Sự sôi động của các sân khấu biểu diễn là một trong những yếu tố cho thấy thị trường nhạc Việt đã hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2022. Từ những sân khấu “đốt tiền” của các nhãn hàng, một loạt lễ hội âm nhạc ngoài trời, các đêm diễn cố định theo chuỗi, cho đến sân khấu bar hay club, giúp giới ca sĩ có nhiều “đất” để đi diễn hơn. Và từng sân khấu đó phân định rõ mức cát-xê của từng nhóm ca sĩ.
|
Những lần Sơn Tùng diễn cho show nhãn hàng có cát-xê rất cao.
|
Đâu là “gà đẻ trứng” của giới ca sĩ?
Vài tháng trước, cộng đồng mạng từng xôn xao trước tin cát-xê của Sơn Tùng đã cán mốc 1 tỷ đồng/show. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, mức cát-xê “điên rồ” đó của Sơn Tùng là sự thật. Cụ thể, từ cuối năm 2021, một nhãn hàng thương mại điện tử từng trả cho ca sĩ gốc Thái Bình hơn 1 tỷ đồng để diễn kết show. Gần nhất, Sơn Tùng là “VIP” trong một sự kiện ra mắt xe, với cát-xê cũng lên đến 10 con số.
“Show của nhãn hàng đang trả cát-xê cao nhất cho ca sĩ. Lý do bởi ca sĩ không chỉ biểu diễn, mà gật đầu với nhiều điều khoản kèm theo của nhãn hàng như: mặc trang phục theo sắp xếp của nhãn hàng, thỏa thuận sử dụng hình ảnh. Đó là lý do có sân khấu cát-xê lên tới tiền tỷ đồng, nhưng ca sĩ phải trả nhiều quyền lợi trước và sau biểu diễn”, một bầu show chia sẻ với Tiền Phong.
Bầu show này tiết lộ cát-xê của Sơn Tùng vẫn tăng đều hàng năm, chứng tỏ giọng ca sinh năm 1994 duy trì rất tốt sức hút. Tuy nhiên, không có nhiều show sẵn sàng kinh phí để mời Sơn Tùng biểu diễn. Thực tế, trong năm 2022, số lần chủ nhân hit Hãy trao cho anh đi diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sau Sơn Tùng, Mỹ Tâm là gương mặt được săn đón cho các show của nhãn hàng. Mỗi lần góp mặt của Mỹ Tâm ở show của nhãn hàng có cát-xê không dưới 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, giới âm nhạc đồn thổi Hà Anh Tuấn, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà và rapper Binz là những nghệ sĩ tiếp theo có mức cát-xê rất cao trên thị trường nhạc Việt.
Một số tên tuổi khác của thị trường, như Hoàng Thùy Linh, Trúc Nhân, SOOBIN Hoàng Sơn, Tóc Tiên, Erik, cát-xê không cao như nhóm ca sĩ kể trên. Thế nhưng, nhóm này nằm ở phân khúc cát-xê trung bình khá, phù hợp cho show của nhiều nhãn hàng. Họ là những nghệ sĩ phủ sóng mạnh nhất trong các sân khấu âm nhạc trong năm 2022, lấy số lượng bù chất và trải qua một năm “bội thu”.
Cát-xê thể hiện thị trường show ngày càng đi lên. Giờ đây, các ca sĩ có nhiều phương án để tối ưu lịch chạy show. Điển hình một số màu sắc âm nhạc đặc thù như ballad, nay đã có chuỗi show ổn định, đầy tiềm năng như các tụ điểm ở Đà Lạt, bên cạnh hệ thống phòng trà.
Tăng Phúc, Trương Thảo Nhi, Trung Quân, Hà Nhi, Mai Tiến Dũng đã chạy show liên tục trong những tháng cuối năm 2022, với cát-xê dao động khoảng 70-100 triệu đồng.
|
Cát-xê Mono lên hơn 100 triệu đồng chỉ sau một đêm Waiting For You gây chú ý.
|
Những cú bứt phá
Năm 2022, thị trường nhạc Việt có 2 hiện tượng nổi bật là Mono và Hieuthuhai.
Mono là “cú nổ” trong năm qua, khi tỏa sáng nhờ ca khúc Waiting For You. Cái mác “em trai Sơn Tùng” cũng giúp giọng ca sinh năm 2000 một bước thành ngôi sao trên thị trường. Ngay sau khi Waiting For You nổi lên, cát-xê của Mono đã trên dưới 100 triệu đồng/show. Còn hiện tại, cát-xê của em trai Sơn Tùng không dưới 200 triệu đồng.
Hieuthuhai vươn tầm thành rapper ngôi sao trong năm 2022. Ca khúc Vệ tinh của Hieuthuhai và Hoàng Tôn gây chú ý vào tháng 8/2022. Sau đó, việc góp mặt trong một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng, của công ty chủ quản, giúp Hieuthuhai thăng tiến vượt bậc. Gần nhất, hiện tượng Ngủ một mình trên TikTok giúp Hieuthuhai khép lại một năm đại thắng.
