* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Gần đây, câu chuyện về hoa hậu Kỳ Duyên liên quan đến sách tại tập 2 của cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 đã thu hút nhiều sự chú ý. Trong phần thuyết trình về chủ đề đọc sách, Kỳ Duyên đã gây thất vọng khi chỉ nói được hai câu và lộ rõ sự ngập ngừng, lo lắng.
Cô thừa nhận rằng mình chưa từng đọc hết một cuốn sách nào và thích trau dồi kiến thức qua hình ảnh và âm thanh. Nhiều người đã chỉ trích cô vì điều này, cho rằng với một người nổi tiếng có ảnh hưởng như Nguyễn Cao Kỳ Duyên, việc lười đọc sách là không chấp nhận được.
Tôi luôn nghĩ rằng, không phải cứ cầm một cuốn sách giấy mới được coi là đang đọc. Trong thời đại số hóa hiện nay, cách chúng ta tiếp nhận tri thức đã có nhiều thay đổi. Đọc sách truyền thống, dù mang lại cảm giác thú vị khi lật từng trang giấy nhưng không còn là cách duy nhất để tiếp thu kiến thức và cũng không nên là cách duy nhất mà chúng ta coi trọng.
Tôi rất thích đọc sách, nhưng tôi cũng nhận ra rằng không phải lúc nào mình cũng có thời gian hoặc điều kiện để ngồi xuống với một cuốn sách giấy. Nghe sách nói đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi có thể học hỏi khi đang di chuyển, làm việc nhà hay thậm chí là lúc thư giãn. Những ứng dụng như Voiz FM hay Fonos giúp tôi tiếp cận được nhiều kiến thức mà có lẽ trước đây tôi đã bỏ lỡ.
Sách điện tử cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Với một thiết bị nhỏ gọn, tôi có thể mang theo hàng ngàn cuốn sách và đọc bất cứ khi nào mình muốn. Waka hay Kindle là những nền tảng mà tôi thường sử dụng và tôi thấy việc đọc sách điện tử không hề kém giá trị so với sách giấy.
Hoa hậu Kỳ Duyên ngồi đọc sách.
Tôi cũng học hỏi qua nhiều kênh khác như podcast, video giáo dục và các khóa học trực tuyến. Những kênh như Giang Ơi Radio cung cấp nhiều thông tin hữu ích mà tôi có thể nghe bất cứ lúc nào. YouTube cũng là một kho tàng tri thức với những kênh như Tinh tế hay TEDx Talks Vietnam, nơi tôi tìm thấy nhiều bài học và ý tưởng mới mẻ.
Điều tôi muốn chia sẻ là, chúng ta không nên quá đặt nặng vào việc bắt buộc phải đọc sách giấy truyền thống. Quan trọng nhất là cách chúng ta tiếp nhận và áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Dù qua sách nói, sách điện tử, podcast hay bất kỳ phương tiện nào khác, điều cốt lõi là chúng ta vẫn đang học hỏi, phát triển và không ngừng mở rộng tầm nhìn của mình.
Vài chục năm trước, chúng ta từng đọc rất nhiều sách, từ truyện Tây đến truyện ta. Nhưng giờ đây, khi mọi thứ đều có trên Internet và chỉ cần một chiếc smart phone là có thể biết tất cả, việc đọc sách truyền thống không còn là niềm hứng thú như trước.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người đọc sách cũng rất thấp nên chúng ta cũng đừng quá khắt khe với việc ai đó chưa hoàn toàn dành thời gian cho sách. Kiến thức có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Việc Kỳ Duyên chưa đọc hết một cuốn sách nào có thể khiến phần thuyết trình của cô ấy thiếu thuyết phục, điều này là rất rõ ràng. Đọc sách có vai trò rất quan trọng nhưng cũng không phải là con đường duy nhất. Nâng cao kiến thức giờ đây có rất nhiều cách, không chỉ giới hạn trong việc đọc sách.
Ưu điểm của việc đọc sách là khi đã quen với những cuốn sách có giá trị tri thức cao hoặc văn chương kinh điển, ta sẽ có sức đề kháng với những trào lưu nhảm nhí hay nội dung độc hại trên mạng xã hội. Giống như người quen ăn uống lành mạnh sẽ không thiết tha gì đồ ăn nhanh.
Tôi chẳng lo lắng về việc người khác không đọc sách truyền thống. Việc tiếp cận hoạt động đọc đã đa dạng hơn rất nhiều, từ điện thoại, máy đọc sách, sách giấy, đến máy tính... Nguồn sách và thể loại cũng phong phú. Hầu hết mọi người bị phân tâm bởi công việc và các thú vui khác, còn tôi thì loanh quanh với cái Kindle và vài cuốn tiểu thuyết. Vừa tiện, vừa vui, lại tiết kiệm.
Sách cũng có sách này sách kia, podcast, video cũng vậy. Podcast, video có thể đảm nhiệm một số chức năng như sách nhưng lại dễ tiếp cận và sử dụng hơn. Tất nhiên, sách có những ưu điểm riêng, đặc biệt là nội dung chi tiết hơn, ngôn từ trau chuốt hơn. Việc lựa chọn phương tiện nào phù hợp còn tùy thuộc vào mục đích của mỗi người. Nhưng điều quan trọng nhất là giữ tinh thần không ngừng học hỏi.
Nhân tiện, tôi muốn nhấn mạnh nhiều người nổi tiếng cũng có thói quen đọc sách, không chỉ dừng lại ở sách giấy. Ví dụ, hoa hậu Lương Thùy Linh, Đoàn Thiên Ân, á hậu Thúy Vân, Thùy Dung... đều thích đọc sách và thường xuyên cập nhật kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau.
Đặc biệt, Hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy rất nổi tiếng với niềm đam mê đọc sách. Chị có một bộ sưu tập sách đồ sộ, yêu thích các tác phẩm của Lev Tolstoy, Giả Bình Ao, Murakami, Jean-Jacques Rousseau.. và thậm chí đã phỏng vấn nhà tiểu thuyết lừng danh người Séc Milan Kundera.
Chúng ta nên nhìn nhận rằng việc tiếp cận kiến thức có thể rất đa dạng và không nên đánh đồng tất cả chỉ qua một lăng kính hẹp.
Theo Nhật Minh/VietNamNet