LS Trương Quốc Hòe – Trưởng Văn phòng luật sư Interla: Hôn nhân đồng giới đang dần được “thừa nhận”
PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết pháp luật Việt Nam quy định thế nào về hôn nhân đồng tính và hiện tại Việt Nam đã thừa nhận hôn nhân đồng tính hay chưa?
- Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính (hôn nhân đồng giới) có sự thay đổi qua các thời kì:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì pháp luật cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 Điều 10 Luật Hôn nhân gia đình 2000). Cũng theo quy định tại giai đoạn này thì hành vi kết hôn giữa những người cùng giới tính có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng theo Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến Luật Hôn nhân và gia đình 2014, pháp luật không còn quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính mà theo quy định tại khoản 2 Điều 8 thì: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không còn nghiêm cấm việc kết hôn đồng giới nhưng nhà nước cũng chưa thừa nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính. Điều này có nghĩa là theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam hiện tại thì những người đồng giới không thể đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền, các cặp đôi đồng giới không được cấp chứng nhận kết hôn. Những người đồng giới có thể tổ chức đám cưới để công bố với mọi người về mối quan hệ của họ nhưng việc chung sống bị mất đi nhiều quyền lợi như các cặp vợ chồng được luật pháp công nhận.
Việc bỏ quy định nghiêm cấm kết hôn đồng tính là một điểm hoàn toàn mới và có thể coi là một bước tiến mới trong hệ thống pháp luật nước ta nói chung và trong Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng bởi: Quy định này loại bỏ được phần nào những mặc cảm xã hội của những người đồng tính, giúp giảm bớt áp lực xã hội lên bố mẹ, giảm căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái và một phần nào đó giúp xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới.
Với những cá nhân, tổ chức ủng hộ hôn nhân đồng giới thì việc xóa bỏ đi quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính sẽ là tiền đề để tiến tới thừa nhận hôn nhân đồng giới trong tương lai.
PV: Vậy Luật sư có quan điểm như thế nào về vấn đề hôn nhân đồng giới?
- Kể từ khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được thông qua và có hiệu lực với việc bỏ đi quy định về nghiêm cấm kết hôn đồng giới thì đã có nhiều cuộc thảo luận, trao đổi về việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới.
Theo quan điểm của tôi, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam cần phải được xem xét kỹ trên nhiều phương diện: đạo đức, tập quán, văn hóa và pháp luật.
Có ý kiến cho rằng hôn nhân đồng giới không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều này xuất phát từ nền tảng nước ta là một nước Á Đông, còn nặng về vấn đề tư tưởng trong hôn nhân, gia đình, việc sinh con để duy trì nói giống đã trở thành hình ảnh gia đình ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt Nam vì vậy không dễ dàng thay đổi được một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế vì mặc dù pháp luật chưa thừa nhận nhưng nhiều cặp đôi đồng giới đã chung sống hạnh phúc với nhau. Việc công nhận hôn nhân đồng giới trong tình huống này thực chất là hợp pháp hóa hôn nhân thực tế của những người đồng giới. Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới sẽ mang lại cho từng cá nhân cảm giác an toàn về mọi khía cạnh của cuộc sống chung.
Không giống như trước đây, hiện tại, xã hội Việt Nam cũng đã có cái nhìn thiện cảm hơn về mối quan hệ đồng giới. Vì vậy, xét theo khía cạnh xã hội thì hôn nhân đồng giới phần nào đó đang dần được “thừa nhận”.
Xét về mặt pháp lý, việc cho phép và công nhận hôn nhân đồng giới không đơn giản đưa ra một quy định trong Luật hôn nhân và gia đình mà còn phải xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định khác của hệ thống pháp luật nên cần một lộ trình và thời gian nhất định. Dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng giới, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp những người kết hôn đồng giới giải quyết ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này (vấn đề tài sản, con cái...) nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các bên và sự ổn định của xã hội.
Từ những thay đổi trong quy định của pháp luật, có thể thấy việc thay đổi từ “cấm” kết hôn sang “không thừa nhận” kết hôn giữa những người cùng giới tính cũng là một bước tiến khá lớn và khả quan của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, tạo cơ sở để dần dần thay đổi nhận thức xã hội về vấn đề này đồng thời để bảo đảm quyền và lợi ích cơ bản nhất cho những người kết hôn đồng giới.