Khen, chê hết lời khi xem phim "Chúng ta của 8 năm sau"

Google News

Khen hết lời, chê nặng nề hay xuýt xoa tiếc nuối về những số phận nhân vật chìm nổi là phản ứng đa chiều của khán giả xem phim "Chúng ta của 8 năm sau".

Phẫn nộ khi xem cảnh nóng và ngoại tình
Độc giả Minh Tuyết (Hà Nội) thẳng thắn nói: “Tôi ghê sợ tính cách của nhân vật Tùng trong Chúng ta của 8 năm sau khi vừa muốn độc chiếm Nguyệt nhưng mặt khác vẫn qua lại với tình nhân ngay trong chính ngôi nhà của hai vợ chồng. Tôi uất ức thay Nguyệt khi cô bị chồng phản bội một cách trơ trẽn và kinh khủng hơn khi năm lần bảy lượt lôi gái về nhà quan hệ ngay trên chính chiếc giường của hai vợ chồng. Nhiều người nói tình tiết này vô lý nhưng tôi nghĩ biên kịch viết đúng thực tế. Ngoài đời tôi cũng có người bạn bị rơi vào tình cảnh y chang như nhân vật, chỉ có điều cô ấy không đủ bình tĩnh và cương quyết như Nguyệt”.
Cùng quan điểm, bạn Hà Thu (Hải Phòng) đưa ra ý kiến khá quyết liệt: “Những phân cảnh ngoại tình, nữ chính uống rượu như nước lã với suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống ở Chúng ta của 8 năm sau khiến tôi không muốn cho con mình xem phim. Một điều nữa khiến tôi băn khoăn khi xem phim chính là cách xây dựng nhân vật nữ chính. Dương hồi trẻ đáng yêu, ngọt ngào và tràn đầy năng lượng tích cực bao nhiêu ở phần 2 u uất, bất cần bấy nhiêu. Những biến cố lớn đã đẩy Dương tới tận cùng thất vọng nhưng cách xây dựng nhân vật có phần tiêu cực với phản ứng cực đoan thường xuyên tìm đến rượu mang đến một hình mẫu người trẻ không tốt”.
Người đọc Vũ Mai Hương hơi cực đoan khi cho hay: “Tôi từ năm 2000 tới giờ chỉ xem phim Mỹ, Hàn Quốc. Không tiêu hóa nổi showbiz và phim ảnh Việt”.
Trong khi đó, bạn Thuong Pham hướng tới việc tìm giải pháp hài hòa: “Phim giờ vàng phát trên sóng quốc gia nên có cảnh báo hạn chế độ tuổi như các nền tảng trực tuyến để người xem còn biết để cân nhắc khi xem”.
Khen, che het loi khi xem phim
 
