàm không phải là hết thời hay không, mà nhóm khán giả đông nhất của anh không thuộc thế hệ cày view.
Theo Hạ Huyền/Zing