Tôi sinh ra là đứa trẻ không cha. Ngày mẹ sinh tôi, người duy nhất ở bên mẹ là bà ngoại. Từ lúc mẹ quyết giữ lại tôi trong bụng, mẹ đã bị ông ngoại từ mặt, chịu sự dè bỉu, xì xào của cơ quan đồng nghiệp, họ hàng lối xóm.
Nếu không vì thương bà, chắc hẳn mẹ tôi đã không đủ vững vàng vượt qua cuộc sống ngập tràn tủi nhục này.
Ra đời trong hoàn cảnh ấy, tôi giống như con nhím hoang, sẵn sàng xù lông thách thức tất cả, thậm chí chọn cách bảo vệ mình bằng việc sỉ nhục ngược lại mọi người, miễn là có được cảm giác hả hê lúc đó.
Ngoài bà và mẹ, không ai có thể hình dung được con bé ngỗ ngược tìm gạch chọi lên đầu bạn, chửi bới, túm tóc, đánh bất cứ ai dám động chạm đến gia cảnh nhà nó, với đứa nhỏ đầm đìa nước mắt, cô độc thu mình vào xó nhà cùng nỗi sợ sệt mỗi khi bước chân ra ngoài.
Tôi bất cần, ghê gớm nhưng lại vô cùng nhạy cảm, yếu mềm
Ra đời trong hoàn cảnh ấy, tôi giống như con nhím hoang, sẵn sàng xù lông thách thức tất cả (Ảnh minh họa: Pexels).
Tuy nhiên, tôi vẫn còn quá nhỏ để hiểu rằng, chính sự hư hỗn, khó chịu của tôi mới là nguyên nhân khiến tôi bị xa lánh, chứ không phải do hoàn cảnh ra đời thiếu hụt của mình. Chẳng ai yêu nổi con nhóc đanh đá, bụi đời giống như tôi.
Cả tuổi thơ tôi sống trong ấm ức, hờn ghét. Tôi ghét cả bà, cả mẹ vì họ đã để tôi phải có mặt trên đời, bắt tôi phải chịu sự ghẻ lạnh của thế giới xung quanh.
Tôi gây thù chuốc oán từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chính tôi đã định danh hai chữ "con hoang" cho mình bởi sự hoang dã, cục cằn và hung hãn vô biên. Chắc tôi đã khiến bà và mẹ đau lòng lắm. Cũng may trời thương còn cho tôi một ưu điểm, đó là tôi học rất giỏi.
Năm học cấp 3, tôi được tuyển thẳng vào trường chuyên của tỉnh. Trường xa hơn chục cây số nên tôi gần như ở lì tại trường. Dù chẳng hạnh phúc gì với nỗi cô độc, tôi thấy vẫn còn hơn việc phải đối diện với sự kỳ thị, ghẻ lạnh của mọi người trong làng.
Vì vậy, trừ những dịp lễ buộc phải về nhà, tôi hầu như không rời khỏi cái ổ khép kín của tôi tại khu nội trú.
Tốt nghiệp lớp 12, tôi nằm trong số ít học sinh đỗ đại học năm ấy. Cầm giấy báo điểm trên tay, tôi vui hơn bắt được vàng. Từ nay, tôi sẽ được đến một nơi không ai biết tôi, bắt đầu lại cuộc sống mà không cần lo đến gia cảnh, nguồn gốc.
Ngày tôi đi nhập học, bà dậy rất sớm để đồ xôi thắp hương. Mẹ bất chấp sự phản đối hung dữ của tôi, nhất quyết đưa tôi lên thành phố.
Sau này, tôi vẫn luôn mang ơn quyết định này của mẹ. Hóa ra không phải giai đoạn vào đại học, chính là chuyến đi cùng mẹ đó đã thay đổi đời tôi.
Lần đầu tiên, tôi biết chủ động ôm mẹ mà khóc đến sưng húp mắt mũi vì thương. Sự thù hận trong lòng tôi đối với bà và mẹ bỗng chốc biến thành niềm tôn kính. Tôi kính trọng hai người phụ nữ nhỏ bé ấy, họ đã vì tôi dũng cảm đương đầu với cả thế gian.
Tôi bắt đầu hành trình mới của mình bằng câu chuyện mẹ kể và biết mở lòng từ đó. Tôi có bạn bè, được mọi người khen có cá tính và duyên dáng. Tôi nhận ra rằng, hóa ra tôi cũng có nhiều điểm đáng yêu trong mắt người khác.
Đặc biệt, tôi không thể quên ngày tôi bị ốm, bạn bè đứa điểm danh hộ, đứa chép bài cho, đứa nấu cháo bê lên tận giường khiến tôi khóc nghẹn.
Quả thật, tôi chưa từng dám hình dung có một ngày nào đó, tôi được nhận những yêu thương ấm áp đến thế. Cuộc sống này có quá nhiều điều tốt đẹp, chẳng qua tôi không đủ tốt để nhận ra.
Sự bao dung, mềm mại của những người xung quanh đã giúp tôi từ từ gỡ bỏ đám lông nhím trong tâm hồn mình. Khi bản thân vui vẻ, thế giới tự khắc trở nên dễ thở tuyệt vời.
Tôi đường hoàng về quê mỗi dịp sinh viên được nghỉ. Tôi thoải mái ôm bà và mẹ vào lòng. Tôi vui vẻ nấu cháo, bón cho ông ngoại ăn. Đây vốn là công việc hàng ngày của bà và mẹ suốt mấy năm qua, từ ngày ông đổ bệnh.
Tôi tự tin đi chợ, chào hỏi mọi người. Ai cũng mỉm cười với tôi, hỏi tôi chuyện học hành và khen tôi giỏi.
Tôi nhận ra cuộc đời này có thể có lúc khiến mình rơi nước mắt, nhưng không phải là những giọt đắng cay. Cuộc sống đôi khi có giông gió, có mưa rơi, nhưng đừng quên vẫn có ánh mặt trời.
Khi đã có rất nhiều niềm vui trong cuộc sống, tôi mới hiểu tôi đã quá ấu trĩ với quãng đời tuổi thơ của mình, chỉ vì tôi đã tự biến thành người mà chính tôi căm ghét.
Theo Như Ý Cát Tường/Dân Trí