Sức hút của bộ phim là không thể phủ nhận
Đánh giá khách quan hơn về Chúng ta của 8 năm sau, khán giả Vũ Thái An cho hay: “Đây là bộ phim truyền hình duy nhất tôi đang theo dõi. Phần 1 đáng yêu nhưng phần 2 mới là xử lý những rắc rối trong đời sống hôn nhân. Nếu không có ngoại tình, đánh ghen thì không biết phim sẽ miên man về đâu khi tình yêu của Dương và Lâm mãi chưa có hồi kết.
Nguyệt đã yêu mù quáng và cả tin về sự thuỷ chung, tôi thấy mọi người thương cô ấy nhưng với tôi tất cả những tình huống biên kịch đưa ra là lời cảnh tỉnh cho Nguyệt và các bà mẹ về việc cần tỉnh táo với người đàn ông của mình. Đừng để sự việc vỡ lở rồi trách một phía. Trong mọi sự ta đều nên có góc nhìn công bằng, Nguyệt cũng không hẳn đáng thương hết đâu”.
Độc giả Phúc Anh bình luận: “Tôi thấy phim này ổn đấy chứ. Những cảnh bạn đề cập trong bài tôi thấy chưa có gì ghê gớm. Bạn có chắc rằng nếu chúng ta sợ con em xem phim bắt chước làm theo mà không lường được mỗi cháu bây giờ đều được trang bị điện thoại hay máy tính riêng, bố mẹ không kè kè ở bên mà kiểm soát con vào trang nào xem đâu. Có khi nghe theo chúng bạn vào các group đường link nguy hiểm hơn ấy. Vì vậy, phim ảnh chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng trong mỗi gia đình đừng bỏ rơi những đứa trẻ hãy là người bạn và sát sao với chúng trong mọi trường hợp, xem phim để giải trí và là yếu tố nhỏ thôi”.
Bạn đọc Nhi Nguyễn (Hưng Yên) phân tích cụ thể: “Tôi theo dõi Chúng ta của 8 năm sau từ những tập đầu và từng mê mẩn vì câu chuyện thanh xuân ngọt ngào, tràn ngập tinh thần tuổi trẻ của nhóm bạn Dương - Nguyệt - Lâm - Tùng. Là trung niên mà tôi vẫn bị cuốn theo chuyện tình bạn, tình yêu tươi sáng của 4 bạn trẻ, cuồng nhiệt, trong sáng, dữ dội nhưng cũng ngập nỗi đau”.
Phản ứng lại ý kiến của bạn Hà Thu khi lo lắng không muốn cho các con xem phim này, khán giả Nhi Nguyễn cho rằng: “Phim không dành cho trẻ con nên việc bạn cấm con xem là đúng. Nhưng bạn có dám chắc là không xem trên ti vi, con bạn sẽ không xem ở các nền tảng khác? Thay vì cấm đoán, hãy xem cùng con, phân tích cho chúng hiểu đúng sai. Thêm nữa, phim phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia đã tiết chế nhiều, cảnh phim rất vừa phải nên bạn hơi lo lắng thái quá rồi. Phim chiếu mạng bây giờ nhiều cảnh khủng khiếp hơn, bạn có kiểm soát được hết không?
Phim ảnh là phản chiếu đời thực, ngoài đời chuyện ngoại tình còn khủng khiếp hơn nhiều. Chúng ta thường thấy những tin tức hay clip đánh ghen tràn lan trên mạng với những hình ảnh bạo lực. Còn trên phim, cảnh đánh ghen của Nguyệt cực kỳ văn minh. Giả dụ như các nhà phim chọn tình huống để Nguyệt nhảy vào giật tóc chửi mắng tam hay cầm điện thoại quay cảnh làm nhục chồng và kẻ thứ 3 như bao clip người ta đã xem trên mạng khéo bộ phim còn bị mổ xẻ nữa”.
 
Người đọc tên Lucas bày tỏ quan điểm: “Em nghĩ là nên thay đổi tư duy theo lối mòn, thời đại 4.0 nên các bé có rất nhiều nguồn tiếp cận, càng không cho biết và tìm hiểu lại càng làm cho các bé tò mò, dẫn đến phản tác dụng. Việc suy nghĩ tiêu cực cũng thế, thay vì không cho xem nên xem mà phân tích cho bé cái gì đúng cái gì sai. Cho con mặc ấm quá rồi sau ra đời lạnh lẽo bố mẹ có đi theo để mặc áo được đâu. Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phát triển họ giáo dục giới tính cho trẻ em rất bài bản và cho các bé tự lập từ sớm. Giá trị đạo đức cũng nên phát triển theo thời cuộc để hướng đến cái gì tốt nhất!”.
Độc giả Hùng Thịnh 2210 đề nghị cần có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về bộ phim: “Theo dòng thời gian và quy luật của cuộc sống, các chàng trai cô gái ngây thơ năm xưa giờ cũng dày dạn sương gió, được cuộc đời tôi luyện hơn. Vậy nên cách ứng xử và các mâu thuẫn của họ cũng được khai thác rất đời thực. Phim ảnh dù có hư cấu thế nào vẫn là những lát cắt của cuộc đời với đủ mùi vị: hạnh phúc, tổn thương hay sự bao dung và đặc biệt là cách các nhân vật đối diện với nhau, đối diện với những biến cố. Tôi thấy bộ phim Chúng ta của 8 năm sau đang làm được điều này”.

Theo Thiên Di/Vietnamnet