Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh cho biết, bộ phim đầu tiên chị đóng chung cùng Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín là "Chiếc mặt nạ da người" do Hãng phim Chánh Phương của ông sản xuất năm 1992. Bộ phim đã đưa Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh và Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín trở thành một cặp đôi ăn ý của màn ảnh. Từ thành công của bộ phim này, Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín đã hào hứng quyết định làm tiếp phim "Bản tình ca cuối cùng" do Hãng phim Chánh Phương của ông sản xuất và ông đảm nhận luôn vai nam chính.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh và Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín từng là cặp đôi đẹp của màn ảnh. Ảnh: TL
Nhắc đến đàn anh, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh không bao giờ quên được một người đàn ông lãng tử, hào hoa, quý tộc… Mỗi lần đóng chung phim, cả hai luôn vướng tình yêu tay đôi, tay ba và đều có những cảnh quay rất lãng mạn. Trong mắt Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín là một người chỉn chu, kỹ lưỡng, làm việc gì cũng hết mình và rất thương quý bạn bè.
Sau những lần chị đóng chung phim cùng Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín, vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh trở thành những người bạn thân thiết của gia đình ông. Mỗi lần chị vào TP.HCM, Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín lại gọi điện mời "bồ tèo" đi cà phê, ăn uống. Lúc sinh thời, Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín vẫn ước mong một ngày nào đó các nghệ sĩ tuổi trung niên như Thương Tín, Chánh Tín, Lê Khanh cùng đóng chung trở lại trong một bộ phim, như cách giới điện ảnh Mỹ vẫn thường làm, mời các ngôi sao gạo cội hội ngộ.
Kể về kỷ niệm khi đóng chung với với Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh nói rằng, chị không bao giờ quên được cú tai nạn suýt cướp đi mạng sống của chị khi quay cảnh đua ngựa trên Đồi Cù – Đà Lạt trong phim "Chiếc mặt nạ da người". Theo đó, đây là bộ phim do Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín làm đạo diễn mà Chánh Tín lại là người rất ưa những điều lãng mạn, quý phái, sang trọng vì thế ông đã mang những điều này vào phim của mình. Trong phim, nhân vật của Chánh Tín là một người đàn ông rất quý tộc, lịch lãm và chịu chơi. Chơi theo phong cách rất chịu chơi của các bá tước, quý tộc châu Âu ngày xưa. Nhân vật của Thương Tín là một người giàu có, quý tộc và cũng rất chịu chơi.
Cảnh của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh và Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín trong "Chiếc mặt nạ da người". Ảnh: TL
Cả nhân vật của Chánh Tín và Thương Tín đều đem lòng yêu nhân vật của Lê Khanh và muốn chiếm được trái tim của người đẹp. Cả ba đã thách đấu với nhau, nếu thực hiện một cuộc đua ngựa, ai mà thắng cuộc sẽ có được trái tim người đẹp. Vì thế, cả ba người đã có những cảnh quay đua ngựa rất lãng mạn nhưng cũng không kém phần gay cấn trên Đồi Cù.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh ám ảnh về cú ngã ngựa khi đóng phim cùng Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín
"Tôi vẫn nhớ, hôm đó, anh Chánh Tín cưỡi con ngựa màu đen, tôi cưỡi con ngựa màu trắng, cả hai con ngựa cùng phi nước kiệu. Cảnh quay này bắt buộc phải giật cương, thúc mạnh vào hông con ngựa một lực rất lớn và động tác giật cương phải làm sao để ngựa dựng đứng lên hí thật to.
Trong cuộc đua này, ngựa ông nào về đích sớm thì sẽ thắng và có được trái tim của người đẹp. Cuối cùng ngựa Thương Tín thua nên rút khỏi mối tình đó, ngựa của Chánh Tín thắng.
Tuy nhiên, khi đang quay thì tôi gặp một cú tai nạn suýt chết. Con ngựa trắng tôi cưỡi quay suốt từ sáng đến 1h chiều ở Đồi Cù đã không còn nghe theo sự điều khiển của tôi nữa. Nó cứ thế phi nước kiệu về phía rừng thông mà không chịu dừng lại. Đồi Cù lúc đó không đẹp như bây giờ, chằng chịt đất đá và thông mọc um tùm.
Trong tình thế đó, nếu cố ngồi trên lưng ngựa thì tôi cũng chết, mà rơi xuống tôi cũng chết… tôi đã liều mạng buông dây cương và chấp nhận ngã xuống. Lúc đó, tôi rất hoảng loạn nhưng chỉ nghĩ làm sao để thoát khỏi con ngựa đã rồi sẽ tính. Tôi ngã xuống thì con ngựa vẫn cứ vút đi.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh thời trẻ. Ảnh: TL
Cả đoàn quay phim lúc đó đang đứng ở xa để lấy cảnh toàn, thấy tôi như thế thì ai nấy đều "chết đứng". Cậu cho thuê ngựa chạy đến đầu tiên, sau đó là quay phim Phạm Việt Thanh chạy lên xốc tôi, bế tôi về khu tập kết của đoàn phim để nghỉ ngơi. Và một điều kỳ diệu đã xảy ra đó là dù ngã như thế nhưng tôi không bị làm sao hết, không bị xước xát chân tay hay gãy xương mà chỉ bị hoảng loạn tinh thần một chút thôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tôi an toàn được như thế sau cú ngã đó.
Sau 2 tiếng nằm nghỉ ngơi, tôi tĩnh tâm trở lại. Tôi cứ áy náy mãi vì sản xuất phim tư nhân phải bỏ bao nhiêu tiền của, giờ chỉ còn mấy cảnh cuối nữa là xong phim mà mình bị làm sao thì cả ê-kíp sẽ phải dừng lại hết và hãng phim của anh Chánh Tín sẽ bị sạt nghiệp. Nghĩ là thế nên sau khi nghỉ ngơi, thấy mình ổn định rồi thì tôi đồng ý quay lại cảnh cưỡi ngựa đó một lần nữa. Tôi với anh Chánh Tín đã quay lại đúng cảnh cưỡi ngựa như lúc đầu và đã có được những thước phim rất đẹp. Đêm hôm đó tôi cứ nơm nớp lo sợ sẽ bị đau nhức mình mẩy hoặc có vấn đề gì đó nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Tôi nhận ra lúc đó mình thật liều vì quay lại mà gặp đúng sự cố như ban đầu thì chắc chắn sẽ tàn phế cả cuộc đời. Nhưng nếu mình nghỉ quay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đoàn làm phim. Thời đó, các hãng phim tư nhân của miền Nam họ đầu tư rất nhiều tiền cho mỗi bộ phim và nếu chậm ngày nào là chủ hãng phim phải chi trả "ốm đòn", Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh chia sẻ.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh, cho đến bây giờ, chị vẫn không thể hiểu lúc đó có đấng siêu nhiên, vô hình nào đỡ cho chị cú ngã ngựa kinh hoàng đó để chị có thể bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ đến giây phút đó chị vẫn cảm thấy kinh hoàng.
Sau này, khi đóng chung phim "Bản tình ca cuối cùng" - một bộ phim tâm lý cân bằng được hai khái niệm nghệ thuật và giải trí, đồng thời biến Chánh Tín và Lê Khanh thành một cặp đôi đẹp của màn ảnh lúc bấy giờ. Trong phim này, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh vào vai Thoa và cũng có nhiều cảnh lãng mạn, tình tứ với Nghệ sĩ Ưu tú Chánh Tín.
Theo Hà Tùng Long/Dân Việt