Cát-xê của Hieuthuhai giờ không dưới 150 triệu đồng/show. Anh là gương mặt được các nhãn hàng tranh nhau tiếp cận trong vài tháng qua. Cát-xê, giá trị hình ảnh của Hieuthuhai dự đoán còn tăng vọt trong vài tháng tới. Cùng Mono, Hieuthuhai tạo ra cú bứt phá đột biến bậc nhất lịch sử nhạc Việt về cát-xê.
Qua khảo sát từ các bầu show, những người tổ chức sự kiện của nhãn hàng, thị trường dần xoay chuyển linh hoạt ở việc cát-xê phụ thuộc vào sức hút ngay thời điểm đó của ca sĩ.
Ví dụ Miu Lê, nhờ thành công của Vì mẹ anh bắt chia tay - MV có lượt xem cao nhất trên YouTube trong năm 2022 - nay cát-xê tăng đột biến. Karik trở lại ngoạn mục bằng MV Có chơi có chịu - giữ top 1 thịnh hành âm nhạc trên YouTube - cũng tăng ít nhất 50 triệu đồng cát-xê so với khi chưa ra sản phẩm.
|
Mỹ Tâm tổ chức thành công show cá nhân, quy mô 30.000 khán giả.
|
Điểm tối
Sự oanh tạc của các nhãn hàng giúp thị trường show được kích nhanh chóng. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, sự phát triển của các loại hình biểu diễn do ca sĩ thực hiện như Live Show, Concert chưa khởi sắc. Năm 2022, Mỹ Tâm, Đen Vâu, Vũ Cát Tường, Hà Anh Tuấn, Vũ, Hoàng Dũng, nhóm SpaceSpeakers, Hồ Ngọc Hà và nhiều nghệ sĩ khác tổ chức đêm diễn.
Nhiều show của các nghệ sĩ “ế vé”. Tri Âm của Mỹ Tâm với 30.000 khán giả là điểm sáng. Phần còn lại là những show diễn với quy mô khán giả trung bình thấp. Trong khi đó, những đêm diễn hút nhiều khán giả nhất trong năm 2022, bên cạnh Tri Âm, là các sân khấu ngoài trời, miễn phí vé, hoặc phát hành vé qua hình thức linh động hơn, thay vì mở bán.
Mỹ Tâm là ca sĩ hiếm hoi đủ khả năng nhanh chóng bán “cháy vé” với đêm diễn quy mô hàng nghìn người. Hà Anh Tuấn là cái tên tiếp theo bảo chứng cho thành công khi tổ chức Concert. Với phần còn lại, tổ chức đêm diễn cá nhân với quy mô hàng nghìn khán giả là cả vấn đề, trước tiên từ khâu bán vé. Còn tổ chức Live Show, Concert có lãi là bài toán nan giải với rất nhiều tên tuổi trên thị trường.
“Vài năm gần đây, các nhãn hàng vung tiền tổ chức show để quảng bá sản phẩm của họ. Gần nhất, trong show có CL tại TP.HCM, đơn vị tổ chức phân phát vé linh hoạt. Phần lớn show của brand có thể xem miễn phí, do đó nhiều khán giả có tâm lý đi show miễn phí. Họ ngại chi vài trăm nghìn đồng để mua một tấm vé thật sự đi xem Concert. Chưa nói đến các Concert lớn, với tấm vé ở vị trí đẹp, có giá vài triệu đồng, càng khó để bán”, một người chuyên tổ chức các show chia sẻ với Tiền Phong.
Gần đây, một lễ hội âm nhạc hoành tráng, với sự góp mặt của nghệ sĩ từng đoạt giải Grammy chật vật trong khâu bán vé. Nhưng cũng chính sự kiện đó, tổ chức miễn phí lại thu hút đông khán giả. Nhiều khán giả chưa có chi tiền để ủng hộ ca sĩ, thưởng thức các sản phẩm âm nhạc chất lượng. Thế nên mặt bằng giới ca sĩ chưa thể “ăn nên làm ra” từ âm nhạc thuần túy, mà hiện tại vẫn phụ thuộc vào nhãn hàng.
Điều đó cũng tương ứng chuyện một ca khúc của ca sĩ trên thị trường nhạc Việt, hiện thu về không nhiều nguồn lợi nhạc số. Thay vào đó, ca sĩ phải làm MV, bán hình ảnh cho các nhãn hàng để kiếm tiền quảng cáo. Phụ thuộc nhãn hàng là câu chuyện "nhức nhối" với nhiều ca sĩ, vì ít nhiều áp đảo sự tự nhiên của sản phẩm âm nhạc. Song, họ chấp nhận vì bài toán kinh tế.
Theo An Nhiên/Tiền Phong