NSƯT Thanh Hoàng qua đời vào 26.7 sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Sự ra đi của ông để lại niềm đau xót cho giới nghệ sĩ bởi tài năng, sự cống hiến và cả phẩm chất hiền lành. Gia tài của NSƯT Thanh Hoàng không chỉ có “Dạ cổ hoài lang” mà “Con nhà nghèo” và “Nợ đời” cũng là thành công của ông.
Chúng tôi xin giới thiệu góc nhìn của đạo diễn Hồ Ngọc Xum – “cha đẻ” của hàng loạt phim điện ảnh, truyền hình nổi tiếng như Lệnh truy nã, Phía trước là bầu trời, Giá mua một thượng đế, Ngọn cỏ gió đùa… về một nghệ sĩ Thanh Hoàng tài năng và đức độ.
|
Cố nghệ sĩ Thanh Hoàng lúc sinh thời. |
Bước ngoặt không ngờ của NSƯT Thanh Hoàng sau Dạ cổ hoài lang
Tôi gặp Thanh Hoàng khi cậu ấy đã thành công với Dạ cổ hoài lang, một vở diễn sống mãi với thời gian. Tôi từng chuyển thể Ngọn cỏ gió đùa của nhà văn Hồ Biểu Chánh do chị Việt Linh chắp bút. Nhưng đến khi bắt tay làm Con nhà nghèo, tôi lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm biên kịch.
Tôi gặp Thanh Hoàng và bèn xin với ban giám đốc TFS cộng tác với cậu ấy. Hoàng bảo từ xưa đến giờ chưa viết kịch bản phim, mà lại là phim nhiều tập nên cậu ấy nhát tay. Tôi nói anh em mình cùng làm, Thanh Hoàng tập trung chắp bút, tôi và anh Nguyễn Hồ sửa ngôn từ theo từng tập. Thế là cậu ấy bắt tay vào làm.
|
Là tác giả nổi tiếng của sân khấu kịch, Thanh Hoàng tiếp tục mở rộng vai trò biên kịch phim truyền hình. |
Thanh Hoàng từng thành công với Dạ cổ hoài lang, tôi tin cốt truyện của cậu ấy đậm chất nhân văn lại có đầy đủ yếu tố cảm xúc. Thật vậy, mặc dù đây là phim truyền hình đầu tay của Thanh Hoàng với tư cách biên kịch nhưng cậu ấy viết rất chắc tay. Các nhân vật từ tiểu thuyết sang phim không chỉ sống động vì bằng xương bằng thịt, mà tính cách còn rất gần gũi với đời sống nhờ bám sát đời sống. Điều này chứng tỏ tính sáng tạo của Thanh Hoàng.
Với dàn diễn viên hùng hậu từ NSND Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Minh Phượng bên cạnh các gương mặt trẻ nhw Cao Minh Đạt, Bảo Châu, Đỗ Mai Nhất Tuấn giúp Con nhà nghèo tạo được tiếng vang lớn vào năm 1999. Đánh dấu bước ngoặt của việc chuyển thể các tác phẩm văn học lên màn ảnh.
Tôi vốn yêu chất Nam Bộ thuần khiết, nhân hậu và phóng khoáng của nhà văn Hồ Biểu Chánh, lại càng thêm yêu sự chân chất, mộc mạc và nhân văn của Thanh Hoàng. Cậu ấy đã thổi vào đó linh hồn mộc mạc, truyền đạt cốt cách Nam Bộ và sự nhân văn vào từng nhân vật.
Sau thành công của Con nhà nghèo, tôi đặt Thanh Hoàng viết tiếp Nợ đời cũng của Hồ Biểu Chánh. Nhưng với số lượng nhiều tập thì trong Nợ đời không đủ tình tiết nên tôi nói Thanh Hoàng tham khảo thêm Cô ba Trà. Tác phẩm này thành công không kém và Hoàng tiếp tục ghi dấu ấn với vai trò diễn viên bằng vai diễn thần Phán.
|
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum nổi tiếng với các phim của Hồ Biểu Chánh. |
Mặc dù cái cốt của 2 tác phẩm đều thuộc Hồ Biểu Chánh nhưng Thanh Hoàng sửa lại cái kết có hậu và được người xem đồng tình. Các nhân vật trong phim được Hoàng xây dựng rất chặt chẽ, toàn bộ tình tiết đều có sự sáng tạo rõ rệt chứ không phải bê từ tiểu thuyết sang.
Từ Con nhà nghèo đến Nợ đời cho thấy sự phát triển của biên kịch Thanh Hoàng, anh không còn là gương mặt mới nữa mà là một tác giả tài ba dù đây chỉ là phim truyền hình thứ 2. Tôi có dùng 2 tác phẩm này để làm một mốc lý luận về mối quan hệ giữa văn học và kịch bản truyền hình.
Thanh Hoàng đã tâm sự khi chuyển thể kịch bản này: “Dù câu chuyện của Hồ Biểu Chánh diễn ra trong những thập niên đầu thế kỷ XX nhưng tôi tin là có thể tạo nên được âm hưởng hiện đại. Đó là ảo tưởng hạnh phúc trong câu chuyện các cô gái dùng nhan sắc để tiến thân, tiền bạc thì có nhưng hạnh phúc thì không. Sâu xa hơn, theo tôi, còn là bài học nhân quả. Cuộc đời này là chuỗi vay trả, nợ đời đều do chính mình mà ra cả...”.
