Đạo diễn – NSƯT Đỗ Thanh Hải đã có nhiều năm làm việc và gắn bó với NSƯT Phạm Bằng, kể từ khi chương trình Gặp nhau cuối tuần ra mắt (năm 2000).
Trong sự tưởng nhớ của vị đạo diễn chất chứa niềm trân trọng, yêu kính, anh gọi nghệ sĩ Phạm Bằng theo cách trìu mến, thân thuộc như vẫn từng gọi, là "bố Bằng".
Cười thâm thúy như Phạm Bằng
Nghệ sĩ Phạm Bằng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên góp mặt và làm nên thương hiệu cho chương trình hài Gặp nhau cuối tuần từ những năm 2000. Khi ấy, các chương trình hài chưa bùng nổ tràn lan như bây giờ. Gặp nhau cuối tuần là chương trình duy nhất về tiểu phẩm hài, được các nghệ sĩ phía Bắc chăm chút đầu tư để cuối tuần lên sóng phục vụ khán giả.
Phạm Bằng, Quốc Khánh, Quang Thắng, Vân Dung là bộ tứ được lựa chọn cho loạt tiểu phẩm có chủ đề Chuyện của sếp (do đạo diễn - NSND Khải Hưng thực hiện). Giữa một cô thư ký Vân Dung đỏng đảnh và 2 anh nhân viên bợ đỡ, nịnh nọt là sếp Bằng với vẻ ngoài cương nghị, luôn tỏ ra nghiêm khắc nhưng bên trong lại sa đọa, suy đồi.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn nhớ: “NSƯT Phạm Bằng thời kỳ ấy đã là một diễn viên gạo cội. Phạm Bằng cùng với Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Trần Tiến những năm ấy là diễn viên hài xuất sắc của miền Bắc. Họ không chỉ là diễn viên nổi tiếng của sân khấu, mà còn là nghệ sĩ rất giỏi của truyền hình”.
|
Nghệ sĩ Phạm Bằng và Quốc Khánh trong loạt tiểu phẩm Chuyện của sếp (do đạo diễn - NSND Khải Hưng thực hiện) trong Gặp nhau cuối tuần. Ảnh: VTV. |
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, chính thế hệ của những diễn viên hài xuất sắc như Phạm Bằng, Trịnh Mai, Trịnh Thịnh, Trần Tiến đã làm nên sự khác biệt giữa hài miền Bắc và hài miền Nam.
"Những nghệ sĩ lớn ấy không gây cười bằng trò thọc lét, làm hề, họ khiến khán giả cười bằng sự nhấn nhá, tưng tửng, duyên dáng mà đầy trí tuệ. Tiếng cười của hài miền Bắc là sự thâm thúy, châm biếm, đả kích, trào lộng… Và về cách diễn thâm thúy, Phạm Bằng xứng đáng được gọi là: tượng đài" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Câu chuyện ‘Ai bảo cậu đưa phong bì cho tôi?’
Khi tham gia Gặp nhau cuối tuần, nghệ sĩ Phạm Bằng tuổi đã cao, nhưng vẫn luôn là nghệ sĩ đến sớm nhất, nghiêm túc nghiên cứu kịch bản, học thuộc thoại, suy tư về cách diễn để khi đứng trước máy quay, ông có thể diễn theo cách tốt nhất.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn nhớ cách nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng đến mức đáng nể của nghệ sĩ Phạm Bằng.
|
NSƯT Phạm Bằng. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Nghệ sĩ Phạm Bằng rất giỏi trong cách nhấn nhá lời thoại. Lúc nào bố Bằng cũng đọc kỹ thoại để tìm cho ra ý châm biếm, đả kích. Ví dụ, có lần Công Lý vào vai một nhân viên tìm đến nhà sếp đưa phong bì. Bố Bằng trong vai sếp có một câu thoại là" “Ai bảo cậu đưa phong bì cho tôi?”.
