MC Thành Trung bày tỏ: "Tôi xin nói lại để mọi người rõ những gì đã diễn ra trong sô của Trường Giang ở Sài Gòn. Đó là trong một đêm thời tiết mưa rất to và lúc đó khán giả ngồi kín sân khấu Trống Đồng. Có khán giả mặc áo mưa ngồi trước cả nửa tiếng trước khi chương trình bắt đầu.
Khi bước ra sân khấu nhìn thấy hình ảnh ấy tôi cảm thấy xúc động và nói rằng: Là một nghệ sĩ phía Bắc tôi cảm nhận sự hạnh phúc của anh em nghệ sĩ miền Nam khi được đón nhận ủng hộ từ khán giả như vậy. Bởi chúng tôi là nghệ sĩ ở Hà Nội đôi khi có những sô diễn trong nhà hát nhìn xuống hàng ghế chỉ có 3,4 hàng ghế có khán giả".
|
Thành Trung và Trường Giang. |
Cũng theo MC Thành Trung, vì từng chứng kiến với tư cách diễn viên nên anh bộc bạch như vậy và không nghĩ rằng câu nói của mình trở thành đề tài để các nghệ sĩ hài hai miền Nam - Bắc phải nói qua nói lại.
Nam MC nhấn mạnh trong câu nói của anh không có sự so sánh tài năng hay sức hút của các nghệ sĩ giữa hai miền Nam Bắc bởi hai miền mỗi nghệ sĩ có nét riêng của mình, những nét diễn hay khả năng phù hợp với văn hoá vùng miền nơi họ sống đó chính là cách yêu thương của khán giả dành cho nghệ sĩ.
"Với sự nhiệt tình của một số anh chị phóng viên đã tạo ra sự hiểu lầm, thành ra câu chuyện tôi nghĩ rằng đáng ra không nên có" - MC Thành Trung nói.
Thành Trung chia sẻ khán giả miền Nam có cách yêu nghệ sĩ khác với miền Bắc. Anh nói: "Ở Sài Gòn, dù là khán giả nào, làm công việc gì họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé bất chấp trong nhà hay ngoài trời. Trong khi đó khán giả ở Hà Nội cũng rất yêu nghệ sĩ nhưng ủng hộ bằng cách ngồi ở nhà bật tivi theo dõi các chương trình có nghệ sĩ đó.
Ở Hà Nội các khán giả bỏ tiền ra mua vé ngồi nhà hát hoặc ở ngoài thường phải là người có thu nhập chứ người dân bình thường điều này ít hoặc rất hiếm. Đó cũng giải thích vì sao ở Hà Nội ít tụ điểm và ít sân khấu hơn là TP.HCM".
Theo Thành Trung, hàng năm ở TP. HCM các nghệ sĩ hài đều có liveshow cho riêng mình. Họ đều nhận sự ủng hộ của khán giả. Trong khi đó ở Hà Nội không phải nghệ sĩ nào cũng dám làm liveshow, đơn giản không phải tài năng mà họ luôn tính mình làm như vậy khán giả có đến ủng hộ hay không dù họ rất yêu thương nhưng lại có cách thể hiện hoàn toàn khác. Và cách ủng hộ đó không giúp họ tự tin làm ra các liveshow cho riêng mình.
"Đối với các nhà hát với sân khấu xã hội hoá ở Sài Gòn, chúng ta thấy có những đêm diễn hết vé trước cả tháng. Có vở diễn khán giả xếp hàng mua vé trong khi đó ở Hà Nội có những vở diễn không phải đêm nào cũng kín. Có những đêm chỉ có một nửa khán giả. Có đêm 1/3 khán giả. Đó là sự thật xảy ra từ nhiều năm do đó những nghệ sĩ luôn canh cánh làm sao để ngày càng lôi kéo khán giả đến xem đông hơn nhưng điều này rất khó bởi văn hoá nằm trong tiền thức của khán giả Hà Nội" - MC điển trai nói.
Thành Trung bảo muốn nói một lần duy nhất về vấn đề này khép lại sự việc để những ai còn đang tranh cãi, thắc mắc sẽ hiểu rõ hơn. "Tôi tự hào mình là nghệ sĩ đứng trên sân khấu phía Bắc và lúc này cũng tham gia một số sân khấu phía Nam nên rất hiểu cách yêu thương của khán giả hai miền và rõ ràng với việc khán giả yêu thương mình bằng cách đến ủng hộ trực tiếp họ sẽ có cơ hội để sống và sống tốt so với việc khán giả chỉ đến xem khi được tặng vé hay chương trình miễn phí thông qua truyền hình.
Tôi cũng xin nói rằng những ai mượn câu nói của tôi để tạo ra mâu thuẫn giữa nghệ sĩ hai miền Nam Bắc là không nên bởi dù Nam hay Bắc chúng ta đều là người Việt Nam và phải học hỏi lẫn nhau. Những nghệ sĩ miền Nam học nghệ sĩ phía Bắc bởi sự sâu sắc và mảng miếng. Nghệ sĩ phía Bắc phải học sự chuyên nghiệp, làm mới mình, cập nhật của các nghệ sĩ miền Nam".
>>> Mời quý độc giả xem video về hoa hậu Diệu Ngọc (nguồn Zing):
Theo Sơn Hà/Vietnamnet