Mối duyên giữa Thanh Hoàng với Việt Trinh và Mỹ Uyên
Sau này, tôi và Thanh Hoàng còn có dự định làm thêm một số phim được chuyển thể từ văn học như Đại nghĩa diệt thân, Lòng dạ đàn bà, Vợ già chồng trẻ phiên bản điện ảnh. Nhưng lúc đó cậu ấy đảm nhận chức vụ Giám đốc sân khấu kịch 5B nên kế hoạch lùi lại.
Chúng tôi vẫn còn lý tưởng đưa tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh lên màn ảnh rộng nhưng có lẽ thời điểm đó, các nhà đầu tư thấy tích xưa và nay chưa thật sự hút khách, họ sợ không lấy lại vốn nên anh em đành tạm gác dự án này. Sau đó, Thanh Hoàng vừa bệnh lại vừa đóng phim nên viết ít hơn.
|
Cố nghệ sĩ Thanh Hoàng trong phim Nợ đời. |
Thanh Hoàng là diễn viên có nghề, cũng từng đóng phim truyền hình trước đó rồi nên khi vừa là biên kịch, vừa là diễn viên nên tha hồ vùng vẫy.
Nội dung phim Nợ đời nói về cô Hai Phục (Việt Trinh đóng), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cô được gia đình thầy giáo Hiền đem về nuôi làm phước. Năm Hai Phục lên 16, bỗng nhiên có gia đình người chú muốn đem cô cháu về thành phố cho ăn học. Mừng vì từ nay thoát khỏi cuộc đời chăn trâu cắt lúa dầm dãi nắng mưa, Hai Phục hớn hở bước ra khỏi làng quê nghèo khó. Nhưng trái với những gì cô nghĩ, lên thành phố, cô trở thành người ở đợ cho nhà chú thím.
Quá bức xúc vì mất niềm tin, Hai Phục về ở với Ba Có (Mỹ Uyên) - một phụ nữ vốn ôm mối hận tình, tiếng là giúp Hai Phục đạt được sự sang giàu nhưng tình thật để nhằm trả thù đàn ông, trong đó có thầy Phán (Thanh Hoàng).
Song dẫu rằng chỉ muốn dùng sắc đẹp để mồi chài, trái tim Hai Phục vẫn dành tình yêu cho Cử Hùng (Nguyễn Hoàng), một thanh niên con nhà giàu, yêu chân thành nhưng vì còn quá trẻ nên đã chạy trốn khi biết người yêu mang thai. Dầu vậy, sau khi tốt nghiệp luật sư ở Pháp về, Cử Hùng đã tìm gặp và cưới Hai Phục làm vợ. Nhưng cuộc đời Hai Phục lại cứ trải qua bao thăng trầm, cuối cùng trở về với mối tình đầu chung thủy - thầy giáo Hiền.
Lúc đó, Việt Trinh đã là một ngôi sao, nhưng tôi cũng không cả nể hay chiếu cố. Nhưng nhờ vậy, cô ấy ngày càng lão làng hơn với các vai diễn nặng ký. Mỹ Uyên may mắn trúng vai, xây dựng được hình tượng phụ nữ mang niềm uất hận với đàn ông và biến người khác thành vũ khí để trả thù. Thanh Hoàng lại vào vai người đàn ông thành đạt, yêu say đắm người đàn bà nổi tiếng Nam Kỳ nhưng không ngờ mình chỉ là bàn đạp của phụ nữ.
|
Việt Trinh và Mỹ Uyên trong phim đóng chung với cố nghệ sĩ Thanh Hoàng. |
Ở phim trường, Thanh Hoàng lột tả vẻ cuồng si, mê dại của thầy Phán trước vẻ đẹp và tài năng của Việt Trinh. Đây cũng là thước phim đắt giá nhất. Dù chỉ là tuyến nhân vật phụ, nhưng Thanh Hoàng bỏ hết công sức, tâm tư cho vai diễn.
Ở "Con nhà nghèo", Thanh Hoàng lại vào vai phản diện cậu Hai Nghĩa rất xuất sắc. Đặc biệt ở chi tiết cuối cùng, khi người con biết đó là cha mình nhưng đi ngang vẫn không nhìn mặt thì sự đau khổ của Thanh Hoàng mang lại cảm xúc rất mạnh.
Tôi nhớ bữa đầu tiên người ta tới sân khấu 5B xem và chỉ Thanh Hoàng là cậu Hai Nghĩa, tức là người ta nhớ nhân vật của cậu ấy trong phim Con nhà nghèo.
Nhưng Thanh Hoàng không chỉ biết cho riêng mình, cậu ấy còn quan tâm và nâng đỡ cho thế hệ đàn em như Mỹ Uyên, Nhất Tuấn, Cao Minh Đạt… Khi viết kịch bản, Thanh Hoàng còn ngồi bàn luận, giải thích tâm lý nhân vật cho diễn viên để họ dễ nắm bắt. Ai đuối sức, cậu ấy lại nâng đỡ họ.
Theo Kim Chi/Dân Việt