Nếu đọc trên kịch bản văn học, câu thoại đó rất bình thường. Nhưng khi diễn, bố Bằng vẫn với vẻ mặt bình thản, cương nghị, nghiêm khắc, song lại đọc thoại nhấn nhá, “Ai bảo cậu? Đưa phong bì cho tôi!”. Chỉ một câu thoại đó, đã làm toát lên bản chất xấu xa của ông sếp vẫn luôn được che giấu sau vẻ mặt cương nghị, nghiêm khắc” – đạo diễn Táo quân nhớ lại.
Trong ký ức của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, câu chuyện “Ai bảo cậu đưa phong bì cho tôi” đã trở thành kinh điển sau này. Những diễn viên trẻ như Xuân Bắc, Công Lý, Quang Thắng, Tự Long đã học được rất nhiều về cách diễn thoại nhấn nhá cho ra ý châm biếm của "bố Bằng".
"Về cách diễn thoại, nghệ sĩ Phạm Bằng là sư phụ của thế hệ những diễn viên sau này như Công Lý, Xuân Bắc…"- đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định.
‘Phải diễn như thế nào để được như bố Bằng’
Trong biết bao nhiêu ký ức ùa về, trong hỗn độn những kỷ niệm chồng chéo, trong những câu chuyện thân quen, thương xót, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhớ nhất những năm làm Táo quân, khi sức khỏe của "bố Bằng" còn cho phép tham gia, ông không ngại thức đến 12h đêm cùng tập với những diễn viên trẻ. Sau này, Táo quân nhiều năm vẫn mời NSƯT Phạm Bằng nhưng ông không còn đủ khỏe để tham gia lịch tập.
Người nghệ sĩ ấy ra đi đã để lại biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp cho những người ở lại về tài năng và nhân cách sống.
|
NSƯT Phạm Bằng ra đi đã để lại biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp trong lòng người ở lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Bố Bằng là người rất hiền lành. Ông là hình ảnh chuẩn mực về người Hà Nội xưa. Bố Bằng không to tiếng với ai bao giờ. Lúc nào cũng chừng mực, chín chắn. Khi vợ mất, ông sống lặng lẽ hơn. Các con đều ở xa. Đằng sau mỗi vai diễn, ông trở về với quán bánh trôi tàu. Cuộc sống rất đỗi giản dị.
Ông gần gũi, thân thuộc như thế với chúng tôi ngoài đời. Với công việc, cũng theo một cách gần gũi khác, đầy gắn bó, đầy tâm huyết, để mỗi người từng làm việc cùng ông như chúng tôi, khi đứng trước ông, khi nói về ông đều muốn bày tỏ sự trân trọng, kính phục" - đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày tỏ.
Từ những năm 2000, Phạm Bằng đã trở thành "sư phụ" của một thế hệ diễn viên như Xuân Bắc, Công Lý… Đến bây giờ, mỗi khi tập một vở hài, muốn có một cách nhấn nhá thoại cho ra chất trào lộng, các nghệ sĩ vẫn nói với nhau, “diễn thế nào để được như bố Bằng”.
Cũng từ những năm 2000, Phạm Bằng đã trở thành nghệ sĩ gần gũi với hàng triệu người Việt Nam, để đến hôm nay, hòa trong nước mắt tiễn đưa ông, khán giả và bạn bè, đồng nghiệp sẽ kể cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp về người nghệ sĩ ấy.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là nghệ sĩ đa năng khi vừa đóng kịch, đóng phim, diễn hài.
Ông từng đoạt hai huy chương Vàng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc với vai Lý Trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt và vai Thương trong Mớ đời Thương.
Với điện ảnh, ông ghi dấu trong phim Ngày lễ thánh, Đất mẹ. Ông là một trong những nghệ sĩ không thể thiếu của chương trình Gặp nhau cuối tuần.
Nghệ sĩ gốc Hà Nội trút hơi thở cuối cùng lúc 20h ngày 31/10, sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật.
>>> Mời quý độc giả xem video Nam ca sĩ Minh Thuận qua đời (nguồn VTC):
Theo Hiền Hương/Zing News